| Hotline: 0983.970.780

Thất nghiệp vì...dịch tai xanh

Thứ Hai 23/08/2010 , 09:49 (GMT+7)

Hơn nửa tháng nay, nhiều gia đình khác ở Quảng Nam cũng lâm vào cảnh túng quẫn, thất nghiệp vì dịch tai xanh bùng phát.

Không chỉ hàng nghìn người chăn nuôi khốn đốn do đàn heo bị nhiễm bệnh, phải tiêu hủy bắt buộc, hơn nửa tháng nay, nhiều gia đình khác ở Quảng Nam cũng lâm vào cảnh túng quẫn, thất nghiệp vì dịch tai xanh bùng phát.

Từ sáng đến trưa, bưng mủng bắp luộc nặng trịch đi rao khắp chợ Vĩnh Điện nhưng chị Phạm Thị Thắm (xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cũng chỉ bán được vỏn vẹn 12 trái. Mồ hôi nhễ nhại, ngồi thở dốc dưới tán cây bàng, giọng chị Thắm buồn thiu: “Chồng đau liên miên, 4 đứa con đều còn thơ dại, nếu tôi không làm, biết lấy tiền đâu mua mắm muối và lo chuyện học cho tụi nhỏ. Ác thiệt, dịch tai xanh ập tới, quầy thịt heo dẹp gần 3 tuần nay nên kinh tế gia đình đã bức bí”.

Gần 10 năm qua, bình quân một ngày quầy của chị Thắm bán được khoảng 35 kg thịt và lòng heo, trừ tiền nộp thuế và thuê chỗ, người phụ nữ 45 tuổi này lãi không dưới 90 nghìn đồng. Nay, do lệnh cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo và các sản phẩm từ heo thực thi nghiêm ngặt nên chị phải ngậm ngùi... treo dao, treo thớt. Để có gạo đổ nồi và lo thuốc men cho chồng, những ngày qua chị Thắm lặn lội khắp nơi mua bắp về luộc bán. Tuy nhiên, cái nghề mới đầy bất đắc dĩ này cũng chỉ mang lại cho chị 15 nghìn đồng tiền lời mỗi ngày.

Chị Thắm lắc đầu ngao ngán: “Ngần đó tiền, làm răng mà nuôi được 6 miệng ăn. Nhưng, có còn hơn không mà”. Đâu riêng chị Thắm, ở cái chợ Vĩnh Điện này còn cả chục chủ quầy kinh doanh thịt heo khác cũng chung cảnh ngộ. Họ đang loay hoay chuyển đổi nghề để kiếm ít tiền trang trải cuộc sống...

Trước sự lây lan quá nhanh của dịch tai xanh, cách đây 7 ngày, chợ heo Bà Rén (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) chính thức “cấm cửa”. Suốt cả tuần qua, hàng trăm người buôn và lao công ở chợ heo lớn nhất nước này thực sự điêu đứng. Thất nghiệp, muốn có cái ăn, kẻ nấu đậu hủ gánh đi bán dạo, người ra Đà Nẵng xin làm phụ hồ. Nói chung là mỗi người phải tự tìm một nghề để cứu mình trong cái thời buổi khốn khó này.

Tính đến nay, anh Nguyễn Quang (thôn Thạnh Mỹ, xã Quế Xuân 1) làm nghề bốc vác tại chợ heo Bà Rén đã tròn 15 năm. Anh bảo, lúc dịch chưa bùng phát, có bèo mấy mỗi ngày cũng kiếm được 75 nghìn đồng. Còn bây giờ, chợ heo ngưng hoạt động, ai kêu gì làm nấy nên thu nhập rất bấp bênh, thậm chí có ngày chẳng được xu nào. Anh Quang thở dài: “Trưa hôm qua, vừa đi xếp lớp về, hai đứa con chạy lại xin tôi 800 nghìn nộp tiền trường. Không một đồng dính túi, chạy quanh xóm mượn chẳng được, tôi đành nói vợ kéo 3 bao lúa cuối cùng đi xay gạo bán. Dịch tai xanh cứ trở đi, trở lại hoài, kiểu ni chắc sẽ còn thất nghiệp dài dài, chú mi ơi!”...

Xem thêm
Quan điểm trái chiều về kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực chăn nuôi

Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị chưa đưa lĩnh vực, cơ sở chăn nuôi vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính trong giai đoạn hiện nay.

Cục trưởng Cục Thú y: ‘Không có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật’

Trước thông tin có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đã đối thoại với các doanh nghiệp để làm rõ tin đồn này.

Trồng sầu riêng nghịch vụ, kiếm tiền tỷ mỗi năm

CẦN THƠ Một kỹ sư nông nghiệp có bí quyết xử lý sầu riêng nghịch vụ, tận dụng khoảng trống thị trường để bán được giá cao, mang về doanh thu tiền tỷ mỗi năm.

Lãi gấp đôi khi chuyển sang trồng rau thủy canh

HẢI PHÒNG Mạnh dạn chuyển sang ứng dụng công nghệ mới trong trồng rau, Hợp tác xã nông nghiệp Thái Sơn đã thu được lợi nhuận gấp đôi bình thường ngay trong vụ đầu tiên.

Bình luận mới nhất