| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 15/04/2013 , 09:58 (GMT+7)

09:58 - 15/04/2013

Những số liệu méo mó

Đằng sau các số liệu kinh tế "đẹp" về tốc độ tăng trưởng, giải quyết nợ xấu đều ẩn chứa nhiều câu hỏi ngỏ về tính chính xác của các con số này!

Đằng sau các số liệu kinh tế "đẹp" về tốc độ tăng trưởng, giải quyết nợ xấu hay các số liệu tệ hại về việc người Việt đọc chưa đến 1 cuốn sách/năm đều ẩn chứa nhiều câu hỏi ngỏ về tính chính xác của các con số này!

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa công bố số liệu cho thấy mỗi người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách/năm. Ngay lập tức, trên nhiều phương tiện truyền thông như báo điện tử, mạng xã hội, các diễn đàn của giới trẻ đã nổ ra nhiều tranh luận về văn hóa đọc của người Việt và so sánh với người Nhật Bản hay người Anh.

Không ít các bạn trẻ cũng đã kết luận rằng “người Việt lười đọc và đây là lý do vì sao Việt Nam chậm phát triển”.

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng số liệu của Bộ VHTTDL chỉ dựa trên báo cáo của các thư viện gửi về Bộ chứ không phải là kết quả nghiên cứu khảo sát rộng rãi tất cả việc đọc sách của người dân. Trong khi đó, việc đọc của người dân không chỉ gói gọn trong quá trình đọc sách ở thư viện mà còn thông qua nhiều hình thức khác như: Tự mua sách, mượn của bạn bè, đọc sách báo điện tử…

Có nhiều người thường xuyên duy trì thói quen đọc sách nhưng hầu như không bước chân vào các thư viện bởi thư viện chỉ mở cửa trong giờ hành chính còn họ chỉ có thể đọc ngoài giờ, sau khi đã hoàn thành xong công việc.

Bởi thế, việc người Việt lười đọc sách ở thư viện không đồng nghĩa với việc người Việt lười đọc sách để dựa vào đó kết luận văn hóa đọc của người Việt tệ hại.

Thực tế cũng cho thấy nhiều quốc gia trên thế giới đã không còn căn cứ vào số lượng sách/đầu người để đánh giá sự đam mê học hỏi của người dân nước mình. Thay vào đó, họ chọn đơn vị so sánh là “số giờ đọc” bởi khái niệm “đọc sách” bây giờ đã được mở rộng hơn xưa rất nhiều, bao gồm cả việc “đọc” sách in, sách điện tử, sách thoại, các loại báo, tạp chí và nhiều loại hình văn hóa phẩm phục vụ việc tiếp thu kiến thức khác.

Nếu dựa trên tiêu chí “số giờ đọc sách” thì Nhật Bản, quốc gia vốn được coi là ham học hỏi hàng đầu lại chỉ xếp hạng 29 khi người dân nước này chỉ dành 4,1 giờ/tuần cho việc đọc. Nước Anh nhỉnh hơn một chút, ở hạng 26 với 5,3 giờ đọc/tuần. Cao hơn 3 bậc là Mỹ với 5,7 giờ đọc/tuần.

Còn chiếm giữ 3 vị trí đầu tiên lại là 3 quốc gia châu Á, bao gồm Trung Quốc (vị trí thứ 3 với 8 giờ đọc/tuần), Thái Lan (vị trí thứ 2 với 9,4 giờ đọc/tuần) và Ấn Độ (số 1 với 10,7 giờ đọc/tuần).

Trong khi đó, tại Việt Nam, ngành thống kê và văn hóa lại chưa có một báo cáo tương tự nào về văn hóa đọc của người dân. Bởi thế, việc vội vã kết luận và công bố các số liệu không đảm bảo tính đại diện sẽ dẫn đến những số liệu không chính xác và gây ra những hậu quả xấu.

Trong trường hợp của Bộ VHTTDL, tác hại của việc công bố các số liệu không chính xác là không lớn. Tuy nhiên, đối với các báo cáo kinh tế vĩ mô thì việc công bố các số liệu không chính xác có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, gây tổn hại trực tiếp đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế.


Ảnh minh họa

Các chuyên gia kinh tế đã từng ví việc cung cấp các báo cáo về tình hình kinh tế giống như việc “chẩn bệnh” còn việc đưa ra các chính sách điều hành có ý nghĩa như việc “bốc thuốc”. Nếu “chẩn bệnh” không đúng thì có bao nhiêu bài thuốc tốt cũng vô nghĩa. Khi đó, không riêng một cá nhân nào mà cả nền kinh tế đều sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Thế nhưng, thực tế đáng buồn là các số liệu kinh tế không chính xác đang xuất hiện ngày càng nhiều và ngày càng nghiêm trọng. Đơn cử như trong Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân diễn ra hồi đầu tháng 4 này, các chuyên gia kinh tế đã tỏ ra hoài nghi nhiều số liệu chính thức như dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm 2013 tăng không đáng kể (0,03%) nhưng đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước lại tăng tới 11% và GDP cả nước cũng vẫn tăng trưởng đều đặn với con số cao.

Nhiều số liệu khác về tỷ lệ thất nghiệp, số doanh nghiệp phá sản, tình trạng thua lỗ của các doanh nghiệp Nhà nước... cũng bị đặt trong vòng nghi ngờ đã bị "mông má" để trở nên đẹp đẽ hơn khi công bố rộng rãi.

Không riêng gì tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân này mà trong nhiều hội nghị, hội thảo, trong nhiều chương trình nghị sự khoa học khác, những người tham dự cũng dễ dàng nhận được những con số “ảo” đẹp đẽ, che lấp những sự thật đáng buồn.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự lo ngại khi những số liệu méo mó này được sử dụng tràn lan và trở thành cơ sở để các cơ quan Nhà nước ban hành các chính sách điều hành vĩ mô khiến việc "bốc thuốc" vực nền kinh tế vốn dĩ khó khăn ngày càng thêm khó.