| Hotline: 0983.970.780

Quảng Nam: Lại ào ạt phá rừng khai thác titan

Thứ Ba 06/12/2011 , 12:28 (GMT+7)

Tạm lắng một thời gian, những ngày gần đây hàng trăm người dân lại đổ về tàn phá rừng phòng hộ ven biển để khai thác quặng titan trái phép.

Tạm lắng một thời gian, những ngày gần đây hàng trăm người dân lại kéo về thôn Trung Phường (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) tàn phá rừng phòng hộ ven biển để khai thác quặng titan trái phép.

17 giờ chiều 4/12, ngay sau khi nhận được thông tin do bạn đọc cung cấp, chúng tôi lập tức có mặt tại bờ biển Cửa Đại – Đồi Môm thuộc địa phận thôn Trung Phường, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Lúc này, những người khai thác quặng trái phép đã rút khỏi hiện trường.

Khảo sát quanh khu vực được cho là “điểm nóng” ấy, chúng tôi thấy hàng nghìn dấu chân người vẫn còn in mới toanh trên cát, đoạn bờ bao chắn sóng dài ít nhất 1 km bị sạt lở nghiêm trọng, đào bới nham nhở với những hố sâu hoắm. Đáng nói hơn, rất nhiều diện tích rừng phòng hộ (gồm dừa Thái Lan và dương liễu) đã biến mất.

Bà Nguyễn Thị Năm, một người dân có nhà nằm sát bờ biển bức xúc: “Khoảng giữa tháng 11 dương lịch đến nay, hàng trăm người dân từ khắp nơi trong và ngoài xã Duy Hải ào ạt kéo về đây dùng rựa, cuốc, xẻng ngang nhiên tàn phá rừng phòng hộ, khai thác quặng titan rồi đổ vô bao tải chở đi. Không chỉ ban ngày, đêm nào cũng vậy, từ 19 giờ tối đến 3 giờ sáng là tình trạng này càng diễn ra tấp nập hơn. Tiếng người la ó, tiếng xe máy, xe tải chở quặng chạy ầm ầm làm dậy cả xóm làng. Lo sợ bờ biển bị xói lở nặng, đe dọa đến nhà cửa, vườn tược, tính mạng, gia đình tui và những hộ xung quanh đón tre rào đường lại nhưng vẫn không thể ngăn cản được các đối tượng khai thác quặng trái phép”.

Ông Võ Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, cách đây chừng vài tháng, tình trạng khai thác quặng titan trái phép tại khu vực bờ biển Cửa Đại – Đồi Môm qua địa phận thôn Trung Phường đã từng xảy ra rất rầm rộ. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động kết hợp với việc tổ chức các cuộc truy quét thường xuyên nên sau một thời gian thì ngăn chặn được. Tạm yên chưa bao lâu, những ngày gần đây, hàng trăm đối tượng lại kéo nhau về nơi này triệt hạ rừng phòng hộ, đào bới tìm kiếm quặng titan để bán lại cho các đầu nậu tại địa phương.

 Ông Toan nói: “Do số lượng người tham gia khai thác quá nhiều, lại diễn ra chủ yếu vào ban đêm, trong khi đó lực lượng công an, quân sự, dân quân của xã quá mỏng nên không thể chặn đứng được. Hễ cơ quan chức năng địa phương xuất hiện thì các đối tượng khai thác quặng trái phép im hơi lặng tiếng, khi rút đi thì họ lại hoành hành”. Nhiều người dân sống gần khu vực bờ biển Cửa Đại – Đồi Môm nói vui rằng, cái cách đẩy đuổi “quặng tặc” của chính quyền và ngành liên quan ở xã Duy Hải này không khác gì đuổi bầy gà đang mổ những đống gạo nằm vương vãi dưới nền đất. Xua nó chạy, quay lưng đi, nó lập tức quay lại. Cứ thế, như một vòng luẩn quẩn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn Duy Hải có rất nhiều đầu nậu tổ chức thu mua quặng titan có lẫn tạp chất với giá 600 đồng mỗi ký. Sau khi gom đủ hàng, các đối tượng này dùng xe tải lớn chở toàn bộ khối lượng vào cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) bán cho một công ty với giá lên đến 1.400 đồng/kg.

 Ông Đỗ Thanh Tiến, Trưởng Công an xã Duy Hải thông tin, tối ngày 3/12 vừa qua, sau nhiều giờ tổ chức mai phục, lực lượng của đơn vị này đã chặn bắt ô tô tải mang biển kiểm soát 92H – 1076 do ông Phạm Văn Hùng (trú thôn An Lương, xã Duy Hải) điều khiển vận chuyển cả một xe quặng titan đầy ắp. Được biết, chiếc xe này mới rời khỏi điểm tập kết quặng chừng vài trăm mét thì bị tóm.

+ “Những ngày qua, tại thôn Trung Phường, có đến 95% hộ dân tham gia khai thác quặng titan trái phép. Chỉ 5% còn lại không vác cuốc, xẻng đi đào bới là những gia đình có nhà cửa nằm sát bờ biển (vì sợ sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ) và các cán bộ”, ông Đỗ Thanh Tiến, Trưởng Công an xã Duy Hải.

 

 

+ Cả ngày 5/12, dạo khắp thôn Trung Phường và một số địa phương lân cận của xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) chúng tôi thấy trước sân của hàng trăm nhà dân nằm ven đường có rất nhiều bao tải chứa đầy quặng titan đang được tập kết một cách công khai, chờ thời điểm thuận lợi đưa đi tiêu thụ...
Trước đó, công an xã Duy Hải cũng đã bắt giữ 2 xe ô tô khác đang tải  quặng đi tiêu thụ. Theo ông Tiến, cả chủ và lái xe của 2 ô tô này đều là người địa phương. Ông Tiến lắc đầu: “Khi chặn bắt được những xe tải vận chuyển quặng titan trái phép này, chúng tôi chỉ buộc họ đổ quặng xuống trước sân cơ quan xã chứ đâu có quyền giam giữ phương tiện vi phạm. Còn mức phạt hành chính thì tối đa không quá 2 triệu đồng (theo quy định mới, Chủ tịch UBND xã mới có thẩm quyền ra quyết định) nên không thể đủ sức răn đe”.

Xử phạt quá nhẹ, thả phương tiện vi phạm ngay lập tức, thử hỏi làm sao các đầu nậu và chủ xe không “nhờn thuốc”. Bởi, nếu vận chuyển trót lọt, các đối tượng này thu về món lợi gấp bội lần số tiền họ bị phạt.

Chuyện phá rừng phòng hộ, ào ạt khai thác quặng titan trái phép ở xã Duy Hải đã từng được báo chí phản ánh. Và, dĩ nhiên chính quyền huyện Duy Xuyên cũng như các cơ quan hữu trách ở tỉnh Quảng Nam không thể không hay biết. Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao tình trạng ấy vẫn cứ tiếp tục tái diễn? Nhiều người cho rằng, nếu thời gian tới, các đơn vị liên quan không nhanh chóng đưa ra những biện pháp mạnh thì chắc chắn dãy rừng phòng hộ ở thôn Trung Phường sẽ bị xóa sổ, quặng titan - nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá của quốc gia cũng sẽ cạn kiệt dần.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”! 

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm