16 năm trước đây một thông tin đã gây chấn động thế giới: sự xuất hiện động vật có vú đầu tiên trên thế giới được nhân bản vô tính - cừu Dolly. Vào thời điểm đó, chú cừu do các nhà khoa học Scotland tạo ra. Trong 15 năm qua, đã hình thành đội quân động vật nhân bản - từ mèo đến con la, và các trung tâm công nghệ sinh học đang hoạt động ở nhiều nước trên thế giới.
Tuy đây là một công trình nghiêm túc của các nhà bác học và các trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của các nước phát triển và cuộc thí nghiệm đã mở ra nhiều điều mới mẻ trong nền khoa học. Ví dụ, có thể đảo ngược sự phát triển của sinh vật nhưng thật không may, công nghệ nhân bản vô tính vẫn chưa hoàn hảo, vì thế chú cừu Dolly đã chết.
Đây là một trong những nguyên nhân tại sao các nhà khoa học coi việc nhân bản người là công nghệ nguy hiểm và không phù hợp với quan điểm đạo đức. Nhiều nhà khoa học lo ngại rằng, nếu bãi bỏ lệnh cấm nhân bản người, thì sẽ có những trường hợp lạm dụng công nghệ này, dù nó đắt tiền như thế nào đi nữa.
Trong khi trên thế giới, vấn đề nhân bản đang có xu hướng lặng đi thì ở Việt Nam gần đây vấn đề “nhân bản” lại nóng lên từng ngày với nhiều sự kiện liên tiếp đã được ghi nhận.
Mới đây, tại Cần Thơ là chuyện “nhân bản" nhà tình nghĩa, trục lợi tiền tài trợ khi xuất hiện thông tin một cơ quan ở đây đã tham mưu cho chính quyền một địa phương xây dựng một căn nhà tình nghĩa rồi ra quyết định nhận tiền của 2 nhà tài trợ khác nhau. Trước đó, là vụ “nhân bản” khác từng gây rúng động trong xã hội là vụ “nhân bản kết quả xét nghiệm máu” ở bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội).
Rõ ràng xét về mặt hình thức, cả ba vụ “nhân bản” mà chúng ta đã dẫn ra từ phạm vi toàn cầu đến phạm vi Việt Nam đều có một vài điểm chung đó là: từ “cái không thể” khoa học và con người có thể biến thành những “cái có thể”. Hơn thế, tuy mục đích có khác nhau nhưng cả 3 trường hợp nói trên đều có thể động chạm đến vấn đề đạo đức.
Tuy nhiên, nếu như trường hợp chú cừu Dolly (và một số động vật khác) được nhân bản là do sự phát triển của khoa học và người ta chỉ tạm dừng lại khi phương pháp này chưa ưu việt, thậm chí đụng chạm vấn đề đạo đức (những động vật được nhân bản đều chết yểu) thì trường hợp “nhân bản” của những nhà tình nghĩa hay phiếu xét nghiệm ở Việt Nam lại không hề xuất phát từ một lý do nào đó mang tính nghiên cứu khoa học mà thực sự được khởi nguồn từ những toan tính xấu xa và đen tối, bất chấp đạo lý của một số cá nhân, và một nhóm người.
Nói trắng ra, những vụ “nhân bản” mới xuất hiện ở nước ta chỉ là một trong rất nhiều sự biến tướng của trục lợi, tham nhũng đang diễn ra trong xã hội hiện tại và được ẩn dấu dưới hai cái từ mĩ miều: “nhân bản”. Và cũng không ai dám chắc: liệu còn bao nhiêu biến tướng khác của tham nhũng còn ẩn dấu dưới những mỹ từ, vỏ bọc khác nữa…
Khác nhau một trời, một vực là vậy nhưng dưới một góc độ nào đó mà xét thì “cái kết” của cả 3 trường hợp này từ cái chết yểu của chú cừu Dolly tội nghiệp đến những vụ việc gian lận mới được phát hiện tại Việt Nam gần đây (giấy xét nghiệm, nhà công ích) lại đều giống nhau là không được xã hội chấp nhận, thậm chí tẩy chay.
Đồng thời, nó cũng buộc các nhà quản lý, các nhà khoa học phải thận trọng hơn với vấn đề “nhân bản”…