| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 25/07/2012 , 11:15 (GMT+7)

11:15 - 25/07/2012

Bằng chứng thứ hai

Ngay sau cú sốc "clip Đồi Ngô", ngành Giáo dục nhận tiếp scandal thứ hai là sự công bố kết quả điều tra xã hội học của một tờ báo chứng minh sự gian dối trong thi cử là trầm trọng.

Ngay sau cú sốc "clip Đồi Ngô", ngành Giáo dục nhận tiếp scandal thứ hai là sự công bố kết quả điều tra xã hội học của một tờ báo chứng minh sự gian dối trong thi cử là trầm trọng.

>> Chấm lại gần 1.700 bài thi tốt nghiệp trường THPT Đồi Ngô
>> Không hủy kết quả thi thí sinh quay clip
>> Thêm 6 clip gian lận thi ở Bắc Giang
>> Sốc với clip tiêu cực thi ở Bắc Giang

Cụ thể, phóng viên báo Tuổi trẻ đã phối hợp với một số nhà xã hội học thực hiện thăm dò trên 500 thí sinh từ 36 tỉnh, thành về tính nghiêm túc ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Kết quả: 84,6% thí sinh trong số đó thừa nhận có xuất hiện hiện tượng tiêu cực tại nơi các bạn dự thi.


Ảnh cắt ra từ "clip Đồi Ngô"

Dĩ nhiên không kể thì ai cũng biết đủ trạng thái của tiêu cực, mà trong đó gian dối phổ biến là quay cóp, nhìn bài, mang tài liệu vào phòng thi... và thậm chí là giải bài tập thể! Trong số các hành vi này giải bài tập thể nghiêm trọng nhất vì nó biểu hiện một thứ gian dối có tổ chức, có hệ thống, được bao bọc từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong...

 Vì thế mới gọi clip tiêu cực Đồi Ngô là scandal thứ nhất và kết quả thăm dò này là scandal thứ hai. Hơn thế, scandal này còn nặng ký hơn thứ nhất vì nó là ý kiến của một tập thể, trải dài trên diện rộng, có giá trị như những nhân chứng trực tiếp. Phải gọi là nặng ký hơn là vì scandal Đồi Ngô dù rành rành như thế, nhưng khi công bố kết luận về sự kiện lãnh đạo ngành Giáo dục vẫn "bảo lưu" kết quả thi tốt nghiệp PTTH với các mỹ từ an toàn, tốt đẹp, và việc quay cóp ở Đồi Ngô chỉ là hiện tượng đơn lẻ (!?).

Chưa biết lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ trả lời như thế nào về kết quả thăm dò này, nhưng với ý kiến của gần 500 thí sinh từ 36 tỉnh, thành thì không cá nhân nào, dù giữ chức vụ cao, lại có thể thản nhiên tuyên bố đó là những "hiện tượng đơn lẻ" hay "không quan tâm"...

Mấy kỳ thi gần đây dư luận xã hội tỏ ý hoan nghênh ngành Giáo dục đã mạnh dạn cho thí sinh tự luận về các vấn nạn bức xúc của xã hội, như thói giả dối, tính cơ hội... Hoan nghênh vì qua những bài thi đầy tính thực tế ấy sẽ chọn ra được những thí sinh có tư duy, suy nghĩ, khát khao sự trung thực và dũng cảm...

Vậy thì với bằng chứng thứ hai không hề "cá biệt và đơn lẻ" này, dư luận xã hội cũng muốn nhìn thấy những người có trách nhiệm thể hiện sự Dũng cảm và Trung thực!