| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 23/05/2013 , 09:56 (GMT+7)

09:56 - 23/05/2013

Kỷ lục... lạm phát

Kết quả nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển cho thấy kỷ lục lạm phát của Việt Nam đã vượt qua tất cả các quốc gia trong khu vực.

Kết quả nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển cho thấy kỷ lục lạm phát của Việt Nam đã vượt qua tất cả các quốc gia trong khu vực kể từ khi đất nước tiến hành đổi mới đến nay.

Công trình nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Học viện Chính sách và Phát triển được công bố tại hội thảo “Lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 21/5. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong tất cả các giai đoạn 5 năm, từ năm 1991 đến 2012, Việt Nam đều vượt qua tất cả các nước trong khu vực về một chỉ tiêu đáng buồn là lạm phát.


Ảnh minh họa

Cụ thể, theo nghiên cứu này, trong 27 năm, từ 1996-2012, Việt Nam có 13 năm và 4 giai đoạn lạm phát trên 2 con số, trong đó đáng kể nhất là giai đoạn 1986-1992 với mức lạm phát bình quân ba con số, lên tới 225%/năm.

Các số liệu mới nhất cũng cho thấy, dù Việt Nam đã nỗ lực kiềm chế lạm phát nhưng vẫn luôn... đứng đầu bảng xếp hạng tốc độ lạm phát trong khu vực. Năm 2012, tỷ lệ lạm phát của chúng ta là 6,8%, chỉ bằng gần 1/3 so với mức hơn 18% của năm trước đó nhưng vẫn cao gấp đôi so với mức trung bình khoảng 3% của các láng giềng như Trung Quốc, Indonesia, Phillippines, Thái Lan…

Tính chung cho giai đoạn 20 năm, từ 1991-2000, lạm phát bình quân của Việt Nam là gần 11%/năm trong khi tăng trưởng trung bình chỉ đạt khoảng 7,4%/năm. Điều này có nghĩa là toàn bộ nỗ lực tăng trưởng của nền kinh tế trong hai thập kỷ qua đã bị "xóa sổ" hoàn toàn bởi lạm phát. Không chỉ thế, nếu căn cứ vào các số liệu này thì không khó để nhận ra rằng nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng chỉ bằng 2/3 so với tốc độ tăng của lạm phát, thực ra đang trên đà xuống dốc.

Thực tế cũng cho thấy, sau nhiều năm liên tục phải chống chọi với tỷ lệ lạm phát luôn đứng ở mức cao, nền kinh tế Việt Nam gần như đã vượt quá sức chịu đựng. Tỷ lệ lạm phát cao kéo theo chi phí sử dụng vốn và chi phí đầu tư kinh doanh tại Việt Nam tăng vọt so với các quốc gia khác có cùng điều kiện. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp nội địa sẽ bị giảm khả năng cạnh tranh với các đối tác nước ngoài trong khi các chủ đầu tư quốc tế sẽ không còn mấy “mặn mà” với môi trường kinh doanh trong nước.

Không những thế, lạm phát trung bình 2 thập kỷ đứng ở mức 2 con số làm giảm đáng kể thu nhập thực tế của người lao động, khiến họ cắt giảm chi tiêu, tối giản các chi phí sinh hoạt, mua sắm, giải trí, đầu tư cho học hành, y tế… Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp không tìm được đầu ra cho hàng hóa, dịch vụ của mình, khiến hàng trăm nghìn doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, giải thể chỉ vài năm gần đây.

Xét trên phạm vi toàn cầu, lạm phát không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam hay các nước châu Á mà là vấn đề của đa số các nền kinh tế lớn nhỏ trên thế giới. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa Việt Nam và nhiều nước khác là họ có thể tìm ra cách thức giải quyết vấn đề, trong khi chúng ta lại chưa làm được.

Nhận xét khách quan thì cân bằng giữa tăng trưởng cao và lạm phát thấp là một bài toán khó của hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là đối với Việt Nam bởi nền kinh tế chúng ta tăng trưởng chủ yếu dựa trên đầu tư.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc tìm ra lời giải cho bài toán đó không còn là mục tiêu phát triển kinh tế đất nước như giai đoạn trước mà đã trở thành yêu cầu hàng đầu và cấp bách để giữ vững nền kinh tế khỏi nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng mà nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo.