| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 18/12/2012 , 10:46 (GMT+7)

10:46 - 18/12/2012

Khi DN xi măng thành "chúa Chổm"!

Tính đến cuối 2011, tổng mức bảo lãnh của Chính phủ cho 16 dự án xi măng đã lên tới gần 1,4 tỷ USD.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình trả nợ của các dự án bảo lãnh vay vốn nước ngoài, tính đến cuối 2011, tổng mức bảo lãnh của Chính phủ cho 16 dự án xi măng đã lên tới gần 1,4 tỷ USD.

Các “con nợ” lớn được báo cáo đề cập là xi măng Hoàng Mai, Tam Điệp, Thái Nguyên, Đồng Bành, Cẩm Phả, Hạ Long… đều đang rơi vào tình trạng hết sức khó khăn về tài chính, kinh doanh cầm chừng, thua lỗ liên tục và chưa biết bao giờ mới có khả năng trả nợ các khoản vay kể trên.

Bởi vậy, theo dự báo của Bộ Tài chính thì trong vòng 3 - 5 năm tới, Bộ này phải chi từ 30 - 40 triệu USD/năm để trả nợ thay các dự án xi măng kể trên.


Ảnh minh họa

Tuy nhiên, xét về bản chất thì tiền trả nợ của Bộ Tài chính cũng chính là tiền thuế của người dân nên nói cách khác, người dân đang bị… đè ra để trả nợ hàng trăm triệu USD thay các doanh nghiệp xi măng bởi sự buông lỏng quản lý của nhiều cơ quan Nhà nước trong một thời gian không hề ngắn.

Theo quy định Nhà nước thì việc cấp phép cho các dự án lớn, trị giá hàng nghìn tỷ đồng như các dự án xi măng kể trên cần phải được sự chấp thuận của nhiều cơ quan, ban ngành có liên quan thông qua các tính toán cụ thể nhằm đảm bảo dự án phù hợp với quy hoạch chung của ngành. Lý thuyết là thế nhưng nếu nhìn vào bức tranh chung của ngành xi măng hiện nay có thể dễ dàng thấy không ít các dự án lớn đã được cấp phép đầu tư ồ ạt, thiếu kiểm soát dẫn đến tình trạng là không chỉ quy hoạch chung của ngành bị phá vỡ mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm thất thoát tài nguyên, gây mất cân bằng thị trường, tạo ra gánh nặng đối với nền kinh tế…

Căn cứ Báo cáo tổng kết đánh giá hoạt động của ngành xây dựng 6 tháng đầu năm thì lượng tồn kho của ngành xi măng nửa đầu năm là 3 triệu tấn, gấp 3 lần so với mức trung bình là 1 triệu tấn. Bên cạnh đó, khoảng gần 7 triệu tấn xi măng được dự đoán sẽ tiếp tục được tung ra thị trường trong năm tới.

Những con số trên cho thấy thị trường xi măng đang mất cân bằng cung - cầu nghiêm trọng bởi quá nhiều dự án được các cơ quan chức năng “mắt nhắm mắt mở” cấp phép đầu tư ồ ạt trong thời điểm bất động sản bùng nổ và bây giờ đang gây ra nhiều hậu quả khó lường.

Để “sửa sai”, Bộ Tài chính và các cơ quan chủ quản cũng đã tính đến nhiều phương án như chuyển nhượng cổ phần cho đối tác khác hay kêu gọi thêm nhà đầu tư… nhằm gỡ gạc cho các dự án nghìn tỷ này. Tuy nhiên, với bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, ngành xây dựng ảm đạm do bất động sản trầm lắng trong khi sản lượng ngành xi măng dư thừa lại vượt quá mức cho phép thì tính khả thi của các phương án trên vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp.

Thực tế, không chỉ có ngành xi măng điêu đứng trong giai đoạn kinh tế ảm đạm như hiện nay mà nhiều ngành khác như tài chính, xây dựng, bất động sản… cũng đang lâm vào tình trạng tương tự bởi sự buông lỏng quản lý của nhiều cơ quan Nhà nước. Điều đáng lo ngại là sự buông lỏng quản lý của những cơ quan hưởng lương Nhà nước đó đã và đang “trả giá” bằng chính tiền thuế của hàng triệu người lao động, phần lớn sống với mức thu nhập dưới trung bình.