| Hotline: 0983.970.780

Đê biển ở Quảng Bình bị “Sơn Tinh” xé nát vì chưa hoàn thiện

Thứ Tư 31/10/2012 , 10:29 (GMT+7)

Đê chắn sóng dài 330 m, mặt đê rộng 9 m, mặt đê được đổ bê tông cốt thép thép dày 1 m, có tường chắn sóng...

Sáng 28/10, khi cơn bão số 8 (tên quốc tế là Sơn Tinh) đang ngoài khơi thì những đợt sóng cao gần 10m đã húc vỡ và xé nát đê biển nối đảo Hòn Cỏ với cảng Hòn La (Khu Kinh tế Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình).


Sóng biển vỗ tuyến đê Hòn Cỏ- Hòn La vào sáng 28/10.

Tuyến đê này có chiều dài 330 m, rộng 9 m, thân đê đắp bằng đá và được chắn bằng nhiều khối bê tông tản sóng (mỗi khối nặng 16 và 25 tấn). Sau cơn bão, tuyến đê đã được hợp long cách đó hơn hai tháng đã không còn hiện hữu... Những con sóng cao  men chân Hòn La ập vào đê chắn sóng tung bọt trắng xoá. Sau mỗi đợt sóng, tuyến đê này hiện ra thành hình vòng cung lõm vào phía trong vịnh và cũng chỉ lởm chởm những khối bê tông tản sóng nằm ngổn ngang...

Từ năm 2000, khi cảng Hòn La được xây dựng, tuyến đê nối Mũi Vích với Hòn Cỏ (gọi là D1) hoàn thành và đưa vão sử dụng tiếp đó là cầu cảng biển đón tàu một vạn tấn được hình thành. Nhưng với ý tưởng cảng Hòn La phải đón được tàu có trọng tải lớn hơn (5 - 7 vạn tấn) phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội trên khu vực, cần một tuyến đê 2 nối.

Hòn Cỏ với Hòn La là hai hòn núi sừng sững giữa biển trời nhưng lại khá gần nhau, cách nhau chỉ chừng 330 m. Tuyến đê biển nối hai hòn núi này sẽ tạo nên một vùng kín sóng rộng lớn trong vòng cung Mũi Vích - Hòn Cỏ - Hòn La... để tàu biển có thể vào tránh trú bão và nâng cấp cảng Hòn La đón tàu 5 - 7 vạn tấn ra vào.


Tuyến đê đã gần như biến mất.

Từ tháng 7/ 2011, công trình được khởi công. Đơn vị thi công là Công ty TNHH Tập đoàn Trường Thịnh đổ những khối đá đầu tiên xuống biển. Sau hơn một năm thi công, con đê chắn sóng đã được xây dựng về cơ bản nối hai hòn đảo lại với nhau và ngày 14/8/2012 lễ hợp long đã được tổ chức. Đây là một hạng mục trong gói thầu số 2 của dự án tuyến đường nối Khu Kinh tế Hòn La với Khu công nghiệp xi măng tập trung Văn – Châu - Tiến Hoá (Tuyên Hoá) với tổng giá trị công trình là hơn 80 tỷ đồng do Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh làm chủ đầu tư. Đây là công trình được đánh giá là khó thi công. Tập đoàn Trường Thịnh là chủ thầu duy nhất "xông pha" nhận thi công công trình này. Và cũng là đơn vị đã thi công D1 những năm trước.

Ông Phạm Văn Năm, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế, chủ đầu tư công trình cho biết, đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty CP Tư vấn thiết kế Hàng hải, một đơn vị chuyên ngành về hàng hải, đê biển thuộc Bộ GTVT. Còn đơn vị tư vấn giám sát là Công ty CP Tư vấn Giao thông 2 cũng thuộc Bộ GTVT.

“Tuyến đê này bị vỡ không phải do khâu thiết kế mà do công trình chưa hoàn thành, những khâu quan trọng tạo nên khối dính kết để ngăn sóng và tự bảo vệ đê chưa được thực hiện. Quá trình thực hiện công trình, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và chủ thầu đã phối hợp chặt chẽ để vừa đẩy nhanh tiến độ vừa đảm bảo chất lượng công trình theo thiết kế” - ông Năm khẳng định.

