| Hotline: 0983.970.780

Ông thầy đam mê nuôi động vật hoang dã

Thứ Năm 18/10/2012 , 09:32 (GMT+7)

Ở giảng đường đại học, anh là giáo viên môn hóa thực phẩm. Về nhà, anh quăng vẻ đạo mạo, trở thành ông chủ trang trại chăn nuôi động vật hoang dã chuyên nghiệp. Anh là Đoàn Kim Sơn (ngụ ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM),...

Ở giảng đường đại học, anh là giáo viên môn hóa thực phẩm. Về nhà, anh quăng vẻ đạo mạo, trở thành ông chủ trang trại chăn nuôi động vật hoang dã chuyên nghiệp. Anh là Đoàn Kim Sơn (ngụ ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM), mỗi năm thu nhập cả tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 40 lao động địa phương.

>> Tỷ phú cao nguyên Langbiang

Cách đây hơn 10 năm, khi còn là sinh viên, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, anh đã xin theo các thầy cô ở bên khoa thủy sản tham gia đề tài thử nghiệm sinh sản ếch Thái Lan với mục đích để có tiền trả học phí và ăn học. Hồi mới đầu, nghề sinh sản ếch Thái Lan ăn nên làm ra. Nhưng chỉ được một hai năm, nhiều người cho sinh sản, con giống không đảm bảo, người chăn nuôi quay lưng với ếch giống, ếch thịt sản xuất ra không bán được.

Năm 2003, đang loay hoay chưa biết nuôi con gì để giải quyết số ếch tồn đọng, tình cờ một hôm anh đi qua tỉnh Bình Dương, có một người dân gạ bán cho 2 cặp rắn ráo với giá 100 ngàn đồng. Họ nói nếu không mua thì sẽ mang về làm thịt để ngâm rượu. Thấy tiếc, anh quyết định mua về nuôi thử.

Hàng ngày, anh bắt ếch con cho rắn ăn. Nhờ chăm sóc tốt, rắn lớn nhanh, sau 6 tháng rắn mẹ bắt đầu đẻ trứng. Lần đầu do thiếu kinh nghiệm, tỷ lệ trứng nở chưa cao. Vừa học vừa làm, anh lặn lội ra miền Bắc học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi trước, nhất là các hộ ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ban đầu, anh bỏ tiền mua 200 con bố mẹ. Đến nay, sau mấy năm gầy dựng, anh đã có 3.600 con bố mẹ, giá mỗi con 2,5 triệu. Từ rắn con đến rắn trưởng thành là 1 năm, 1 con nặng 1,5 - 2 kg giá trên 1 triệu/kg. Thức ăn chính là cóc, nhái, chuột, gà con, vịt con.


Thầy giáo Đoàn Kim Sơn là chủ trang trại ĐVHD có tiếng ở phía Nam

Theo anh, do thức ăn chính của rắn ráo trâu là ếch, nên cần kết hợp nuôi ếch với mục đích là tận dụng số ếch loại từ 150 g trở xuống (ếch còi, ếch đẹt), thị trường không tiêu thụ để làm thức ăn cho rắn. Mỗi ngày, 3.600 con rắn ráo trâu bố mẹ ăn 220 - 230 kg ếch loại thải từ trại ra. Nói về hiệu quả kinh tế của con rắn ráo, ông Quách Kha (Trảng Bàng, Tây Ninh) cho biết, ông mua từ trại Sơn Ca 50 kg giống rắn ráo (500 g/con) giá 900 ngàn/kg (450 ngàn/con) từ tháng 1/2012 để nuôi thịt. Tháng 9 vừa qua, ông xuất mỗi con nặng 1,6 - 1,8 kg, bán giá 1.050.000 đ/kg, thu về 165 triệu, sau khi trừ chi phí lãi được 70 triệu. “Hiện nay tôi tiếp tục đăng ký giống với anh Sơn để thả đợt 2 vào cuối năm nay”.

Năm 2004, sau khi tốt nghiệp đại học, anh được giữ lại giảng dạy tại trường. Lương giáo viên thu nhập 1 tháng trên 4 triệu đồng, không dư giả gì. Năm 2006, anh thành lập trang trại Sơn Ca 1 tại xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang để lấy nghề “tay trái” nuôi “tay phải”. Tại đây, anh trở lại cho sinh sản ếch Thái Lan cùng cho sinh sản rắn ri voi, ráo trâu, sau đó là kỳ đà và lươn để cung cấp con giống cho bà con nông dân khu vực ĐBSCL nuôi. Sau đó tổ chức thu mua lại con thương phẩm để tiêu thụ nội địa và bán sang thị trường Trung Quốc.

