Sữa, sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển thể chất và trí tuệ của thế hệ trẻ, đã tăng giá tới 30 lần trong vòng 5 năm qua bất chấp hàng tá văn bản quản lý giá của các cơ quan chức năng.
Mới bước sang tháng thứ 4 của năm 2013 nhưng các hãng sữa từ nội tới ngoại như FrieslandCampina Vietnam, Physiolac, Abbott, Nestlé... đều đã kịp tăng giá từ 7-15% khiến người người tiêu dùng phải cắn răng chịu thiệt bởi sữa cho trẻ nhỏ là khoản chi tiêu không thể cắt giảm của mỗi gia đình.
Sau khi điều chỉnh tăng, giá mỗi hộp sữa bột 900g loại thông thường đang dao động chủ yếu trong khoảng 350.000 – 500.000 đồng/hộp, quá cao so với mặt bằng thu nhập còn ở mức thấp của người dân lao động Việt Nam.
Ảnh minh họa
Có nhiều lý do được các doanh nghiệp kinh doanh sữa đưa ra để thanh minh cho quyết định tăng giá của mình như tăng giá theo tình hình thị trường, tăng giá do chi phí vật liệu đầu vào tăng cao hay tăng giá do lạm phát leo thang.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây chỉ là những lời bao biện cho mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng siêu lợi nhuận này.
Thực vậy, trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng khẳng định tình trạng này: “Giá mua đầu vào (sữa nội) chỉ 12.500 đồng/lít nhưng giá bán vẫn tăng để tát nước theo mưa”.
Sở dĩ các doanh nghiệp kinh doanh sữa có thể tùy ý điều chỉnh giá bán bởi các quy định nhà nước về quản lý mặt hàng này còn nhiều kẽ hở. Đơn cử như quy định chỉ có sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi khi bán mới phải kê khai đăng ký giá, chịu sự quản lý của Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương) và Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế) còn những loại sữa khác không phải đăng ký. Điều này đã dẫn đến tình trạng các loại sữa không ghi rõ dành cho lứa tuổi nào (như sữa tươi) hay thực phẩm bổ sung dinh dưỡng có thể thoải mái tăng giá theo... ý muốn của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp cũng đang lợi dụng kẽ hở trong quy định về nhập khẩu, bán lẻ sữa và thực phẩm bổ sung để tối đa hóa lợi nhuận. Cụ thể, khi nhập khẩu nguyên liệu, doanh nghiệp kê khai là sữa bột để chịu mức thuế thấp từ 3-5%, thay vì phải chịu mức thuế suất 10-15% như đối với thực phẩm dinh dưỡng. Tuy nhiên, sau khi nhập về Việt Nam, các doanh nghiệp pha thêm một số thành phần khác và dán nhãn thực phẩm dinh dưỡng để không phải kê khai giá bán với cơ quan chức năng nhưng lại bán với giá của sản phẩm sữa (có giá cao hơn) để thu lợi.
Bên cạnh đó, việc người tiêu dùng thiếu thông tin về cách phân biệt sữa và thực phẩm dinh dưỡng (độ đạm và các thông số liên quan) cũng được các doanh nghiệp tận dụng để “nhập nhèm” giá bán giữa thực phẩm bổ sung dinh dưỡng và sản phẩm sữa.
Đáng lưu ý là việc làm này không chỉ diễn ra với số ít sản phẩm mà hiện nay có tới 27 sản phẩm sữa đăng ký là thực phẩm dinh dưỡng và bán với giá của sản phẩm sữa bất chấp hàng tá văn bản quản lý giá và chất lượng của các cơ quan chức năng. Chỉ tính riêng từ năm 2012 đến nay, Bộ Tài chính ban hành tới 7 văn bản kiểm tra quản lý giá sữa, tuy nhiên, hiệu quả của các văn bản hành chính này đến đâu thì vẫn là câu hỏi ngỏ chưa có lời đáp.
Như vậy, có thể thấy rằng sản phẩm sữa ở Việt Nam không chỉ đang bị buông lỏng quản lý về mặt giá cả mà còn bị buông lỏng quản lý về chất lượng, gây nhầm lẫn giữa sữa và thực phẩm dinh dưỡng đối với nhiều người tiêu dùng. Trong khi đó, đây là sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của thế hệ trẻ, đồng thời là một khoản chi tiêu không thể cắt giảm của nhiều gia đình. Bởi vậy, có lẽ đã đến lúc các cơ quan chức năng không thể chỉ dừng lại ở những văn bản quản lý giá hay quy định về chất lượng mà cần những biện pháp mạnh tay hơn để một sản phẩm có ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi được đảm bảo ở mức độ cao nhất!