| Hotline: 0983.970.780

Kiểm tra về an toàn thực phẩm còn chung chung

Thứ Năm 09/05/2024 , 08:07 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Theo Trung tá Trần Nam Trung, đại diện Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường đánh giá, việc kiểm tra về an toàn thực phẩm hiện còn chung chung, chưa chuyên sâu.

Cơ sở giết mổ tập trung của Công ty CP Chế biến Thực phẩm Xanh Vinh Phát ở quận Kiến An. Ảnh: Đinh Mười.

Cơ sở giết mổ tập trung của Công ty CP Chế biến Thực phẩm Xanh Vinh Phát ở quận Kiến An. Ảnh: Đinh Mười.

Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương vừa làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm TP. Hải Phòng liên quan đến “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024.

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương đánh giá, Hải Phòng đã triển khai tốt kế hoạch, đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, một số thành viên trong Đoàn công tác chia sẻ thẳng thắn những hạn chế của địa phương.

Bà Huỳnh Thị Thanh Bình, Trưởng Phòng Thú y Cộng đồng (Cục Thú y), Phó trưởng Đoàn kiểm tra lấy vị dụ: Đơn cử như khi kiểm tra nhà máy sản xuất chân gà ăn liền của Công ty TNHH Sản xuất Thực phẩm Toàn Cầu tại quận Dương Kinh.

Đây là sản phẩm tiêu dùng ngay, không qua chế biến và rủi ro cao. Tuy vậy, khi làm việc, doanh nghiệp chưa xuất trình được cho đoàn công tác hồ sơ truy xuất nguồn gốc và các hướng dẫn về ISO chưa cung cấp được cho đoàn công tác.

Còn tại Công ty CP Chế biến Thực phẩm Xanh Vinh Phát, đây là cơ sở giết mổ tập trung lớn ở Hải Phòng, dù công suất lò mổ lên đến 500 con/ngày nhưng thực tế hiện chỉ đạt được từ 30 - 45 con, rất lãng phí nguồn lực của cơ sở.

Thời điểm kiểm tra, ngoài việc giết mổ, cơ sở này có chế biến giò, chả, dù khi làm việc với đoàn công tác có cung cấp được giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mặt hàng này nhưng chưa có hồ sơ công bố sản phẩm.

Còn theo Trung tá Trần Nam Trung, đại diện Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường đánh giá, việc kiểm tra về an toàn thực phẩm hiện còn chung chung, chưa chuyên sâu, hiệu quả chưa cao. Trong buổi sáng làm việc tại Hải Phòng, đoàn công tác kiểm tra tại 3 đơn vị với lượng thời gian không nhiều, rất khó để thống nhất và có kết quả chính xác.

“Khi kiểm tra cần chú trọng nguồn gốc đầu vào sản phẩm, phải sạch về pháp lý, chứng từ đầy đủ, sau đó mới là chất lượng sản phẩm. Tuy vậy, như sáng nay đi kiểm tra, mỗi đơn vị được một chút, như thế chưa thể chính xác được”, ông Trung băn khoăn.

Theo Ban Chỉ đạo liên ngành thành phố Hải Phòng, sau khi Trung ương ban hành kế hoạch số 364 về an toàn thực phẩm, toàn thành phố Hải Phòng đã tổ chức 202 lễ phát động, hội nghị triển khai tháng hành động tại 14 quận, huyện và 187 xã, phường. Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm các cấp đã tham mưu, ban hành quyết định thành lập 108 đoàn kiểm tra 3659 cơ sở, 12 ban chỉ đạo cấp huyện, xã và 3 ban quản lý chợ.

Kết quả, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, các đoàn công tác đã kiểm tra hơn 3.000 cơ sở, trong đó có 124 cơ sở chưa đáp ứng quy trình, 13 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính, nộp ngân sách nhà nước hơn 61 triệu đồng.

Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: Niêm yết giá không đúng quy định, không bố trí riêng biệt theo quy định của pháp luật về nơi thay đồ bảo hộ lao động. Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang. Thực hiện không đúng chế độ kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn.

Về vấn đề đoàn công tác yêu cầu làm rõ, Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm Hải Phòng cho biết, khi kiểm tra, các lực lượng chức năng phát hiện 124 cơ sở có lỗi nhưng những lỗi này chưa đến mức xử phạt.

Còn với các hạn chế, vướng mắc khác đã đoàn kiểm tra chỉ ra, Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm thành phố Hải Phòng khẳng định sẽ tiếp thu những hạn chế được chỉ ra và các yêu cầu hợp lí của Đoàn công tác đưa ra.

Ông Nguyễn Văn Hoãn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hải Phòng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc với đoàn kiểm tra. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Văn Hoãn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hải Phòng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc với đoàn kiểm tra. Ảnh: Đinh Mười.

Trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có hơn 24.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có gần 3.000 cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm, hơn 5.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm, hơn 10.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại Hải Phòng được kiện toàn từ cấp thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp do Chủ tịch UBND các địa phương phụ trách, trực tiếp điều hành và chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được quan tâm, các sở, ngành, địa phương, đơn vị đã tích cực phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý trên địa bàn, công tác bảo tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã có nhiều chuyển biến.

Từ đầu năm 2024 đến nay, ngoài bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và mùa lễ hội, trên địa bàn Hải Phòng chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể đông người, không có ca tử vong do ngộ độc thực phẩm, không xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm.

Dù vậy, việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn còn tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm, còn nhiều vấn đề an toàn thực phẩm chưa được giải quyết, do đó cần tiếp tục triển khai các biện pháp cụ thể, mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ hơn nữa.

Số cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn Hải Phòng hiện nay có gần 6.000, trong đó có 664 cơ sở cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo Thông tư số 38 năm 2018 và Thông tư số 32 năm 2022 của Bộ NN-PTNT và hơn 5.000 cơ sở (910 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ) thuộc diện ký cam kết theo Thông tư số 17 của BNN-PTNT.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Dưa chuột nếp Hà Trung giòn, thơm, ngọt mát

THANH HÓA Giống dưa chuột nếp Hà Trung trồng theo hướng VietGAP giòn, thơm, ngọt mát, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn các ruộng sản xuất bên ngoài từ 18 - 20%.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.