Năm 2007 anh tiếp tục đầu tư mở rộng thêm trang trại Sơn Ca 2 tại xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM rộng hơn 1 ha cũng với các loại động vật hoang dã nói trên, nhưng lần này anh còn bổ sung thêm con chồn hương.

Anh kể, ban đầu mua 9 con gồm 2 đực, 5 cái, giá 1 con là 3 triệu, sau đó về hao hụt còn lại 7 con. Lúc đó chưa có kinh nghiệm đưa về nuôi tập thể nên không hiệu quả do khi sinh sản con này cắn con của con kia đẻ ra. Sau đó anh tách ra từng cặp nhốt chuồng riêng, lúc con cái mang bầu thì tách chuồng. Nuôi theo cách này hiệu quả thật sự. Tuy nhiên, chuồng trại phải vệ sinh sạch sẽ, bởi nếu không con mẹ sẽ cắn chết con. Sau 1 năm rưỡi con cái đẻ từ 3 - 7 con. Hiện nay anh đã phát triển được 80 cặp. Giá 1 cặp bố mẹ là 14 - 15 triệu; chồn con 7 triệu/cặp, còn bán thịt là 1,4 - 1,6 triệu/kg.

“Vốn là thầy giáo nên anh Sơn kinh doanh không chạy theo lợi nhuận như nhiều DN làm ăn chụp giựt khác. Ngoài việc bán giống, anh còn mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và bao tiêu sản phẩm cho nông dân trong và ngoài địa phương đảm bảo lợi ích của cả người mua và người bán” (ông Nguyễn Sỹ Phước, Phó CT Hội Nông dân huyện Hóc Môn).

Hai năm nay, anh còn thử nghiệm nuôi lươn không bùn và bước đầu thành công. Thông thường lươn sống trong đất, bùn nên mới đầu trong môi trường không thuận lợi, tỷ lệ lươn hao hụt chết cao lên đến 30 - 40%. Trong quá trình nuôi, anh rút kinh nghiệm, nay tỉ lệ hao hụt xuống còn 5%. Hiện nay, mỗi tháng trại của anh xuất khoảng 1 - 1,5 tấn giống lươn 4 tháng tuổi, người nuôi mang về “nuôi dặm” thêm 5 - 6 tháng là xuất bán, giá 145 - 185 ngàn/kg khi mỗi con đạt trọng lượng từ 200 g trở lên.

Ông Hồ Hùng (xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn) cho biết, ông mua 100 kg lươn giống giá 180 ngàn/kg tổng cộng 18 triệu. Nuôi trong 5 tháng thì 1 kg giống sẽ cho 10 kg thịt, như vậy 100 kg giống nuôi sẽ được 1 tấn lươn thịt trị giá thấp nhất là 145 triệu đồng. Sau khi trừ tiền khoảng 4,5 tấn thức ăn (cá biển, cá tạp, giá 5.000 đ/kg) hết 22,5 triệu cộng với 18 triệu tiền giống; còn lại 100 triệu đồng là chi phí điện nước, công chăm sóc và lãi. “Nhờ anh Sơn chuyển giao kỹ thuật nên tôi mới biết cách nuôi lươn không bùn. Mặt bằng không đòi hỏi nhiều, chỉ cần 20 m2 là nuôi được. Đợt trước, tôi thả 5.000 con, lãi khoảng 60 triệu, đợt này chuẩn bị thả vào tháng 11 với 10.000 con”.

Nhờ nghề cho sinh sản rắn ráo trâu và các động vật hoang dã (ĐVHD) khác, mỗi năm thầy giáo Đoàn Kim Sơn có thu nhập hàng tỷ đồng, đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 40 lao động địa phương. Các con giống ĐVHD ở đây đều có giấy tờ chứng nhận nguồn gốc rõ ràng nên người nuôi an tâm trong quá trình vận chuyển cũng như tiêu thụ. Thế nên, không ngạc nhiên khi ngày 15/10/2012 mới đây, anh vinh dự đón nhận giải thưởng “Khi tổ quốc cần năm 2012 - Đội, nhóm trưởng thanh niên làm kinh tế giỏi” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam trao tặng.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm