| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 30/04/2024 , 15:17 (GMT+7)
Trần Thanh Sơn

Trần Thanh Sơn

Nhà báo 15:17 - 30/04/2024

Dạy con biết lội

Không có người trông coi, 2 chị em gồm một bé 5 tuổi và một bé 3 tuổi ở Quảng Trị ngã xuống ao của nhà và bị đuối nước.

Đó là một tin thật buồn mà tôi đọc được trên một trang báo điện tử trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay. Hai ngày sau, cũng đang trong kỳ nghỉ lễ, là thông tin về 2 em bé ở Quảng Ninh bị đuối nước khi đi tắm sông.

Ngày nghỉ lễ, cũng như bao người khác, mỗi khi lên mạng đọc các báo điện tử, tôi chỉ muốn xem những thông tin tích cực hoặc mang tính giải trí để đầu óc được thanh thơi sau những tuần, những tháng làm việc miệt mài. Nhưng rồi, vẫn có những thông tin đau buồn không thể nào bỏ qua được, nhất là khi những thông tin trẻ em bị tử vong do tai nạn.

Khi còn nhỏ, tôi đã tận mắt chứng kiến đứa em họ 4 tuổi được người lớn vớt lên từ một cái ao, rồi cảnh mợ tôi lăn lộc gào khóc vì mất con. Hồi ấy, trong xóm tôi, có vài bé cũng tử vong như thế. Những mất mát ấy từ người thân, từ hàng xóm láng giềng, vẫn gợi trong tôi những nỗi buồn đến tận bây giờ mỗi khi nghe, đọc những thông tin về trẻ bị đuối nước.

Trẻ em bị tử vong, dù là do bệnh tật hay tai nạn, đều gây ra nỗi đau đớn khôn cùng cho gia đình của trẻ xấu số và niềm thương cảm sâu sắc với cộng đồng. Bởi trẻ em là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất của từng gia đình, là tương lai của xã hội, của đất nước.

Đáng tiếc là hàng năm, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà số trẻ em bị tử vong vẫn còn khá nhiều. Trong đó, đuối nước là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất.

Thông tin từ Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, cho thấy, mỗi năm, trên cả nước có gần 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi bị tử vong do đuối nước. Gần 2.000 trẻ là tương ứng với chừng ấy gia đình đã phải trải qua sự mất mát, đau thương không gì có thể bù đắp được. Thậm chí có những gia đình mà nỗi đau nhân lên gấp bội phần khi cùng lúc mất đi 2 đứa con hoặc hơn, do đuối nước.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới số trẻ tử vong cao do đuối nước là tỷ lệ trẻ biết bơi đang khá thấp. Một biểu đồ của Chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam giai đoạn 2028-2022 do Quỹ từ thiện Blooberg tài trợ, cho thấy, vào năm 2019, trên toàn quốc chỉ có 11,49% trẻ em biết bơi, và tỷ lệ tử vong do đuối nước là 25,5%.

Cũng theo biểu đồ của Chương trình nói trên, tỷ lệ trẻ em biết bơi thường tỷ lệ nghịch với tỷ lệ tử vong do đuối nước. Như ở Đồng Tháp, nơi chỉ có 5,8% trẻ biết bơi vào năm 2019, thì tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước là 50,7%. Trong khi đó, cũng trong năm 2019, tỷ lệ trẻ em biết bơi ở Ninh Bình là 20,81% và tỷ lệ tử vong do đuối nước là 24,5%.

Trên cùng một địa bàn, tỷ lệ tử vong do đuối nước cũng tỷ lệ nghịch với tỷ lệ trẻ em biết bơi qua từng năm. Chẳng hạn, vào năm 2018, tỷ lệ trẻ biết bơi ở Đồng Tháp là 8,38%, tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước là 47,4%. Sang năm 2019, khi tỷ lệ trẻ biết bơi ở Đồng Tháp giảm xuống 5,8% thì tỷ lệ tử vong do đuối nước vọt lên trên 50%.

Nhắc tới tỷ lệ trẻ biết bơi rất thấp và tỷ lệ trẻ tử vong cao do đuối nước ở Đồng Tháp, hẳn nhiều người sẽ thấy ngạc nhiên khi đây là một tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, từ bao đời nay người dân đã quá quen với môi trường sông nước. Ai đã từng xem những bộ phim nổi tiếng mấy chục năm trước về cuộc sống ở Đồng bằng sông Cửu Long trong thời chiến tranh như Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng…, sẽ thấy người dân nơi đây, từ người lớn đến trẻ em, đều từng giỏi bơi lặn như thế nào.

Vì vậy, những con số đáng buồn về tỷ lệ trẻ biết bơi, trẻ tử vong do đuối nước ở Đồng Tháp nói riêng, cả nước nói chung, là một minh chứng cho thấy trong nhiều năm qua, việc dạy bơi cho trẻ em đã bị lơ là ra sao.

Do quá nhiều trẻ tử vong vì đuối nước mà trong Chương trình phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030, do Chính phủ ban hành tháng 7/2021, đuối nước là 1 trong 2 loại tai nạn được chỉ đích danh với những mục tiêu cụ thể như giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước vào năm 2025 và 20% vào năm 2030. Đến năm 2025, 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước vào 50% biế bơi an toàn. Những tỷ lệ này được nâng lên 70% và 60% vào 2030.

Để đạt được những mục tiêu như trên, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về trang bị kỹ năng bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em. Nhưng ngoài nỗ lực từ các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, rất cần sự quan tâm, vào cuộc của những người làm cha, làm mẹ đang nuôi con nhỏ, trong việc giúp cho con cái có những kỹ năng, kiến thức cần thiết để tự bảo vệ bản thân mình tránh khỏi tai nạn do đuối nước cũng như các tai nạn khác.

Ông bà ta có câu “Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo”. Câu này cho thấy, người xưa đã đánh giá rất cao việc trẻ em biết bơi lội. Vì ở một đất nước có hệ thống sông ngòi dày đặc, từ Bắc và Nam như nước ta, biết bơi là một trong những kỹ năng sinh tồn quan trọng nhất.

Mà để “có phúc” thì cha mẹ phải quan tâm, chủ động cho con cái học bơi lội và trang bị các kỹ năng, kiến thức phòng chống đuối nước càng sớm càng tốt, không thể nghĩ rằng chỉ cần luôn giữ con trong tầm mắt của mình, luôn nhắc nhở, răn đe không cho con đến gần chỗ hồ, ao thì sẽ không sao. Vì không ai có thể kè kè bên con cái suốt ngày, nhất là khi con đã đi học, rất dễ theo sự rủ rê của bạn bè ra chơi chỗ ao, hồ hay tắm sông, tắm biển. Và trong rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị đuối nước, sự việc đã xảy ra chỉ trong một khoảnh khắc lơ là của người lớn.