Tại Hội thảo “Thị trường nợ và quyền định đoạt” do Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp Trung tâm Truyền thông giáo dục Cộng đồng (MEC) tổ chức ngày 1/10, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thông tin, hiện tổng nợ xấu của Việt Nam gần 200.000 tỷ (chưa kể những khoản nợ cũ và tổng nợ của hai tập đoàn Vinashin và Vinalines).
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Kỳ vọng đến năm 2015, mới có thể xử lý khoảng 70-75% nợ xấu trên nếu như có sự vào cuộc của cả hệ thống, trong đó có vai trò quan trọng của Cty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC) đã được phép mua bán nợ xấu vay bằng ngoại tệ, vàng, VND thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt hoặc mua bán theo giá thị trường cùng với 25 Cty mua bán nợ xấu của các ngân hàng thương mại.
Theo ông Kiên, hiện có 5 giải pháp đồng bộ xử lý nợ xấu và phòng ngừa hạn chế nợ xấu gia tăng từ nay đến năm 2015. Đó là nhóm giải pháp đối với tổ chức tín dụng; khách hàng của các tổ chức tín dụng; cơ chế chính sách; thanh tra, giám sát và giải pháp thành lập Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN.
Dưới góc độ khác, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành lại e ngại, việc xử lý đầu ra của một số Cty mua bán nợ xấu sẽ gặp khó khăn khi mua các Cty phá sản, họ vẫn chưa thể trả lời được câu hỏi: mua xong thì thanh khoản cho ai?
Rồi quy định “mua theo giá thị trường” cũng mơ hồ, giá này do ai thẩm định cũng không biết. Ngoài ra, chính quy định hiện nay của nhà nước “không có ngân hàng phá sản” cũng gây nguy hiểm bởi đối với những ngân hàng yếu thật, càng giữ càng nguy hiểm. “Chẳng khác nào người bị ung thư nhưng càng tiêm thuốc, càng nhanh chết” - ông Thành ví von.
Tuy nhiên, cả hai chuyên gia cùng thừa nhận kinh nghiệm một số nước đã từng xử lý nợ xấu thành công mà VN cần học tập như Indonesia, Malaysia, Thái Lan…
Tại buổi họp báo Chính phủ chiều ngày 29/9, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cảnh báo, từ nay đến hết năm, dư nợ tín dụng tăng chậm, thu ngân sách nhà nước sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.