Chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) vụ HT 2013 ở ĐBSCL vừa được triển khai nhưng nhiều DN được phân bổ chỉ tiêu đang gặp khó khăn về khó chứa do tồn kho từ vụ trước, sức mua rất yếu nên chưa có chuyển biến gì nhiều.
Bán lỗ để lấy kho chứa
Ông Phan Kim Sa, Phó GĐ Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, đợt mua tạm trữ lúa gạo vụ HT 2013, VFA phân bổ chỉ tiêu cho 8 DN kinh doanh, XK gạo trên địa bàn tỉnh là 76.000 tấn quy gạo. song hiện nay các DN trong tỉnh đang gặp khó khăn do lượng tồn kho còn khá lớn ở vụ lúa ĐX trước. Giá lúa thời gian qua quá thấp, cộng thêm đầu ra hạn chế nên lượng lúa gạo tồn kho còn quá nhiều. Để có kho chứa thu mua lúa gạo HT theo chỉ tiêu được giao thì buộc DN phải xuất bán lượng gạo này với giá thấp hơn đầu vào vụ ĐX từ 400 - 500 đ/kg, chấp nhận chịu lỗ.
Ông Phạm Văn Dũng, Phó TGĐ Cty CP Docimexco (Đồng Tháp), đơn vị được phân bổ chỉ tiêu tạm trữ 15.000 tấn trong đợt này cho biết: “Kề từ ngày bắt đầu thu mua tạm trữ, Cty đã chủ động chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vốn, mạng lưới, phương tiện vận chuyển, xác định địa chỉ để thu mua. Tuy nhiên, do giá lúa, gạo liên tục giảm từ sau thời gian tạm trữ vụ ĐX đến nay, nên lượng gạo tồn kho của Cty còn đến hơn 30.000 tấn chưa xuất được. Hiện nay Cty vẫn tìm đầu mối và thời điểm thích hợp để xuất lượng hàng tồn kho này, để có chỗ đưa lúa gạo mới vào kho tạm trữ”.
Nhiều DN ở ĐBSCL đang bị tồn kho khá lớn, không còn chỗ để thu mua tạm trữ theo chỉ tiêu mới được giao
Tương tự, ông Hồ Minh Khải, GĐ Cty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) cũng cho biết, hiện nay kho của Cty đang tồn đọng 15.000 tấn lúa gạo vụ lúa ĐX chưa xuất bán được, trong khi đó sức chứa của tổng kho tại Cty chỉ được 25.000 tấn. Trong đợt giao chỉ tiêu phân bổ tạm trữ vụ HT lần này, Cty được giao 8.000 tấn đang được triển khai mua lúa của bà con nông dân với mức giá khoảng 5.100 - 5.200 đ/kg (lúa khô). Tính đến thời điểm này Cty đã thu mua khoảng 2.000 tấn của dân. Theo ông Khải: “Dù áp lực về kho chứa nhưng ở trên giao chỉ tiêu thì phải chấp nhận làm. Cty đang tính theo phương án di chuyển lượng lúa gạo tồn kho sang các kho khác trong địa phương hoặc đi thuê kho chờ giá tốt mới bán. Để di chuyển lúa tồn kho, Cty phải chấp nhận tốn thêm 100 đ/kg, còn nếu nếu bán ngay thời điểm này sẽ lỗ từ 500 - 600 đ/kg”.
Đại diện một số DN cho biết, ngoài kho khăn về kho, các đơn vị còn gặp khó khăn về vốn. Vì vậy, Chính phủ nên tính toán tăng thời gian hỗ trợ lãi suất, nhằm giúp giảm bớt khó khăn cho các DN.
ĐX chưa bán hết, lại đến HT
Ông Huỳnh Văn Gành, GĐ Sở Công thương Kiên Giang cho biết, chỉ tiêu mà VFA phân bổ cho 7 DN XK chủ lực của tỉnh đợt này là 85.000 tấn gạo, chỉ tăng hơn vụ ĐX 2012 - 2013 có 1.0000 tấn. Trong đó, nhiều nhất là Cty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kiên Giang 24.000 tấn. Theo ông Gành, bình quân giá lúa HT trên địa bàn tỉnh hiện nay được thương lái thu mua ở mức 3.800 đ/kg, tăng nhẹ khoảng 100 - 200 đ/kg so với thời điểm trước khi triển khai tạm trữ. Trong khi đó, giá thành sản xuất lúa HT 2013 vừa được UBND tỉnh công bố là 3.942 đ/kg, như vậy để nông dân có lãi 30% thì giá mua tối thiểu phải đạt mức 5.100 đ/kg.
DN phải tính toán sắp xếp lại kho chứa mới có chỗ để thu mua lúa mới
Ông Mai Anh Nhịn, GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, vụ HT này toàn tỉnh xuống giống được 292.000 ha, tổng sản lượng ước đạt 1,59 triệu tấn lúa. Diện tích nông dân gieo sạ giống lúa IR 50404 tương đối lớn, gây khó khăn cho tiêu thụ. “Nhiều khả năng đợt này các DN chủ yếu tiêu thụ lúa chất lượng cao, nguyên nhân do vụ HT giống lúa IR50404 thường bị “bạc bụng” rất nhiều nên sẽ khó XK”, ông Nhịn dự báo.
Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, 7 DN XK gạo chủ lực của tỉnh hiện đã xây dựng được 280.000/360.000 tấn kho theo kế hoạch được giao. Trong đó có 159.000 tấn kho dữ trữ, đủ năng lực thu mua tạm trữ với chỉ tiêu được giao như hiện nay. Cái khó mà các DN đang gặp phải là tình hình vốn đầu tư do bị thua lỗ từ đợt tạm trữ vụ ĐX vừa qua. Ông Nguyễn Trung Trực, Phó TGĐ Cty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Kiên Giang cho biết: “Mỗi khi giá lúa thấp, bà con nông dân bị lỗ là người ta kêu ca DN ém giá. Thực tế nhiều khi DN cũng phải è cổ ra chịu lỗ với bà con mà đâu có ai thông cảm. Chẳng hạn vụ ĐX vừa qua, tính ra mỗi kg gạo chúng tôi lỗ khoảng 500 đ, trong khi chi phí hỗ trợ chỉ được chừng 100 đ, mà còn phải vướng thủ tục rườm rà đủ thứ”.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo các Sở, ngành và các DN XK gạo chủ lực của tỉnh về việc triển khai kế hoạch thu mua tạm trữ lúa HT 2013 theo chỉ tiêu được giao, sáng 17/6, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hoàng Sa chỉ đạo: “Ngành công thương chủ trì, phối hợp với ngân hàng và các DN đẩy mạnh việc thu mua lúa cho nông dân nhằm kích thích thị trường, kéo giá lên. Còn vụ thu đông năm nay tỉnh không khuyến khích bà con trồng lúa, chỉ định hướng sản xuất khoảng 80.000 ha theo kế hoạch trong vùng đê bao an toàn ở một số huyện. Những vùng ngoài quy hoạch nên vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thay thế cây lúa, chứ cứ trồng lúa nhiều trong tình hình khó tiêu thụ hiện nay sẽ rất khó cho bà con”.