Chinh phục những loài chim quý
Cách đây 10 năm, chàng kỹ sư xây dựng Tô Vũ Thành Tín (32 tuổi) không theo nghề đã học mà về quê ở đội 7, thôn Vạn Hội, xã Ân Tín (huyện Hoài Ân, Bình Định) khởi nghiệp bằng nghề nuôi những loài chim quý như trĩ, công.
Ban đầu, do không có vốn nên anh Tín chỉ mua 62 con chim trĩ hậu bị với giá gần 500.000đ/con và 100 con mới được 2-3 tháng tuổi với giá 250.000đ/con. Tín mua 2 lứa chim có độ tuổi chênh nhau với dụng ý lứa chim lớn vừa đẻ xong là lứa chim nhỏ đến thời kỳ sinh sản để có trứng thu liên tục.
Khi ấy chim trĩ còn rất lạ lẫm với người chăn nuôi Bình Định. Về sống trên vùng đất “nắng nám trái bưởi” trong mùa khô nóng, còn mùa mưa thì trời lạnh đến cắt da. “Lạ nước lạ cái”, khi lứa chim trĩ 100 con mới được 2-3 tháng tuổi đang thay lông thì Hoài Ân vào mùa mưa, trời trở lạnh cắt da cắt thịt.
Không còn bộ lông bảo vệ, theo bản năng sinh tồn, chúng nằm chồng lên nhau để tạo hơi ấm. Thấy vậy, Tín đốt lửa trong chuồng nuôi, cho chúng uống nước nóng để sưởi ấm nhưng chúng vẫn không chịu nổi. Chúng nằm chồng lên nhau, lớp trên đè lớp dưới khiến chúng đua nhau chết. Tình trạng trên kéo dài 1 tháng anh Tín vẫn không tìm ra cách khắc phục.
Trong “cái khó ló cái khôn”, anh Tín chặt lá chuối, lá dừa bỏ vào chuồng để chim trĩ rúc vào né lạnh. Vậy là lũ chim không còn túm tụm nằm đè lên nhau, nên sau đó không còn tình trạng con trên đè con dưới chết ngạt nữa. Tín thở phào khi đã vượt qua khó khăn ban đầu.
Theo kinh nghiệm của anh Tín, nếu nuôi số lượng ít thì từ khi mới nở đến 6 tháng sau là chim mái bắt đầu đẻ trứng, nuôi nhiều thời điểm chim mái rớt trứng chậm hơn. Loài chim trĩ đẻ miệt mài suốt 4 tháng mới nghỉ, nên trong quãng thời gian này chúng không có thời gian ấp trứng.
Do đó, trứng chim trĩ phải được ấp bằng máy. Chim trĩ sinh sản theo mùa, thường mỗi năm chim trĩ mái đẻ 2 đợt, đợt đầu từ tháng 3-4, đợt 2 từ tháng 9-10. Bình quân mỗi năm một con chim mái có thể đẻ từ 70-80 trứng.
“Chim trĩ có dáng vẻ “sang chảnh” là vậy nhưng ăn uống rất đơn giản. Thức ăn của trĩ chỉ là các loại rau xanh, cám gạo, lúa. Giai đoạn chim con và chim thịt thì cho ăn rau, cám nhiều hơn, đến lúc chim đẻ cho ăn lúa nhiều hơn để chim có sức đẻ.
Chim trĩ chỉ khó giai đoạn đầu từ khi nở đến 1 tháng tuổi. Giai đoạn này chúng cần phải được úm đủ nhiệt, nếu úm thiếu nhiệt chúng sẽ lăn đùng ra chết. Lúc mới nở chúng phải được sống trong nhiệt độ cao, 37 độ. Nhiệt độ giảm dần theo thời gian, đến khi chúng được 1 tháng tuổi thì cắt điện”, anh Tô Vũ Thành Tín chia sẻ.
Lãi ròng gần 1 tỷ đồng/năm
Thời gian sau này, anh Tín nuôi thêm chim công và gà cảnh. Hiện tổng đàn cả chim công, chim trĩ và gà cảnh của anh Tín đã lên đến khoảng 2.000 con trên diện tích 3.300m3. Ngoài ra, hiện anh Tín còn nuôi 300 thùng ong dú trên diện tích 90m2. Các sản phẩm mật ong dú Thành Tín và sản phẩm thịt, trứng chim trĩ đều được công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
“Hiện tôi đang nuôi 2 giống trĩ, giống trĩ thường, và chim trĩ 7 màu cùng 4 giống công gồm công xanh Ấn Độ, công má vàng, công trắng và công ngũ sắc. Hiện nay, trĩ thịt được các nhà hàng trong tỉnh Bình Định và các tỉnh láng giềng thu mua rất mạnh.
Trĩ giống bán theo con, tùy theo độ tuổi. Trĩ giống 1 tháng tuổi, người nuôi mua về không phải úm nữa hiện có giá 70.000đ/con, trĩ giống càng to giá càng tăng. Trĩ hậu bị gần đẻ hiện có giá 320.000đ/con. Trong bầy, nhìn con mái nào đẻ yếu là tôi bắt ra bán thịt, hoặc con trống đạp mái yếu cũng được xả bán thịt.
Chim trĩ thịt giá ký hơi hiện nay là 180.000đ/kg, chim trĩ đã làm lông sạch sẽ thì 220.000đ/kg. Trứng trĩ hiện cũng đang được thị trường ăn rất mạnh. Trứng chưa đóng hộp có giá 65.000đ/10 trứng, trứng đã đóng hộp 80.000đ/hộp 10 trứng”, anh Tô Vũ Thành Tín cho hay.
Khi mới khởi nghiệp, Tín phải trực tiếp đi liên hệ với các nhà hàng để tìm mối bán trĩ thịt. Giờ mối hàng đã được hình thành khắp nơi, khách hàng cứ gọi điện nói nhu cầu cần bao chim con trĩ thịt, hoặc bao nhiêu trứng chim trĩ là anh Tín đóng thùng gửi hàng đến tận nơi đúng số lượng khách hàng cần.
Hiện, từ bán chim trĩ thịt, chim trĩ giống, công và chim trĩ 7 màu làm cảnh cùng mật ong dú, sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh Tín thu lãi ròng khoảng gần 1 tỷ đồng.
“Từ khi tham gia HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân, sản phẩm của tôi được HTX bao tiêu và phân phối đến hệ thống siêu thị trong, ngoài tỉnh. Nhờ vậy, sản phẩm bán ra được nhiều hơn, lợi nhuận thu về lớn hơn”, anh Tô Vũ Thành Tín chia sẻ.