Theo ông Nguyễn Hữu Hòa - Phó giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế Hàng hải cho hay, thiết kế, đê chắn sóng dài 330 m, mặt đê rộng 9 m, mặt đê được đổ bê tông cốt thép thép dày 1 m, có tường chắn sóng mà mặt phía bắc có dạng lõm để vuốt sóng trở ngược ra phía ngoài thân đê... và thời gian thi công công trình là 30 tháng. Đê có khả năng chịu được sức gió 30 m/s ( bão cấp 12).

Kể từ lúc khởi công (tháng 7/2011) đến nay là 15 tháng, mới chỉ một nửa thời gian theo thiết kế, hoàn thành gần 70% khối lượng vì vậy nhiều hạng mục công trình chưa thực hiện, lại là những hạng mục quan trọng. Đó là mặt đê bằng bê tông cốt thép dày, tường chắn sóng bằng bê tông cốt thép cao 2 m kể từ mặt đê.

Ông Hòa nhấn mạnh: “Chính sự chưa hoàn chỉnh của tuyến đê, chưa tạo được sự dính kết toàn tuyến, độ cao chưa lớn nên khi có sóng lớn, nước đã tràn qua thân đê, xé vỡ từng chỗ và đi đến xé vỡ toàn bộ tuyến đê”.


Chỉ còn lại những khối bê tông chắn sóng.

Trước cơn bão số 8, chủ đầu tư đã chỉ đạo các bộ phận liên quan, chủ thầu tiến hành nhiều biện pháp để đối phó với thiên tai, như tăng cường các khối bê tông tản sóng, bố trí thêm rọ đá những chỗ hiểm yếu...

Ông Võ Minh Hoài - Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Thịnh cho biết: "Ý thức được sự chưa hoàn chỉnh của công trình nên trước khi có bão số 8 đơn vị đã huy động lực lượng tích cực gia cố đê trong khả năng có thể, nhưng vì sóng quá lớn, lớn đến kinh khủng nên công sức của đơn vị đã trở lại con số không...".

Theo phía chủ đầu tư, công trình đã được mua bảo hiểm với trị giá 1,2 tỷ đồng. Đơn vị bảo hiểm công trình là Công ty CP Bảo hiểm PJICO. Theo ông Hoàng Thanh Phong - Giám đốc Công ty bảo hiểm PJICO Quảng Bình cho biết: ‘Ngay sau khi thiệt hại xảy ra, đơn vị đã thuê Công ty CP Giám định Thái Dương (có trụ sở tại TP Đà Nẵng) cùng cán bộ chuyên ngành vào Hòn La để tiến hành các thủ tục cần thiết cho việc đánh giá mức đọ thietj hại để thực hiện các bước trách nhiệm bảo hiểm.

Vấn đề đặt ra cho việc khắc phục sự cố tuyến đê này như thế nào, ông Võ Minh Hoài - Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Thịnh khẳng định: “Sau khi các thủ tục về bảo hiểm, cũng như sự hỗ trợ kịp thời về vốn của Nhà nước, công trình sẽ được xây dựng lại trên nền tuyến đê này và chúng tôi có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thi công phù hợp với thời gian, nhằm hoàn thành công trình trước mùa mưa bão để cơ bản tránh được thiệt hại tương tự”.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, những ý kiến trên vẫn còn là quá sớm. Để khẳng định khâu thiết kế không sai sót cần khảo sát lại thực tế hư hại ở hiện trường thật kỹ để xác định rõ đê bị phá từ trên xuống hay bị đào xoáy từ dưới sâu. Nên lưu ý rằng ở đây mực nước sâu đến 17 m, hai bên là vực sâu, dễ có những sóng ngầm xoáy vào chân đê... Khi đó vấn đề lại khác đi.

Xem thêm
Cần Thơ mong muốn WB ủng hộ đầu tư hạ tầng vùng lúa chất lượng cao

Cần Thơ Ngày 19/11, bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch khu vực Đông Á và Thái Bình Dương - Ngân hàng Thế giới (WB) thăm thực địa tại HTX New Green Farm (quận Thốt Nốt).

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Triều cường cao nhất năm gây ngập lụt một số khu vực cửa sông

Kiên Giang Đợt triều cường giữa tháng 11 được dự báo là cao nhất trong năm 2024, đã gây ra ngập úng một số khu vực cửa sông tại Kiên Giang.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.