| Hotline: 0983.970.780

Rộn rã mùa thu hoạch mắc ca

Thứ Tư 07/09/2016 , 10:57 (GMT+7)

Anh Đồng Hữu Công ở Kbang, Gia Lai có tới 13ha mắc ca xen cà phê. Với những lứa mắc ca trồng sớm, năm nay anh thu hoạch được 2 tấn hạt. Anh mừng lắm. Từ nay trở đi, nguồn lợi từ mắc ca sẽ tăng dần lên...

Tôi từ Tây Nguyên bay ra, rất ngỡ ngàng khi đọc bài báo “Dân khốn đốn vì vườn mắc ca chỉ tốt lá, không ra quả!” (Báo NNVN, ngày 23/8). Trong lúc tâm trạng tôi lại đang trào dâng niềm hân hoan vì hàng loạt gia đình trồng mắc ca cũng ở Tây Nguyên đang hết sức phấn khởi do vụ thu hoạch mắc ca năm nay của họ thắng lớn. Chính mắt tôi đã chứng kiến…

Đọc kỹ bài báo mới biết, bà con mình ở một loạt xã tại huyện Lâm Hà (như Liên Hà, Tân Hà, Tân Thanh, Đan Phượng) đã mua phải giống mắc ca rởm. Việc này đã có cách đây 5 - 6 năm rồi. Người ta đã phát hiện và báo chí đã lên án chính công ty đã bán giống rởm cho bà con. Họ có tiến hành ghép đâu!

Họ lấy cây thực sinh (cây gieo từ hạt) và khứa một vết lên thân để tạo sẹo. Bà con ta tưởng là vết ghép. Họ bán rẻ, thế là bà con ta tranh nhau mua. Để đến bây giờ… lại muốn chặt! Tôi thấy tiếc quá! Cả huyện đã trồng tới gần 50ha, cây đã được 5 - 6 tuổi. Đáng lý mùa này nhà nào cũng thắng to. Ai ngờ lại như thế này…

Chúng ta biết rằng riêng với mắc ca, ta phải trồng từ cây ghép. Nếu trồng cây thực sinh sẽ gặp hai nhược điểm: Thứ nhất, cây rất lâu mới ra quả. Có khi tới 6 - 7 năm nó mới ra hoa. Thứ hai, ta không khẳng định được chất lượng và năng suất của quả vì cây được gieo từ hạt. Hạt giống như đứa con của chúng ta.

Đứa con có thể giống bố, có thể giống mẹ hoặc lại mang những tính trạng khác do sự sắp xếp lại gen. Các nước đã trồng mắc ca đều khẳng định rằng, mắc ca phải trồng từ cây ghép, không nên trồng từ cây thực sinh. Nhưng bây giờ ở Lâm Hà, bà con đã nhỡ trồng được 5 - 6 năm rồi, chặt đi thì tiếc quá!

c-2203251394

 

Ta có thể khắc phục sai sót này bằng việc ghép cải tạo giống. Ta chặt thân cây cách mặt đất độ 2m. Phạt hết các cành trên cây. Để cho chồi mới mọc ra. Dùng mắt của các cây mắc ca tốt ghép vào các cành non đó. Nuôi các mắt này để tạo nên các thân mắc ca mới. Việc này làm rất tốn công nhưng ta sẽ tận dụng được bộ rễ đã 5 - 6 năm rồi. Vất vả đấy nhưng còn hơn là chặt bỏ. Lỗi này một phần cũng tại ta nên bà con cố gắng khắc phục.

Bà con có thể liên hệ với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam để được giúp đỡ. Từ nay trở đi, đã trồng mắc ca thì phải mua giống ghép của các đơn vị có uy tín, tránh mua phải giống rởm bán trôi nổi hoặc ở các cơ sở thiếu trách nhiệm.

