| Hotline: 0983.970.780

Hơn 500 hộ dân nơm nớp lo vỡ đập chứa nước Cha Chạm

Thứ Tư 20/11/2024 , 13:32 (GMT+7)

Hà Tĩnh Hoàng loạt vết nứt lớn tại đập Cha Chạm, huyện Hương Khê được phát hiện từ năm 2023 đến nay, đe dọa hơn 500 hộ dân hạ lưu đập.

Hồ chứa run rẩy

Hồ chứa nước Cha Chạm, xã Gia Phố, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh được xây dựng và đưa vào khai thác năm 1977, đến 2011 UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý, khai thác.

Hồ có dung tích thiết kế 0,66 triệu m3 nước, cấp nước cho 38ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc xã Gia Phố và một phần diện tích thuộc kênh chính Khe Táy, huyện Hương Khê. Đập đất của hồ có chiều dài 121m, chiều rộng mặt đập từ 1,5-3,5m, chiều cao đập cao nhất là 9,4m…

Đập Cha Chạm liên tục xuất hiện những vết nứt dài trên thân và mái đập. Ảnh: Thanh Nga.

Đập Cha Chạm liên tục xuất hiện những vết nứt dài trên thân và mái đập. Ảnh: Thanh Nga.

Theo báo cáo mới nhất của Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, do “tuổi thọ” cao, trong khi công nghệ xây dựng trước đây hạn chế nên công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều lần xuất hiện các sự cố nứt thân đập và sạt trượt mái thượng lưu đập.

Cụ thể, vào tháng 7/2023, sau báo cáo của đơn vị về sự cố nứt đập, UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý chủ trương cho khắc phục trước mắt để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm 2023 và đã khắc phục tạm thời.

Ngày 8/5/2024 tiếp tục phát hiện đỉnh đập xuất hiện thêm 1 vết nứt chiều dài 4,2m; chiều sâu vị trí lớn nhất 35cm, chiều rộng đường nứt 1,5cm. Vị trí vết nứt này tiếp nối, nằm ngoài phạm vi đã được khắc phục tạm thời năm 2023, kéo dài ra giữa thân đập đất về phía vai trái tuyến đập.

Tiếp tục, chiều 30/9/2024, sau trận mưa lớn, đập Cha Chạm xuất hiện thêm sự cố sạt trượt mái thượng lưu đập với chiều dài 20m, chiều rộng nơi lớn nhất gần 20cm. Khối đất phía cung trượt tại vị trí khe nứt chỗ sâu nhất sụt xuống khoảng 50cm so với vị trí ban đầu nhưng không tìm thấy chân cung trượt. Chưa kể, trên đỉnh đập (song song với cung trượt) xuất hiện vết nứt đỉnh đập dài khoảng 20m, rộng 1cm; trong phạm vi được xử lý tạm thời năm 2023 tiếp tục xuất hiện vết nứt dọc đỉnh đập tại vị trí giáp với mái thượng lưu với chiều dài khoảng 13m, xu hướng gây sạt trượt mái thượng lưu.

Một số điểm sạt trượt dù được gia cố tạm thời nhưng việc xử lý này như 'muối bỏ biển'. Ảnh: Thanh Nga.

Một số điểm sạt trượt dù được gia cố tạm thời nhưng việc xử lý này như "muối bỏ biển". Ảnh: Thanh Nga.

Ngày 5/11/2024, đỉnh đập và mái đập lại xuất hiện vết nứt với chiều dài 8,4m; rộng 2 - 3cm, sụp xuống so với mặt đập 3 - 4cm. Chiều cùng ngày, vết nứt tiếp tục phát triển dẫn đến mặt đập và mái đập bị trượt với phạm vi từ vị trí đống đá mới được gia cố năm 2023 đến vị trí cống lấy nước với chiều dài 56m.

“Tại các thời điểm phát hiện sự cố, chúng tôi đã báo cáo kịp thời đến UBND tỉnh. Bây giờ rất cần nguồn lực từ Trung ương, tỉnh để “cứu” đập. Quan trọng nhất là phải làm dứt điểm và đầu tư tương xứng”, lãnh đạo Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh nói.

Theo UBND xã Gia Phố, lo lắng nhất là hiện nay, cách chân đập về phía hạ lưu khoảng 1km đang có hơn 500 hộ dân sinh sống tại các thôn Trung Hải, Đông Thịnh, Thượng Hải. Nếu không sửa chữa, nâng cấp kịp thời, vào mùa lũ, khi xảy ra vỡ đập sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của bà con.

Cần có một dự án cấp bách sửa chữa đồng bộ, bền vững đối với đập Cha Chạm. Ảnh: Thanh Nga.

Cần có một dự án cấp bách sửa chữa đồng bộ, bền vững đối với đập Cha Chạm. Ảnh: Thanh Nga.

Tuyệt đối không để xảy ra sự cố vỡ đập

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Hương Khê khẩn trương tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 2462/QĐ-UBND ngày 29/10/2024 về Phương án tích nước đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ năm 2024.

Xây dựng phương án, huy động nhân lực, nguồn lực của công ty và phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý tạm thời ngay sự cố sạt trượt mái và thân đập đất Cha Chạm nhằm đảm bảo an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân vùng hạ du, tuyệt đối không để xảy ra sự cố vỡ đập.

Thường xuyên cập nhật diễn biến hiện trạng công trình và báo cáo kết quả thực hiện về Sở NN-PTNT, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và UBND tỉnh biết để chỉ đạo kịp thời. Cử nhân lực thường trực và sẵn sàng các tình huống dự phòng xử lý sự cố công trình, canh gác 24/24h, kịp thời phát hiện và ứng cứu bảo vệ công trình khi có các tình huống nguy hiểm xảy ra.

Do đầu tư đã lâu nên các hạng mục công trình đều rệu rã, công tác vận hành tưới của cán bộ thủy nông gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Thanh Nga.

Do đầu tư đã lâu nên các hạng mục công trình đều rệu rã, công tác vận hành tưới của cán bộ thủy nông gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Thanh Nga.

“Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh khẩn trương xây dựng, đề xuất phương án nâng cấp, sửa chữa tổng thể công trình hồ chứa nước Cha Chạm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành gửi các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, NN-PTNT, Tài chính trước ngày 15/11/2024. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu UBND tỉnh phương án lập dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình đảm bảo kịp thời, hiệu quả và đúng quy định”, văn bản giao việc của UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu.

UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh, trong mọi trường hợp, Sở NN-PTNT (cơ quan quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa), Giám đốc Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về đảm bảo an toàn cho công trình hồ chứa nước Cha Chạm.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Trữ nước ngọt cho mùa khô

Tiền Giang Để chủ động sản xuất trong mùa khô, ngành chức năng và người dân tỉnh Tiền Giang bắt tay vào công tác tích trữ nước ngọt và các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.