Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 12-9, bất chấp việc tiểu ban Chính sách và thu ngân sách thuộc Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội không đồng tình về Tờ trình của Chính phủ về dự kiến sửa đổi Luật Thuế TNCN, Chính phủ vẫn quyết trình phương án cũ.
Ảnh minh họa
Cụ thể, trước tình hình lạm phát leo thang, đời sống gần 4 triệu người đang nộp thuế theo Luật Thuế TNCN eo hẹp, Chính phủ đã có tờ trình chính thức về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN với mức giảm trừ gia cảnh được nâng từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng. Người phụ thuộc được nâng từ mức 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng/tháng. Thế nhưng trước thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, một số ý kiến thuộc Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, việc nâng mức giảm trừ như vậy là cao, chưa đảm bảo tính hợp lý xét dưới cả góc độ kinh tế cũng như xã hội. Lãnh đạo Ủy ban này đề xuất các con số 7 triệu đồng cho người nộp thuế và 2,8 triệu cho người phụ thuộc, tức là thấp hơn đáng kể so với các đề xuất của Chính phủ.
Lý do việc đánh thấp các con số tuyệt đối này xuống có hợp lý hay không, các chuyên gia kinh tế sẽ mổ xẻ, đánh giá, song trước việc Chính phủ đề nghị khoan, Quốc hội lại đòi thu trong một sắc thuế đụng đến hàng triệu người này cử tri rất băn khoăn.
Bởi lẽ để đưa ra được những số liệu chính thức trong tờ trình, Chính phủ đã phải tính toán rất kỹ về việc giảm số lượng người nộp thuế theo mức mới, nhưng lại tăng số người có thu nhập cao hoặc lên bậc do sự phát triển kinh tế; cũng như tính toán về mâu thuẫn giữa các chính sách đảm bảo công bằng xã hội, giảm khó khăn cho người nộp thuế và kích cầu tiêu dùng với việc giảm thu cho ngân sách. Ngoài ra Chính phủ cũng phải chọn lọc, tiếp thu các tinh hoa quốc tế, đảm bảo các mức thu tương quan với các nước trong khu vực. Những tiếp thu sửa đổi đó cũng cơ bản khắc phục một phần những hạn chế về chính sách thuế mà Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa công bố đã chỉ ra.
Ngoài ra với quy trình soạn thảo, lấy ý kiến hiện nay, để ra được các con số chính thức đưa vào tờ trình của Chính phủ không chỉ có một mình Bộ Tài chính tự đề xuất, mà các bộ khác gác các lĩnh vực cân đối thu chi ngân sách, thực hiện công bằng xã hội… cũng đã cho ý kiến.
Tuy nhiên vấn đề rất lớn khác mà cử tri lo ngại lại là nỗi lo… “nhầm vai” mà một số đại biểu Quốc hội trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách đang gánh. Dĩ nhiên phát biểu ý kiến, biểu quyết phương án nào là quyền của đại biểu, nhưng khi đã là đại diện do dân bầu thì việc cử tri mong nhất là đại biểu hãy lo nỗi lo của dân, chứ đừng nhầm vai lo việc giùm Chính phủ!