| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 09/04/2012 , 09:29 (GMT+7)

09:29 - 09/04/2012

Thuế, phí và sự nguỵ biện

Hai cuộc họp báo, một số cuộc phỏng vấn riêng, rốt cuộc Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng vẫn không thể thuyết phục dư luận về "phí hạn chế phương tiện cá nhân".

Ảnh minh họa
Hai cuộc họp báo, một số cuộc phỏng vấn riêng, rốt cuộc Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng vẫn không thể thuyết phục dư luận về cơ sở thực tế cũng như pháp lý, thậm chí cả chủ trương chính trị cho sự ra đời của “phí hạn chế phương tiện cá nhân”.

Cụ thể, về cơ sở thực tế nếu mục tiêu nhằm hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô 5 TP lớn thì rõ ràng việc thu theo đầu phương tiện là không công bằng, không hợp lý. Chẳng hạn như việc phân biệt không thu xe công, chỉ thu xe tư; thu xe biển TP lại không thu xe biển ngoại tỉnh (dù thường xuyên chạy vào TP), thu cả xe chạy nhiều cũng như xe chạy ít (nhà có 3 xe hơi thì nộp tiền cả 3, nhưng thực tế mỗi lần chỉ dùng 1 chiếc) như nhau thì rõ ràng không thể giải quyết được ùn tắc. Thậm chí sự không thực tế ấy còn khiến nhiều người cho rằng mục tiêu “tận thu” của 600 ngàn chủ phương tiện nhằm đạt con số 10.000-15.000 tỉ đồng/năm cho ngành GT-VT mới là mục tiêu chính.

Về cơ sở pháp lý, Bộ GT-VT đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Pháp lệnh phí và lệ phí là không đúng pháp luật. Lý do, tại Điều 2 Pháp lệnh này nêu rõ “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí…”, trong khi nếu nộp “phí” này chủ phương tiện không hề được hưởng dịch vụ nào cả. Còn nếu viện dẫn chi phí bảo dưỡng, duy tu đường thì trước khi xe lăn bánh chủ phương tiện đã nộp ít nhất 5 loại phí khác, trong đó có phí bảo trì đường bộ, nên không thể để xảy ra tình trạng “phí chồng phí”.

Tuy nhiên điều đáng quan tâm hơn là việc Bộ GT-VT cho rằng việc thu phí đã được Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết về trả lời chất vấn, hàm ý rằng một chủ trương chính trị đã được “quyết” từ cơ quan quyền lực cao nhất, thì đã bị chính các đại biểu Quốc hội phản bác. Bởi vì khi thông qua Nghị quyết, Quốc hội chỉ biểu quyết về những chủ trương, cách thức, quyết tâm… của nhiều bộ trưởng khi trả lời về nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống mà Quốc hội đặt ra, chứ không phải là Nghị quyết “gút” một giải pháp cụ thể của một lĩnh vực cụ thể nào.

Hơn thế, từ vụ Vinashin với việc tuỳ tiện đầu tư tàu Hoa Sen cho thấy, chủ trương chính trị không thể là “mệnh lệnh” cho phép công chức làm sai quy trình, tự ý diễn giải hoạt động theo ý mình. Ngay như Quốc hội, là cơ quan lập pháp, muốn xúc tiến bất cứ một hoạt động gì cũng phải theo luật thì Chính phủ (Bộ GT-VT), là cơ quan chấp hành của Quốc hội càng nghiêm túc chấp hành nguyên tắc “công chức chỉ được làm những gì luật cho phép”.

Dĩ nhiên đưa ra các quan điểm này không có nghĩa dư luận không ghi nhận, không ủng hộ tâm huyết, nhiệt tình của Bộ trưởng GT-VT trong việc giải quyết ùn tắc giao thông. Tuy nhiên mục đích không thể bù phương pháp, người ta phải đặt câu hỏi Bộ GT-VT đã nghiên cứu các giải pháp khác mà các nước xung quanh ta đã làm hay chưa, đánh giá xem có phù hợp Việt Nam không mà cứ nhăm nhăm chọn cách dễ nhất là… thu tiền của dân?

Không trả lời được những câu hỏi như thế thì dù có đưa ra cơ sở nào để thu phí cũng là sự nguỵ biện.