Riêng ở Lâm Đồng, xin bà con tới vườn ươm giống mắc ca của Cty Him Lam đóng tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương. Đây là một vườn ươm hiện đại và khổng lồ. Họ có nguồn cây đầu dòng tốt nên đã nhân được hàng chục vạn cây mắc ca đạt yêu cầu cao. Họ sẽ ký hợp đồng trách nhiệm với bà con để đảm bảo cây giống là giống tốt. Mọi việc cần rõ ràng, trách nhiệm phải rất cao để bà con có được những mùa thu hoạch mắc ca rộn rã như những đơn vị đang thu hoạch mắc ca hiện nay.

Tại vườn mắc ca của Cty Vinamacca trồng ở Mađrăc, năm nay đã được 5 năm tuổi. Đó là một vườn mắc ca quy củ. Tuy đất ở đó không tốt, việc tưới nước không được tiến hành (vì vườn hoàn toàn nhờ nước trời) nhưng ngay từ năm thứ ba nó đã cho thu hoạch. Tới năm nay sẽ được 5 tuổi, dù phải vượt qua một thời kỳ hạn hán khốc liệt của Tây Nguyên nhưng nó vẫn cho năng suất tốt.

Giám đốc Hoàng Tùng cho tôi biết: Tuy chưa hết vụ nhưng họ đã thu được 15 tấn hạt. Với đà này, họ dự kiến năm tới sẽ thu được từ 20 - 25 tấn hạt. Tôi lại nghĩ tới bà con ở Lâm Hà. Giá có được giống tốt thì bà con ở đó bây giờ giàu to rồi.

20-06-02_vuon-giong-mc-c-2

 

Bác Đinh Minh Đại ở Eaka, Krông Năng, Đăk Lăk, cứ gọi điện mời tôi đến thăm. Cả gia đình bác đã trồng xen mắc ca với cà phê được 12ha. Mắc ca vươn lên, che bóng cho cà phê. Nương cà phê vừa tốt mà lại được thu cả mắc ca. Với lứa mắc ca trồng trước, nay đã được 5 năm tuổi. Vụ này bác thu hoạch được 5 - 6 tấn hạt. Bác vui lắm! Với đà này, khi tất cả mắc ca ở vườn nhà bác đã tới tuổi ra quả thì nguồn thu sẽ rất lớn. Bà con nên thu xếp tới tận vườn của bác Đại mà xem. Chắc rằng, ai cũng sẽ thích.

Anh Đồng Hữu Công ở Kbang, Gia Lai có tới 13ha mắc ca xen cà phê. Với những lứa mắc ca trồng sớm, năm nay anh thu hoạch được 2 tấn hạt. Anh mừng lắm. Từ nay trở đi, nguồn lợi từ mắc ca sẽ tăng dần lên. Khi vào mùa mắc ca, ở cả 13ha ấy đều cho quả thì anh thu bội tiền. Cây càng lớn, càng cho nhiều quả. Mà mắc ca có thể cho ta thu quả tới 50 - 60 năm.

Một trong những gia đình trồng mắc ca đầu tiên ở Đăk Lăk là gia đình anh Đinh Xuân Thu ở Krông Năng. Anh Thu chỉ trồng có 200 cây. Cây của anh đã được 10 tuổi. Năm nay anh thu được 2 tấn hạt. Nếu vườn cà phê nào cũng lấy mắc ca làm cây che tán thì thu hoạch từ mắc ca lại còn cao hơn cả cà phê.

Một địa chỉ mà ai tới thăm cũng hết lời ca ngợi là gia đình bác Nguyễn Đức Ba ở Đơn Dương, Lâm Đồng. Vườn mắc ca của bác đã được 9 - 10 tuổi. Cây nào cũng đầy quả. Hai ông bà già chỉ có việc đi nhặt quả quanh vườn mà cũng thu được bạc tỷ! Toàn bộ cơ ngơi khang trang của bác được xây từ mắc ca…

Bác Nguyễn Hữu Hòa ở Lâm Hà, Lâm Đồng, cũng là một điển hình tốt. Gia đình bác lặn lội ra tận Hà Nội để đưa giống mắc ca về trồng xen với cà phê. Được 3 năm, chúng ra bói. Tới nay, mắc ca của bác rất tốt, thu hoạch khá hơn các loại cây khác nhiều.

c-8203318827

 

Gần nhà bác Hòa có anh Nguyễn Hữu Việt. Anh cũng trồng mắc ca. Với 200 cây trồng lứa đầu, năm nay anh thu được hơn 2 tấn hạt. Anh đang trồng thêm 300 cây nữa. Với 500 cây mắc ca, sau này chỉ việc “ngồi chơi… xơi mắc ca”.

