| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 29/04/2024 , 06:45 (GMT+7)
Nguyễn Kiên Trung

Nguyễn Kiên Trung

Nhà báo 06:45 - 29/04/2024

Những cơn sốt quái đản!

Đến lượt ve sầu - 'nhạc sỹ mùa hè' bị thu mua đúng vào thời điểm bắt đầu vào hạ. Những người hám lợi lại tiếp tục cuộc lùng sục, săn bắt...

Đã có rất nhiều những cơn sốt quái đản “quét” qua các vùng quê, khi nó đi qua rồi, người ta vẫn còn ngơ ngác, dù đa phần đều “không biết họ mua về làm gì”.

Khoảng những năm 1990, cơn sốt thu mua đuôi chuột bùng lên ở nhiều làng quê Bắc bộ. Cả làng bỏ bê công việc đi bắt chuột lấy đuôi đem bán. Giá thu mua khi đó 500 đồng/đuôi. Nhiều người vì hám lời đã dùng các thủ đoạn, tiểu xảo, chặt một cái đuôi chuột ra làm 2 - 3 cái bán thêm tiền. Từ đó có câu chuyện “một con chuột có 3 cái đuôi” là vậy.

Việc mua đuôi chuột dù sao cũng có lợi, vì nó giúp tiêu diệt loài vật gặm nhấm phá hoại mùa màng. Nhưng, một hệ lụy khôn lường của cơn sốt đuôi chuột, đó là lúc người ta bảo nhau đặt bẫy chuột bằng thuốc, trộn thứ thuốc bột màu đỏ với thóc, gạo rồi rắc rải khắp nơi làm mồi nhử…

Nhiều vụ việc đau lòng xảy ra: thuốc chuột đã gây ra những cái chết dây chuyền: chó mèo, gà vịt… ăn phải thuốc chuột, ăn cả chuột dính thuốc lăn ra chết; con người vì đói khổ, xót của không nỡ vứt bỏ, đánh liều ăn thịt những con vật trên, tới lượt con người chết theo. Cả làng, xác chuột chết đầy đồng, trương phềnh trên kênh ngòi, mương máng… những xác chuột không đuôi, vì người ta chỉ chăm chắm lấy đuôi chuột, không ai đem tiêu hủy xác chuột.

Sau “cơn bão” thu mua đuôi chuột, đến cơn sốt mua các loài rắn nước - loại rắn mòng mòng; thu mua đỉa… Đến mức, bây giờ loài rắn ấy đã không còn xuất hiện ở nhiều vùng quê.

Hết loài dưới nước, người ta lùng sục… thu mua móng guốc trâu bò. Trâu bò là tư liệu chủ lực của nhà nông khi nghề nông chưa cơ giới hóa. Những vụ trộm móng trâu bò thường xuyên xảy ra dẫn tới mất an ninh trật tự, nảy sinh những xung đột xã hội. Lợi chưa thấy đâu, dân ta đã tự “chặt chân”… dân mình mà không bao giờ tìm hiểu, những “thương lái Trung Quốc” mua những mặt hàng quái đản ấy về để làm gì, mặt ngang mũi dọc của họ thế nào!?

Vẫn chưa hết. Những cơn sốt quái đản như những đợt thủy triều tiếp tục quét hết từ loài này sang loài khác: người ta lùng sục thân cây sắn tầu (miền Nam gọi là cây mì); rễ cây hồ tiêu; thu mua… củi quế; quả sầu riêng non… Mùa màng bị hủy hoại, nghiêm trọng hơn là nó giết hại cả một thế hệ cây trưởng thành…

Cơn sốt hủy hoại thực vật lan sang thế giới côn trùng: ong vàng, bọ xít…, những loài vật hữu ích cho việc thụ phấn của cây, những “bà đỡ” tự nhiên giúp đa dạng sinh học. Gần đây nhất, cơn bão thu mua… giun đất lan trên diện rộng ở các tỉnh miền núi, trung du tàn phá đất đai, hủy hoại những vùng cây ăn trái, hoa màu…

Và bây giờ, tới cơn sốt thu mua… xác ve sầu. 1kg xác ve sầu khô cần tới 6.000 - 7.000 xác ve, được thu mua với giá hơn 1 triệu đồng. Khi chưa biết chính xác mục đích thu mua, người ta chỉ có thể hiểu nôm na “mua về… làm thuốc”. Để có tiền, người ta lục tung nương rẫy, vào trong rừng sâu… để săn tìm xác ve. Đây cũng là thời điểm các loại cây trồng đang đến thời kỳ ra hoa, đậu quả…

Chủ tịch một xã ở Tây Nguyên, nơi cơn sốt thu mua xác ve đang hoành hành phân trần: trước sự việc này, chính quyền chỉ có thể… tìm hiểu, xác minh rồi nhắc nhở, tuyên truyền người dân cảnh giác trước chiêu trò thổi giá các mặt hàng nông sản của thương lái, vì “đây không phải là mặt hàng cấm” nên không thể ngăn cấm người ta thu mua!

Thưa ông chủ tịch xã, ngày 13/11/2008, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Luật Đa dạng sinh học với mục đích bảo tồn sự đa dạng sinh học, đa dạng giống loại, đa dạng của tự nhiên. Điều 1 của Luật này ghi rõ: “Luật này quy định về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học”.

Tại Điều 2, Luật quy định đối tượng áp dụng, gồm: mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động trực tiếp hoặc liên quan đến bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học tại Việt Nam.

Luật giải thích thêm: Bảo tồn đa dạng sinh học là việc bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện; bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của loài hoang dã, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên; nuôi, trồng, chăm sóc loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ và bảo quản lâu dài các mẫu vật di truyền.

Dù chưa có chế tài cụ thể đối với hành vi cụ thể, nhưng những điều mà đã được Luật hóa, thì rõ ràng những hành vi hủy diệt môi trường, tự nhiên…, đó đã đều là những hành vi vi phạm pháp luật.

Con người, đã mượn “vỏ bọc” là động vật tiến hóa nhất trong thế giới tự nhiên, là loài đứng đầu chuỗi thức ăn để cho mình quyền phán xử cuộc sống của những loài khác, đó là một tội ác!

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm