| Hotline: 0983.970.780

Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi: "Chính sách, quy hoạch đủ cả, tại địa phương không thèm để ý!"

Thứ Hai 04/07/2011 , 10:22 (GMT+7)

Ông Nguyễn Xuân Dương- Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT)

Xung quanh loạt bài "Chăn nuôi lớn - chuyện xa vời", ông Nguyễn Xuân Dương- Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã trao đổi về các chính sách, quy hoạch của Trung ương cho phát triển chăn nuôi tập trung (CNTT) và những vấn đề khi triển khai tới địa phương.

Lâu nay ta nhắc nhiều đến vấn đề CNTT, nhưng thực tế nhiều địa phương vẫn rất mù mờ về khái niệm này, thậm chí có khi trong một tỉnh, mỗi nơi hiểu một kiểu. Xin ông cho biết khái niệm "chuẩn" nhất?  

Đúng là có thực trạng này. Nhưng tôi xin nhắc lại từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg về Chiến lược phát triến chăn nuôi đến năm 2020. Quyết định này đã nói rõ mục tiêu đến năm 2020, ngành chăn nuôi nước ta phải cơ bản chuyển sang phương thức chăn nuôi trang trại - công nghiệp, đáp ứng phần lớn nhu cầu thực phẩm đảm bảo chất lượng cho tiêu dùng trong nước và XK...

Rõ ràng là ở tầm vĩ mô, Chính phủ đã xác định khái niệm CNTT là chăn nuôi theo trang trai công nghiệp, chứ không phải như cách hiểu của nhiều địa phương là "tập trung chăn nuôi" vào một khu như khu công nghiệp. Cái này mới nghe thì có vẻ thuận nhưng thực tế thì không khả thi, trong đó có vấn đề sinh thái và kiểm soát dịch bệnh. Tóm lại, CNTT (hay chăn nuôi lớn) là hình thức chăn nuôi trang trại quy mô lớn, áp dụng phương thức SX công nghiệp tiên tiến thay thế cho chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ lẻ. Quan điểm về CNTT theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã gửi hết cho các địa phương rồi. Nơi này nơi kia còn chưa rõ khái niệm đó là do họ không để ý mà thôi! 

Theo khái niệm đó thì phải quy hoạch không gian CNTT theo hướng nào mới hợp lý thưa ông? 

Nội dung quy hoạch cho CNTT các địa phương phải chỉ ra được các vùng khuyến khích phát triển, vùng hạn chế phát triển và vùng không phát triển đối với từng loại vật nuôi chính của địa phương đó. Vùng CNTT có thể là xã - liên xã, huyện - liên huyện chứ không phải là một khu. Những vùng này phải chỉ rõ được đối tượng vật nuôi phù hợp để khuyến khích phát triển, quy mô đàn định hình tương đối khi phát triển, trên cơ sở lượng hoá được quỹ đất tương đối dành cho phát triển chăn nuôi và hạ tầng giao thông, nguồn nước... cần phải đầu tư cho quá trình phát triển CNTT. 

Vậy theo khái niệm như ông nói thì Bộ NN-PTNT, mà cụ thể là Cục Chăn nuôi đã có rà soát nào về tỉ trọng của CNTT trong ngành Chăn nuôi hiện nay chưa? Tốc độ tăng trưởng tỉ trọng này gần đây ra sao? Dự báokế hoạch nâng tỉ trọng này trong tương lai thế nào? 

Hàng năm, Cục Chăn nuôi vẫn phối hợp với ngành Thống kê và các Sở NN-PTNT thống kê tỷ trọng về đầu con và sản lượng của khu vực chăn nuôi trang trại - công nghiệp trong tổng thể ngành chăn nuôi. Nhưng thực tế đây là vấn đề không dễ. Theo số liệu hiện nay thì tỷ trọng chăn nuôi trang trại - công nghiệp đối với lợn tính chung cả nước mới chỉ đạt khoảng 35%, gia cầm khoảng 32%. Tất nhiên đây chỉ là những con số mang tính tương đối, vì biến động của những con số này khá lớn, phải thông qua thông kê hàng năm hoặc các dự án điều tra bài bản, ít nhất là với tần suất 2 năm/lần đối với lợn, gia cầm và 3 năm đối với gia súc khác. Tuy nhiên, kinh phí cho hoạt động này của Bộ NN-PTNT hiện chưa đáp ứng được. Còn ngành thống kê thì họ chỉ có thể quan tâm được tới tổng đàn, chứ cơ cấu chăn nuôi theo quy mô thế nào thì thuộc trách nhiệm của ngành nông nghiệp.

Về dự báo, tỷ trọng chăn nuôi trang trại - công nghiệp, nhất là lợn, gia cầm và bò sữa vẫn đang tăng nhanh. Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì hoàn toàn có thể đạt hoặc vượt mục tiêu theo định hướng của Chính phủ. 

Ở địa phương hiện nay, tỉnh nào cũng kêu phát triển CNTT bị vướng do thiếu quy hoạch. Ở phạm vi cả nước thì nhiều chuyên gia đầu ngành cũng nhận xét như vậy. Có vẻ như Cục Chăn nuôi - đơn vị quản lý nhà nước về ngành chăn nuôi chưa khẳng định được vai trò trong vấn đề đó, thưa ông? 

Tôi phải nhắc lại là ngay trong Chiến lược của Chính phủ phê duyệt cho ngành chăn nuôi đến năm 2008, nội dung của Chiến lược đó chính xác thì đã gần như vẽ sẵn một bản quy hoạch tổng thể của ngành chăn nuôi, thậm chí đã chỉ rõ cho từng con, từng vùng, từng giai đoạn với những giải pháp phát triển đến năm 2020. Các nội dung trong chiến lược này, Cục Chăn nuôi phối hợp với Phân viện Quy hoạch Thiết kế nông nghiệp phía Nam chuyển thành Bản đồ Atlat ngành chăn nuôi, đã được rất nhiều các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Cùng với quy hoạch tổng thể trên, Cục Chăn nuôi đã được Bộ NN-PTNT cho phép triển khai hoàn thành hai bản quy hoạch chi tiết hơn cho phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm, bò sữa trong năm 2009 và gần đây là Quy hoạch hệ thống các cơ sở giống vật nuôi trên phạm vi cả nước. Các quy hoạch này thậm chí đã rõ ràng tới từng tỉnh, từng địa phương của tỉnh đó. Quyết định của Chính phủ về chiến lược chăn nuôi, rồi các Atlat, các quy hoạch do Cục Chăn nuôi chúng tôi đều gửi đầy đủ tới các tỉnh, thậm chí tổ chức hàng chục hội nghị triển khai về quy hoạch tới tất cả các vùng trên cả nước. Các tỉnh bảo không có quy hoạch thì chỉ do họ không chú tâm, hay "cố tình" không để ý mà thôi! 

Hầu như tỉnh nào hiện cũng có chính sách ưu đãi cho phát triển CNTT. Còn ở Trung ương thì sao? Có chính sách gì về vốn, đất đai, hạ tầng hay con giống... không? 

Nhiều ý kiến nói nên quy hoạch lại, đưa chăn nuôi lên các vùng đất miền núi, trung du...? Quan điểm của ông thế nào? 

Tôi cho rằng không nên tập trung chăn nuôi quá nhiều ở khu đồng bằng và thành phố đông dân vì hiện nay mật độ chăn nuôi ở khu vực đồng bằng nước ta đã ở mức 1000 con/km2 - cao vào loại nhất thế giới rồi. Vì vậy việc định hướng đưa CNTT đến các vùng có sinh thái rộng, đất đai trồng trọt kém hiệu quả như trung du, miền núi, vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên là phù hợp.

Chính sách của TƯ có rất nhiều và từ lầu rồi. Cụ thể nhất là các quyết định của Chính phủ như: QĐ 66 về khuyến khích phát triển chăn nuôi lợn; QĐ 67 về chăn nuôi bò sữa thời kỳ 2000-2010; Chương trình giống cây trồng, vật nuôi thời kỳ 2000 - 2010, và hiện nay là thời kỳ 2010-2020; Nghị quyết 13 về kinh tế trang trại; QĐ 394 về khuyến khích phát triển chăn nuôi gia cầm tập trung - công nghiệp và giết mỗ gia súc gia cầm tập trung công nghiệp... Đó là chưa kể các chính sách ưu tiên liên quan đến nông thôn, nông nghiệp, đến DN đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi... Việc CNTT vẫn không phát triển phải chăng là do các địa phương, hay DN trong nước chưa vận dụng hết các chính sách này mà thôi.

Các vấn đề về vốn, đất đai... là vấn đề của chung ngành nông nghiệp chứ nói gì đến vai trò của Cục Chăn nuôi. Ngay trong định hướng Chiến lược và các chính sách phát triển chăn nuôi khác Chính phủ cũng đều nói rõ các địa phương, các ngân hàng, tổ chức tín dụng ưu tiên cao nhất về đất đai và tín dụng để khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại - công nghiệp gắn với giết mổ tập trung, công nghiệp. Còn cụ thể thế nào thì mỗi địa phương sẽ có khung chính sách riêng, chứ chúng ta không thể có chính sách phù hợp hết cho cả 63 tỉnh thành được.  

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm