| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa quyết tâm chuyển đổi 27.000 ha đất lúa

Thứ Hai 27/03/2017 , 09:25 (GMT+7)

Thanh Hóa có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, dân số đông. Những năm qua tỉnh duy trì khoảng 140.000 ha đất lúa, tổng diện tích gieo trồng hàng năm trên 250.000 ha (2 vụ), sản lượng đạt từ 1,35 - 1,4 triệu tấn...

Chuyển đổi đất lúa là chủ trương lớn, có yếu tố tiên quyết trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Liên quan vấn đề này, PV NNVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa để nắm rõ thực trạng và kế hoạch triển khai của địa phương thời gian tới.

16-52-28_1
Ông Nguyễn Đức Quyền, PCT UBND tỉnh khẳng định, đến năm 2020 Thanh Hóa sẽ chuyển đổi 27.000 ha đất lúa
kém hiệu quả

 

Là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp của khu vực Bắc Trung bộ, xin ông cho biết Thanh Hóa bố trí bao nhiêu diện tích đất để trồng lúa? Kế hoạch chuyển đổi của địa phương trong thời gian tới ra sao?

Thanh Hóa có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, dân số đông. Những năm qua tỉnh duy trì khoảng 140.000 ha đất lúa, tổng diện tích gieo trồng hàng năm trên 250.000 ha (2 vụ), sản lượng đạt từ 1,35 - 1,4 triệu tấn, đảm bảo hiệu quả nhu cầu về lương thực hàng hóa và chế biến thức ăn chăn nuôi.

Sau khi rà soát, đánh giá hiện trạng, tỉnh đã ban hành phương án chuyển đổi giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đến năm 2020 chuyển 27.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng chuyên ngô, cây thức ăn chăn nuôi xanh, trồng mía, rau quả, cây ăn quả, lúa - cá kết hợp cũng như chuyển sang các đối tượng cây trồng khác. Cụ thể, năm 2016 chuyển 4.705 ha, năm 2017 chuyển 4.954 ha, năm 2018 chuyển 5.683 ha, năm 2019 chuyển 5.738 ha và năm 2020 là 5.920 ha.

Chúng tôi xác định chuyển đổi đất lúa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân trên cùng đơn vị canh tác và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các cấp ủy chính quyền, ngành chuyên môn đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ. Quá trình triển khai nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp nên hiệu quả bước đầu rất khả quan: năm 2016 chuyển đổi hiệu quả 4.286,3 ha; vụ xuân năm 2017 giảm thêm 2.929 ha. Nhiều mô hình sau chuyển đổi mang lại giá trị kinh tế cao, thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/ha/vụ (trồng ớt, khoai tây xuất khẩu…).

16-52-28_2
Ông Nguyễn Đức Quyền thăm và kiểm tra tình hình sản xuất tại huyện Thiệu Hóa

 

Thanh Hóa nên duy trì bao nhiêu diện tích đất lúa và định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng nào? giữa nông nghiệp truyền thống và nông nghiệp hữu cơ, cái nào giữ vị trí chủ đạo?

Như đã nói, đến năm 2020 Thanh Hóa xác định giảm khoảng 27.000 ha đất trồng lúa, tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm duy trì khoảng 230.000 ha, tổng sản lượng lương thực đạt 1,5 triệu tấn/năm.

Để đạt mục tiêu trên, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng đến việc nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp; quy hoạch diện tích đất trồng lúa và các loại cây trồng để xây dựng kế hoạch chuyển đổi phù hợp; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và chế biến.

Toàn tỉnh hướng đến mục tiêu tạo chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có tiềm năng, lợi thế. Phấn đấu đạt tốc độ tăng GTSX toàn ngành 5%/năm trở lên; cơ bản hình thành được nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, CNC chiếm tỷ lệ 50% trở lên. Đối với trồng trọt, cơ cấu giá trị theo hướng giảm tỷ trọng lúa từ 50,5% năm 2013 xuống 46,6% năm 2025; mía giảm từ 10,4% xuống 9,4%; chuyển sang phát triển các cây trồng có giá trị, hiệu quả cao hơn, tạo ra tỷ trọng trong sản xuất trồng trọt đạt 46% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Đối với sản xuất NNCNC và nông nghiệp hữu cơ, Thanh Hóa tập trung ứng dụng khoa học công nghệ trên diện rộng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh, nâng dần tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC, phấn đấu đạt 32,7% năm 2020 và trên 50% vào năm 2025.

16-52-28_3
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT kiểm tra tiến độ sản xuất vụ đông 2016 tại huyện Thiệu Hóa

 

Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, vụ xuân 2017 toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi thành công 2.999/4.954 ha diện tích đất lúa kém hiệu quả, chiếm tỷ lệ trên 60% KH cả năm. Quá trình triển khai, nhiều huyện thực hiện quyết liệt, đi đầu là Yên Định (300 ha), Triệu Sơn (210 ha), Hoằng Hóa (300 ha), Quảng Xương (200 ha), Thọ Xuân (100 ha)…

Để cụ thể hóa mục tiêu, địa phương sẽ đầu tư và ban hành các cơ chế chính sách thiết thực, tập trung vào những vấn đề trọng tâm: Triển khai xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Lam Sơn - Sao Vàng tại huyện Thọ Xuân, quy mô 1.200 ha; Khu nông nghiệp CNC tại thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, quy mô 1.800 ha; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung tại 25 xã ven đường Hồ Chí Minh thuộc 6 huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Thường Xuân và Như Xuân với diện tích tự nhiên 71.250 ha. Từ cơ sở đó sẽ phát triển thành các vùng sản xuất lúa (75.000 ha), ngô thâm canh (20.000 ha), mía (7.000 ha), rau an toàn (1.000 ha), cây ăn quả (6.000 ha), cây thức ăn chăn nuôi (4.000 ha) ứng dụng CNC.

Tại hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước vẫn đang tồn tại một xu thế chung là tập trung quá nhiều diện tích đất nông nghiệp để trồng lúa, điều này dẫn đến việc hàng nghìn ha lúa cấy cưỡng thường xuyên bị ngập úng, nhiễm mặn, thiếu nước tưới, hiệu quả không cao. Thanh Hóa cần làm gì để giải quyết thực trạng này?

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là một vấn đề khó, bởi dẫu sao sản xuất lúa gạo cũng gắn kết với người nông dân từ hàng ngàn năm, đã tạo ra thói quen, tập quán canh tác ăn sâu bén rễ vào tiềm thức, để thay đổi cần phải có thời gian.

Phải nói thêm là cơ sở hạ tầng hiện nay chủ yếu phục vụ cho quá trình sản xuất lúa gạo, diện tích đất canh tác của từng hộ gia đình còn ít, thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản khác lại thiếu ổn định.

Để gỡ bỏ nút thắt, UBND tỉnh đã xây dựng phương án chuyển đổi, trong đó đề ra 5 yêu cầu, 4 nguyên tắc, 7 nhiệm vụ và 8 nhóm giải pháp chi tiết cụ thể để thực hiện.

16-52-28_4
Giai đoạn 2016 – 2020, Thanh Hóa tập trung chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả

 

Về yêu cầu, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật về quản lý đất đai và quy hoạch. Việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện phải được bàn bạc công khai, dân chủ. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phải gắn chặt với thị trường, hình thành liên minh sản xuất nông nghiệp giữa doanh nghiệp và hợp tác xã để hạn chế rủi ro.

Về giải pháp, bên cạnh việc tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thông qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân, cần tiếp tục rà soát, xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể và quy hoạch các sản phẩm đặc thù; xác định các đối tượng cây, con phù hợp, xây dựng công thức luân canh trên từng vùng, từng chân đất; đẩy mạnh việc nghiên cứu, tiếp nhận và ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; xúc tiến thương mại và kêu gọi thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư hoặc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Để đưa các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ vào thực tiễn, việc tích tụ ruộng đất cho các nhà đầu tư là yếu tố khá quan trọng, Thanh hóa giải quyết vấn đề này ra sao?

Tích tụ ruộng đất giữ vai trò quan trọng trong việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Đây là chủ trương lớn, quy mô, đòi hỏi phải có định hướng, lộ trình bài bản mới giải quyết được tận gốc của vấn đề. Hiện tỉnh đang giao cho Sở NN-PTNT xây dựng đề án thực hiện giai đoạn 2017-2020.

16-52-28_6
Chuyển đổi sang trồng cây ăn quả là một trong những nội dung tỉnh Thanh Hóa đề ra

 

Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa thường xuyên chủ động ban hành nhiều chính sách, chủ trương thiết thực để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư. Lúc này, Cty CP Mía đường Lam Sơn đang thuê hàng trăm ha đất sản xuất lúa gạo, Cty CP Công nông nghiệp Tiến Nông đang xây dựng nhà máy sản xuất và chế biến lúa gạo ở huyện Triệu Sơn, Cty An Việt đầu tư liên kết sản xuất và thu mua khoai tây Marabel với quy mô hàng trăm ha/vụ...

Thời gian tới, Thanh Hóa xác định phải thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng; phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo chuyển biến căn bản về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh; xây dựng hoàn chỉnh các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tranh thủ huy động tối đa mọi nguồn lực, kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án của Nhà nước, của tỉnh tiến hành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Hai là, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục hành chính rườm rà; tăng cường xúc tiến thương mại giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư trong sản xuất nông nghiệp; vận động cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, doanh nghiệp là người Thanh Hóa đang làm xa và các doanh nghiệp khác tham gia đầu tư sản xuất.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.