| Hotline: 0983.970.780

Thuốc độc xuyên biên giới

Thứ Tư 09/10/2013 , 10:32 (GMT+7)

Thị thường thuốc BVTV đang náo loạn kể từ khi xuất hiện hàng loạt các loại thuốc cực độc có nguồn gốc Trung Quốc. Trong vai một tiểu thương, PV NNVN đã sang bên kia biên giới, tìm lời giải: Thuốc BVTV cực độc của Trung Quốc đi vào Việt Nam như thế nào?

Không thể phủ nhận một điều rằng thị thường thuốc BVTV đang náo loạn kể từ khi xuất hiện hàng loạt các loại thuốc cực độc có nguồn gốc Trung Quốc. Điều đáng quan ngại hơn là đến giờ phút này những loại thuốc BVTV đó vẫn đang được đưa về Việt Nam với số lượng không hề nhỏ...

Trong vai một tiểu thương đi tìm nguồn hàng để mở đại lý thuốc BVTV, PV NNVN đã sang bên kia biên giới, tìm lời giải: Thuốc BVTV cực độc của Trung Quốc đi vào Việt Nam như thế nào? 

Tiếp cận thuốc độc

Không chỉ sở hữu một vài đại lý, các ông trùm trong giới thuốc BVTV phía Trung Quốc còn có cả kho hàng, sẵn sàng kí kết bán hàng sang Việt Nam với giá rất rẻ. Mặc nhiên, tên tuổi những ông chủ này trở thành địa chỉ tìm đến của các lái buôn...

Theo chân thuốc BVTV

Không phải lén lút, người ta ngang nhiên xách thuốc BVTV đi qua cửa khẩu như chốn không người. Cũng bởi cái việc làm gần như công khai đó, nên chỉ cần đôi ba câu cửa miệng, “tiểu thương bất đắc dĩ” như chúng tôi đã cặn kẽ, tường tận nguồn gốc những loại thuốc mang nhãn hiệu Trung Quốc đang bị cấm sử dụng ở Việt Nam.

Chợ Đông Kinh, Kỳ Lừa, Đồng Đăng (Lạng Sơn) không phải là những chợ lớn nhưng mỗi chợ đều có tới hơn chục cửa hàng bán thuốc BVTV. Tôi giới thiệu là tiểu thương cần nguồn hàng về mở đại lý, những ông chủ bà chủ cửa hàng đứng phắt dậy, chèo kéo, tiếp thị chán rồi quay sang lườm nguýt nhau...

Tôi hỏi thuốc BVTV loại độc, sau khi xem hình ảnh, người nào cũng lắc đầu, song lại nói, “cứ để lại mẫu tôi lấy cho, ngày mai có liền, cả tấn cũng được”. Liu Lieng – một người Trung, đồng thời là chủ cửa hàng thuốc BVTV duy nhất ở chợ Tân Thanh cũng khẳng định như vậy.


Một cửa hàng thuốc BVTV ở Đồng Đăng, bên trong mỗi cửa hàng như thế này là một đầu mối lấy thuốc bên Trung Quốc

Mặt khác, bà này cho biết thêm: Khách hàng của mình thường là người quen từ chợ lên, những ông chủ, bà chủ này lại cung cấp cho một số lái buôn ở miền đồng bằng sông Hồng và phân phối đi khắp cả nước. “Thuốc này bị cấm mà, nhiều thuốc cấm lưu thông, cấm buôn bán nên muốn có thuốc phải móc nối với bên kia biên giới, họ sẽ mang về cho” – Liu nói khi xem mẫu thuốc BVTV của chúng tôi.

Song, Liu móc nối với ai, móc nối như thế nào với các đối tượng bên Trung Quốc thì bà ta và những ông bà chủ khác không tiết lộ. Nhận thấy, sẽ không truy ra được đầu mối cung cấp thuốc BVTV phía bên kia biên giới nếu như cứ trông chờ vào cửa miệng những tiểu thương này. Muốn hiểu hơn con đường đi của những loại thuốc độc trên, cách duy nhất là phải sang bên kia biên giới tìm hiểu...

Đi “chui” qua đường mòn và đi theo diện du lịch là hai cách phổ biến nhất. Chỉ với 200.000 đồng, chúng tôi chưa kịp hiểu sang bằng cách nào, bác xe ôm đã mang đến ngay một cuốn sổ màu xanh ghi “giấy thông hành” kèm theo lời dặn “cứ cầm sổ, sang bên kia đi đâu cũng được…”.

Bên mình có chợ Tân Thanh, bên Trung Quốc có chợ Pò Chài. Hai chợ chỉ cách nhau cái vạch đỏ đường biên nên nói là hai nhưng mang tính chất gần như là một. Bên mình có bà chủ Liu là đầu mối tiêu thụ thuốc BVTV, bên Trung Quốc có ông chủ Zhang có đầu mối cung cấp thuốc đó theo đơn đặt hàng với số lượng lớn.

Diện kiến trùm làng thuốc

Bình thường, thuốc BVTV được bày bán tràn lan ở Pò Chài. Bởi thế, đối với những lái buôn, tiểu thương, họ rành rọt điểm nào bán thuốc BVTV, điểm nào bán thuốc ủ quả. 