Anh Trần Phúc Nguyên ở Đam Rông, Lâm Đồng, là một nông dân cao lớn, có bộ râu như ông Phi-đen ở Cuba. Năm nay anh bắt đầu được thu mắc ca. Sản lượng mới được 1 tấn, nhưng anh sẽ trồng khoảng 500 - 600 cây nữa. Như vậy thì chắc chắn sẽ giàu to.

Rất nhiều cơ sở trồng mắc ca ở Đắk Nông đã có cây ở tuổi 3, tuổi 4. Chúng bắt đầu cho thu hoạch. Anh em bên đó đang có kế hoạch trồng thêm hàng trăm hecta mắc ca nữa.

Ngược ra phía Bắc, tôi tới thăm anh Pham Hữu Tú ở Thành Mỹ, Thạch Thành, Thanh Hóa. Anh đã trồng 300 cây mắc ca trong các khu đồi quanh nhà. Năm nay, bước đầu anh đã thu được 4 tấn hạt. Anh đang tự làm giống để cung cấp cho bà con trong vùng. Tôi nhắc anh: “Ngoài này có mưa xuân, mắc ca sẽ đậu quả kém đấy”. Anh cười và bảo: “Ở đây thì làm sao mắc ca tốt được như ở Tây Nguyên. Nhưng cũng có loại cây nào ở đây cho thu nhập cao hơn mắc ca đâu!”. Anh đang tính, để cho bà con cả vùng trồng mắc ca như anh.

Vòng lên Sơn La, tôi tới thăm vườn của bác Đường Văn Thông ở ngoại ô thành phố Sơn La. Từ xa ta đã thấy vạt mắc ca của bác mọc tươi tốt trên đồi. Tôi cứ nghĩ: Giá như tất cả các quả đồi này đều được phủ kín mắc ca thì sẽ là một bước đi ngoạn mục cho Sơn La. Nó chắc chắn hơn ngô, hơn sắn… Bác Thông cho tôi biết, năm nay đã thu hoạch được 1,6 tấn quả rồi.

Tại Sơn La, tôi cũng tới thăm cơ sở sản xuất của trại 05 - 06. Anh em học viên ở đây đã trồng mắc ca rất tốt. Cây ở đây vốn đã được 5 - 6 tuổi. Giám đốc Hạnh cho tôi biết: Bây giờ mới bắt đầu thu quả. Trung bình mỗi cây cũng cho thu được 50 - 60kg.

Tôi đi tiếp lên Lạng Sơn và tới thăm cơ sở trồng mắc ca của anh Lục Văn Bằng - Giám đốc Công ty Cổ phần Định Sơn. Anh đang muốn chuyển từ ngành xây dựng sang trồng cây. Anh đưa mắc ca lên đồi. Đất ở đây xấu nhưng anh quyết cải tạo. Người ta vẫn bảo rằng, ở Lạng Sơn mưa nhiều, mắc ca không đậu quả. Thế nhưng, tại vườn của anh Bằng, mắc ca vẫn ra đầy quả. Tuy anh chưa chú ý chăm sóc cho vườn mắc ca, có chỗ cỏ cao tới ngực, thế mà mắc ca vẫn sai. Như vậy, ở Lạng Sơn vẫn có thể canh tác được mắc ca…

Từ trên đỉnh đồi biên giới phía Bắc, ta thả tầm mắt về phương Nam. Bao đổi thay đang diễn ra trên đất nước chúng ta. Một Chính phủ năng động và vì dân đang vận hành đất nước. Hãy phát huy mọi tiềm năng để đưa quê hương của chúng ra đi lên. Hy vọng, cây mắc ca sẽ đóng góp nên sự nghiệp vinh quang này!

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm