| Hotline: 0983.970.780

Nuôi kết hợp, lợi ích kép

Thứ Ba 29/11/2016 , 09:20 (GMT+7)

Mô hình nuôi kết hợp tôm, ốc hương với hải sâm và rong biển được ngư dân miền Trung áp dụng không chỉ tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, mà còn phát triển bền vững theo định hướng của Bộ NN-PTNT.

Mô hình bền vững

Mới đây, tại Khánh Hòa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 (Bộ NN-PTNT), Sở NN-PTNT Khánh Hòa tổ chức tổng kết dự án xây dựng mô hình nuôi kết hợp tôm, ốc hương với hải sâm và rong biển ở một số tỉnh ven biển miền Trung.

21-28-27_ong-kim-vn-tieu-pgd-trung-tm-khuyen-nong-quoc-gi-pht-bieu-ti-hoi-nghi
Ông Kim Văn Tiêu, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phát biểu tại hội thảo
 

Phát biểu tại hội thảo, ông Kim Văn Tiêu, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, dự án do Bộ NN-PTNT phê duyệt, được triển tại 5 tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận. Đây là mô hình KH-CN tiên tiến được Viện 3 nghiên cứu trong nhiều năm.

Đến nay, trung tâm đã tổ chức 3 lần hội thảo nhằm đánh giá hiệu quả mô hình. Kết quả, qua 2 năm triển khai các mô hình đều thành công và khẳng định hiệu quả cho lợi nhuận từ 200 - 300 triệu đồng/ha so với hình thức nuôi đơn. Đặc biệt, mô hình nuôi theo kiểu sinh thái này được Bộ NN-PTNT khuyến khích, bởi kiểm soát phần nào được dịch bệnh, trong khi nuôi tôm, ốc nhiều rủi ro.

Theo ông Tiêu, cơ sở khoa học mô hình nuôi kết hợp này là khi con tôm, con ốc thải ra thì hải sâm ăn cặn bã và thức ăn dư thừa, còn rong biển thì lọc nước nên môi trường nước sạch, ít dịch bệnh. “Tại các mô hình triển khai nuôi tôm sú kết hợp hải sâm và rong nho hoặc ốc hương kết hợp hải sâm và rong nho, chúng tôi đến khảo sát đo PH, độ kiềm... khá ổn định. Vì vậy, có thể khẳng định rằng nuôi kết hợp môi trường ít ô nhiễm, dịch bệnh hạn chế và giúp cho “3 trong 1” đều phát triển tốt”, ông Tiêu khẳng định.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, mô hình nuôi kết hợp ốc hương với hải sâm và rong biển, lợi nhuận trung bình hơn 224 triệu đồng/0,5ha/vụ, tương đương gần 450 triệu đồng/ha, tăng 190 triệu đồng/ha so sánh với nuôi đơn. Còn với mô hình nuôi kết hợp tôm sú với hải sâm và rong biển, trung bình mỗi hộ lãi từ 165 - 180 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Dương ở thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) áp dụng mô hình nuôi ốc hương kết hợp với hải sâm và rong nho cho biết, trước đây gia đình ông chỉ nuôi ốc hương đơn thuần, những năm đầu thì nuôi có lãi, nhưng càng về sau môi trường ô nhiễm nên không còn hiệu quả. Tuy nhiên khi tham gia dự án được nhà nước hỗ trợ giống, kỹ thuật nuôi kết hợp nên đã giúp ông nuôi có lãi. Với diện tích 1ha, ông thả 50 vạn ốc hương, 1.000 con hải sâm và 500kg rong nho. Sau nhiều tháng thả nuôi ông thu được 3,2 tấn ốc hương, 2,2 tấn hải sâm và 3,8 tấn rong nho. Các sản phẩm trên được Cty TNHH Rong biển Việt Nam thu mua, sau khi trừ chi phí ông lãi gần 230 triệu đồng, rất phấn khởi.

21-28-27_mo-hinh-nuoi-ket-hop-ny-phu-hop-voi-dinh-huong-cu-bo-nn-ptnt
Mô hình nuôi kết hợp cho lợi ích kép
 

Tương tự, ông Nguyễn Văn Long ở thôn Phương Cựu 1, xã Phượng Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) cũng nuôi tôm sú kết hợp hải sâm và rong nho rất hiệu quả. Tỷ lệ tôm sú, hải sâm, rong nho sống cao. Với diện tích 0,7ha, ông thu lãi hơn 200 triệu đồng.
 

Cần nhân rộng

Theo nông dân Nguyễn Văn Dương, khi áp dụng mô hình nuôi kết hợp ông thấy ốc hương không bị dịch bệnh, lại lớn nhanh so với quy trình nuôi đơn trước đây, hơn nữa môi trường nước rất sạch. Vì vậy ông cho rằng nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ, nhận rộng mô hình để bà con nâng cao thu nhập.

Ông Huỳnh Kim Khánh, GĐ Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa cho biết, việc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện 3 triển khai mô hình kết hợp phù hợp với xu hướng nuôi hiện nay là bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng đang khuyến khích bà con triển khai các mô hình nuôi kết hợp này.

Kết luận hội thảo, ông Kim Văn Tiêu một lần nữa khẳng định các mô hình nuôi kết hợp này tạo ra sản phẩm an toàn, hạn chế dịch bệnh, bền vững phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành. Vì vậy, trung tâm kiến nghị Bộ NN-PTNT bổ sung kinh phí để triển khai cho nhiều người dân hưởng lợi. Trung tâm Khuyến nông các tỉnh tiếp tục nghiên cứu mô hình nuôi kết hợp và áp dụng các mô hình một cách linh hoạt, triển khai cho bà con một cách hiệu quả. Các hộ nông dân mạnh dạn áp dụng TBKT mới trong SX và tăng cường tham quan học tập lẫn nhau, nông dân nói nông dân nghe, nhằm mục tiêu tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM.

Ông Thái Văn Chiến, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 cho biết, qua triển khai các mô hình nuôi kết hợp tại Phú Yên và Khánh Hòa cho thấy các yếu tố môi trường đều phù hợp với sự phát triển của ốc hương, hải sâm và rong nho. Đến nay, đơn vị đã huấn hơn 100 học viên và sau khi tập huấn các học viên đã nắm vững kỹ thuật nuôi kết hợp.

 

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất