Tại huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng), Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ chăn nuôi Thái Sơn là một trong những đơn vị đi đầu trong liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản và trồng trọt trong những năm qua, giúp các thành viên nâng cao thu nhập.
HTX được thành lập năm 2016, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng rau sạch. Tuy nhiên, từ năm 2018, sau khi nhận thấy việc chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, HTX mới bắt tay đầu tư phát triển trồng rau.
Ban đầu, HTX tập trung nguồn vốn hàng tỷ đồng để xây dựng nhà lưới trồng rau sạch trong khuôn viên với diện tích hơn 1ha và chủ yếu trồng các loại rau ăn lá theo mùa như rau muống, mồng tơi, rau ngót, bắp cải, su hào, dưa chuột… để cung cấp cho các trường học, siêu thị, doanh nghiệp.
Dù có hiệu quả bước đầu nhưng do các hộ chăn nuôi sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu theo hình thức hộ gia đình, số mô hình trang trại sản xuất hàng hóa lớn còn ít nên lượng sản phẩm chưa nhiều, chưa đa dạng. Bên cạnh đó, do chi phí đầu tư lớn nên giá các sản phẩm rau bán ra thị trường thường cao khiến đầu ra gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng này, được Trung tâm Khuyến nông TP Hải Phòng hướng dẫn và hỗ trợ, bà Đồng Thị Doanh – Giám đốc HTX Dịch vụ chăn nuôi Thái Sơn đã mạnh dạn triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thủy canh trong sản xuất rau ăn lá an toàn.
Bước đầu, Trung tâm Khuyến nông TP Hải Phòng triển khai thử nghiệm với quy mô 1.000m2, sản xuất trong nhà lưới, hộ dân được hỗ trợ 40% các vật tư phục vụ việc lắp đặt hệ thống thủy canh như khung giàn, bộ bơm điều khiển, máy đo pH, bộ dinh dưỡng giá thể, hệ thống bơm và thu hồi nước…
Mô hình lắp đặt hệ thống máy bơm tự động bơm dung dịch dinh dưỡng lên tưới trực tiếp vào gốc cây, nước tưới nhỏ giọt, chậm và liên tục. Phần dinh dưỡng thừa sẽ được lọc trở lại bể chứa và tái sử dụng, giúp giảm công chăm sóc, tiết kiệm vật tư, chi phí, lao động.
Bên cạnh việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông TP Hải Phòng còn tổ chức tập huấn, hướng dẫn và chỉ đạo kỹ thuật, cách chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và đóng gói sản phẩm để cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng rau sạch trên địa bàn TP Hải Phòng.
Qua 6 tháng triển khai mô hình, nhiều loại rau ăn lá đã được đưa vào sản xuất như rau cải xanh, cải canh, cải chip, rau xà lách cuộn, xà lách tỉa, rau dền, rau muống…
Chị Đồng Thị Doanh chia sẻ, với thời gian sinh trưởng từ 25 - 35 ngày, năng suất thu được của các giống rau trong mô hình dao động từ 33 - 48 tạ/1.000m2, giá bán vào siêu thị AEON MALL từ 25.000 - 45.000 đồng/kg, lợi nhuận mô hình cao gấp 1,5 lần so với sản xuất trong nhà lưới thông thường.
“Lúc đầu tôi cũng thấy khó nhưng được sự hưỡng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Thành phố nên đã quen dần, giờ thấy cũng khá đơn giản khi vận hành sản xuất, hiệu quả kinh tế lại cao hơn hẳn so với cách canh tác trước đây. Chắc chắn tôi sẽ mở rộng thêm khi tìm thêm được đầu ra”, chị Doanh phấn khởi.
Theo TS Vũ Đức Hạnh (Trung tâm Khuyến nông TP Hải Phòng), trồng thủy canh là kỹ thuật trồng cây trong dung dịch dinh dưỡng hay được gọi là trồng cây trong nước hoặc trồng cây không cần đất. Cây được trồng trên giá thể và trực tiếp hấp thụ dung dịch dinh dưỡng để sinh trưởng và phát triển. Đây là phương pháp trồng cây tiết kiệm diện tích và có thể tận dụng các không gian nhỏ, cao như ở trên tầng thượng, ban công, sân vườn nhỏ...
“Rau trong mô hình chủ động được thời vụ sản xuất, giúp tăng vụ và tránh được các ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài, hạn chế thấp nhất các đối tượng sinh vật gây hại, đồng thời hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, những hóa chất không cần thiết, giúp rau có chất lượng và an toàn hơn”, TS Hạnh chia sẻ thêm.
Rau thủy canh có ưu điểm lớn nhất là an toàn do được trồng trong môi trường nước, dung dịch dinh dưỡng được kiểm soát, chủ động điều chỉnh độ pH, EC hàng ngày nhằm đảm bảo các điều kiện môi trường, dinh dưỡng đầy đủ nhất để cung cấp cho cây trồng mà không dẫn đến tồn dư các hợp chất hóa học trong sản phẩm.