Hôm qua, thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2012, các ĐBQH tham dự phiên họp 11 của UBTV Quốc hội cho rằng, tình hình tham nhũng ngày càng “nghiêm trọng và phức tạp”, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, công tác PCTN chưa đạt yêu cầu và mục tiêu là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý Nhà nước.
Việc phát hiện tham nhũng và kiến nghị xử lý về hình sự thông qua công tác thanh tra tuy có tăng về số vụ nhưng lại giảm về số đối tượng.
“Công tác kiểm toán trong năm qua không chuyển vụ việc nào có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng sang cơ quan điều tra xử lý hình sự. Hầu như không có cơ quan, tổ chức, đơn vị nào phát hiện được vụ việc tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Nhưng điều đáng nói hơn là trong quá trình thanh tra, kiểm toán không phát hiện hành vi tham nhũng, nhưng sau đó các cơ quan khác lại phát hiện và xử lý được nhiều hành vi tham nhũng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết.
Vẫn theo Ủy ban Tư pháp, số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý trong năm 2012 tuy có tăng, nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra; số tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được còn rất ít. Nổi lên là tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại địa phương.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai còn lãng phí, nhiều hạn chế, bất cập chưa được xử lý kịp thời. Cụ thể, trong 2 năm 2011 và 2012 đã thu hồi đất của 792 tổ chức với diện tích 12.550,4ha; đang lập hồ sơ thu hồi đất của 163 tổ chức với diện tích 1.502ha; chưa xử lý 3.738 tổ chức với diện tích 60.073ha. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, hệ thống thanh tra Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý thu hồi 1.610ha đất. |
Trong khi khả năng phát hiện tham nhũng còn yếu thì những vụ tham nhũng đã được đưa ra ánh sáng lại chưa được xử lý nghiêm. Đa số vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được phát hiện nhưng chỉ bị xử lý kỷ luật; án tham nhũng được đình chỉ ở một số địa phương còn cao. Nhiều vụ án, bị can trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã được thay đổi sang tội danh nhẹ khác hơn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, từ thực tế một số vụ án lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước, thì việc ban đầu là khởi tố hành vi tham nhũng, nhưng sau đó lại chuyển sang các tội danh khác nhẹ hơn. “Đặc biệt, Báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá tình hình phát hiện và xử lý tham nhũng trong các cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng, các cơ quan có thẩm quyền trong phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng”, Chủ tịch cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa chưa hài lòng với những nhận định chung chung, không khác nhau từ năm này sang năm khác. Ông Khoa còn cảnh báo: "Nếu cứ báo cáo chung chung như thế này thì đến một lúc nào đó, người dân sẽ không quan tâm phòng, chống tham nhũng nữa".
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng giải trình: Trong nhiều trường hợp sai phạm được kết luận rất lớn, nhưng việc thu hồi không khả thi; khả năng hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ quản lý cũng rất khó khăn. Có DNNN đã dùng tiền mua cổ phiếu, đầu tư vào bất động sản, dẫn đến mất vốn.