Chiều qua, các ĐB Quốc hội đã thêm một lần nữa nêu những ý kiến tâm huyết để thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ngày hôm nay, nghị trường được dự báo sẽ “nóng” lên bởi những thông tin xung quanh khiếu kiện của nhân dân liên quan đến chính sách, pháp luật về đất đai.
Ảnh minh họa
Rõ ràng, vấn đề đất đai, nhất là giá đất, ngày càng căng thẳng, phức tạp và được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Phức tạp ở chỗ, giá đất được thực thi trong vài năm trở lại đây không thống nhất giữa địa phương này và địa phương kia, giữa năm này và năm khác… Vấn đề trên đã được Hội nghị Trung ương 5, Khóa XI bàn và kết luận từng bước. Hội nghị Trung ương 6 tiếp tục tập trung thảo luận kỹ đi đến thống nhất ban hành Nghị quyết định hướng cho sửa đổi Luật Đất đai, trong đó đáng quan tâm nhất là quy định về giá đất.
Thực tế, qua 20 năm thực hiện Luật Đất đai, có quá nhiều vướng mắc được phơi bày. Hàng chục nghị quyết, hàng trăm văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện, nhưng luật này vẫn không “thông đồng bén giọt”. Nói như một vị ĐB Quốc hội trong buổi thảo luận chiều qua: Khi khảo sát tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai mới “phát hiện” ra rằng, lĩnh vực này rất phức tạp, khó gỡ rối, không chỉ vì luật chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ, mà còn vì những người trực tiếp thực thi chính sách, pháp luật.
Đúng là không những luật chưa hoàn thiện, mà lại được trao vào tay một bộ phận không nhỏ cán bộ quá hạn chế về nhận thức pháp luật, năng lực cũng như trình độ, thì việc không công bằng trong định giá đất, khiến nhân dân khiếu kiện, là hệ quả tất yếu. Thật không đủ sức thuyết phục nếu cứ đổ tại chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện nên không thể tháo gỡ, “hạ nhiệt” tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.
Thống kê của Thanh tra Chính phủ cho thấy, có đến hơn 70% khiếu kiện liên quan đến các chính sách về đất đai. Có địa phương, nông dân không còn đến một m2 đất nông nghiệp để sản xuất. Mức đền bù thấp, không hỗ trợ đào tạo và chuyển nghề, thì chắc chắn nông dân sẽ khiếu kiện. Vấn đề này báo NNVN đã có nhiều bài, loạt bài phân tích.
Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề cốt lõi ở đây là chính quyền phải đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Tiếp đó là có chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng tập trung vào chính quyền, chứ không để chủ đầu tư tự thỏa thuận với người dân. Đây được coi là “nút thắt” sẽ được tháo gỡ trong đợt sửa luật lần này. Và nó được kỳ vọng chấm dứt tình trạng tranh giành giữa các chủ đầu tư, doanh nghiệp, triệt tiêu sự chênh lệch về lợi ích để từ đó người dân không so bì hơn thiệt và không khiếu kiện.
Tuy nhiên, một vấn đề khó và phức tạp nhất được đặt ra là: Giá đất do Nhà nước quy định phải “sát giá chuyển nhượng trên thị trường” sẽ được thực hiện thế nào? Liệu rằng những tiêu cực trong định giá đất sẽ tiếp tục nảy sinh? Điều này đòi hỏi Nhà nước phải có quy định cụ thể. Và dù gì thì nó vẫn cần cái tâm, cái tầm của cán bộ thực hiện.
Trong khi chờ Quốc hội thảo luận và thông qua, thì nhân dân, đặc biệt là nông dân, luôn hy vọng Luật Đất đai sẽ được sửa đổi theo hướng tích cực, giải quyết được đến nơi đến chốn các “điểm nóng”. Chỉ khi cơ quan quản lý nhà nước đặt ra những tiêu chí hợp lòng dân, thì chắc chắn mới yên “lòng” đất.