Với hơn 10 năm buôn bán bên đất Pò Chài, anh Ngô Văn Hà (gốc Hải Dương), cho biết: Làm công việc buôn bán hoa quả, ngày nào mà chả mua thuốc, muốn quả chín nhanh thì mua thuốc bỏ vào là chín. “Còn thuốc cỏ, thuốc sâu bệnh thì bên này chả phải bàn, nhiều vô kể, hiệu quả, giá rẻ, bán chạy, lãi cao nên cứ vài ba ngày lại thấy có người sang đây hỏi mua buôn, tôi mà có mối bán, chắc tôi cũng theo nghề đó lâu rồi”.

Qua lời của Hà, tôi mường tượng ra một thị trường thuốc BVTV với nhiều loại bị cấm buôn bán bày la liệt ở các quầy hàng. Thế nhưng, những ngày này người ta đang cho sửa lại chợ, các cửa hàng thuốc BVTV tạm thời đóng cửa, không biết họ chuyển đi đâu.


Một cửa hàng bán thuốc BVTV tại Bằng Tường

Hà nói: Muốn mua nhiều, rẻ thì phải đến Bằng Tường, cách cửa khẩu 20 km. Để tận mắt chứng kiến kho thuốc BVTV và diện kiến những ông trùm trong làng thuốc BVTV bên này, chúng tôi bắt xe bus vào sâu lục địa, tìm đến chợ Bằng Tường theo hướng chỉ tay của Hà.

Trên đường vào Bằng Tường, tôi gặp Tập Ngọc Hoa - một bà chủ có tiếng trong giới buôn hàng qua biên giới kiêm đầu mối cung cấp thuốc BVTV về nước. Cho bà Tập xem những hình ảnh mang theo, kèm theo câu “tôi đang muốn mở đại lý thuốc BVTV tại Việt Nam, nhưng khát hàng, muốn qua đây xem xét nhập về”.

Vốn là người thông thạo thị trường thuốc BVTV, bà Tập nói: “Ở bên này có hai loại thuốc BVTV. Một là thuốc tốt, có cơ sở sản xuất đàng hoàng, có tem, nhãn mác, hiệu quả nhưng mà giá hơi đắt. Ngược lại, có một loại thuốc rẻ, hiệu quả có thể nói là rất cao, song lại khá độc, không an toàn”.

Bà Tập khẳng định: “Tôi có thể đưa anh đến tận các cơ sở sản xuất. Sau khi ưng ý mặt hàng, anh có thể an tâm ra về, sẽ có người vận chuyển thuốc về tận quê nhà hoặc đưa qua trạm kiểm soát các cửa khẩu cho anh”.

Để chứng minh những gì mình nói, bà Tập đưa chúng tôi đến một số đại lý thuốc BVTV ở chợ Bằng Tường mà theo bà, có cả cửa hàng bán thuốc ảo, giả và cửa hàng bán thuốc thật.

Hầu hết, những cửa hàng đặt chân đến đều có những loại thuốc cực độc được biểu thị bằng vạch đỏ dưới bao bì mà chúng tôi có chụp ảnh mang theo khi xuất cảnh. Không những vậy, chủ một cửa hàng còn khẳng định thêm rằng: “Cửa hàng chúng tôi có nhiều loại thuốc, có công dụng và hiệu quả hơn loại thuốc mà anh đang có. Thậm chí, chỉ trong tích tắc, các loại côn trùng đều chết sạch”.

Từ chối những loại thuốc đó, tôi và bà Tập vào Cty TNHH Thuốc Hồ Bắc SANONDA - một công ty chuyên về thuốc BVTV tại Bằng Tường. Khi biết chúng tôi từ Việt Nam sang và đang có nhu cầu mở đại lý thuốc BVTV tại quê nhà, Giám đốc Trần Kim Quân tự mình tiếp thị tất cả các loại thuốc đang có cho “đối tác” nghe: “Công ty của chúng tôi đang kinh doanh hàng trăm loại thuốc BVTV, trong đó khách hàng Việt Nam thường sang đây lấy 17 loại thuốc diệt cỏ, 14 loại thuốc diệt sâu, 11 loại thuốc khử trùng và có 9 loại thuốc đang chuẩn bị ra lò theo yêu cầu một khách hàng”.


Gian thuốc BVTV tại đại lý của ông Trần

Trong số các loại thuốc có trong xưởng của ông Trần, có thể liệt kê ra hàng trăm loại cực độc, có thể gây tê liệt thần kinh, đứt mạch máu côn trùng, động vật; thuốc phun xong độ dăm bảy phút đến ba mươi phút là cỏ chết luôn kể cả đối với cỏ voi... Giá của những loại thuốc này đều ở mức từ một đồng lên đến vài trăm đồng tiền Trung Quốc.

Theo quan sát của chúng tôi, các loại thuốc tại đại lý của Cty TNHH Thuốc Hồ Bắc SANONDA đều được viết bằng tiếng Trung. Thể hiện tinh thần thẳng thắn, cởi mở trước một đối tác lần đầu gặp mặt, Giám đốc Trần bật mí: "Có nhiều loại thuốc thật đấy, song có khi chỉ khác nhau mỗi vỏ bên ngoài! Mặt khác, chúng tôi có thể in chữ Việt trên mỗi loại thuốc cho các anh"!

Thay vì phải lặn lội sang Trung Quốc, khách hàng chỉ cần có trong tay danh sách các loại thuốc BVTV rồi có thể ngồi ở nhà mail, điện thoại cho các cửa hàng. Khi đó, đối tác sẽ cho người vận chuyển hàng hóa đến biên giới. Nhận đủ hàng mới thanh toán tiền, bỏ qua giai đoạn thẩm định chất lượng, thật dễ dàng giống như mua cái quần cái áo qua mạng.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm