Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre tổ chức giới thiệu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Đề tài do Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (thuộc Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch - Bộ NN-PTNT) chủ trì thực hiện.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Vĩnh Phúc, Chủ nhiệm đề tài, quy trình công nghệ sơ chế và bảo quản trái bưởi da xanh sau khi thu hoạch, vận chuyển từ nhà vườn về đến kho gồm các bước theo thứ tự: Phân loại, rửa, thổi khô, phủ chế phẩm, bọc màng co và đóng thùng.
Quả bưởi sau khi phân loại, chọn lựa sơ bộ được đưa vào bể ngâm sục khí clorine trong khoảng 2 - 5 phút. Sau đó, quả bưởi sẽ theo băng chuyền và chuyển tới hệ thống thổi khô bằng không khí. Kế tiếp, quả được di chuyển tới con lăn cước để đánh bóng và đảm bảo bề mặt khô ráo.
Công đoạn phủ chế phẩm sẽ dùng carnauba 20% phủ lên bề mặt vỏ quả một lớp mỏng khoảng từ 0,3 - 0,5ml/quả hoặc 0,5g/25cm2. Đây là chế phẩm được sản xuất từ sáp thiên nhiên có thể ăn được giúp hạn chế quá trình hô hấp của quả, tạo độ bóng cũng như giúp quả giữ được màu xanh.
Lớp sáp phủ này giúp kéo dài thời gian bảo quản, giảm tỷ lệ hư hỏng, từ đó có thể di chuyển đến những thị trường xa. Công đoạn này cần 5 - 10 phút để lớp sáp vừa phủ được khô hoặc cần dùng quạt để nhanh khô. Sau đó, dùng màng co polyolefin bọc từng quả và đóng thùng carton để tăng thời gian bảo quản cũng như dễ vận chuyển, tránh va đập gây dập quả. Cuối cùng, quả bưởi được bảo quản ở nhiệt độ 10 độ C.
Theo bà Trương Trịnh Trường Vinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, đề tài đã hoàn thiện quy trình công nghệ sơ chế, xử lý và bảo quản trái bưởi da xanh tại Bến Tre đạt chất lượng tốt nhất, kéo dài thời gian bảo quản và giảm tỷ lệ hư hỏng xuống dưới 15%.
Bà Trương Trịnh Trường Vinh cho biết thêm, hiện nay trái bưởi da xanh đã được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch vào nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Úc… Việc xuất khẩu quả bưởi sang các nước cần khoảng thời gian vận chuyển. Nếu đi bằng đường hàng không đến các thị trường xa, có giá trị cao thường chỉ mất 1 đến 2 ngày. Tuy nhiên, cước phí vận chuyển bằng đường hàng không rất cao, thậm chí chiếm tới 50% giá thành. Vì vậy, bưởi da xanh của Việt Nam rất khó cạnh tranh với trái cây của các nước xuất khẩu khác.
Trong khi đó, vận chuyển bằng đường biển có thể giảm chi phí nhiều lần nhưng thời gian kéo dài, thậm chí 3 - 4 tuần. Do đó, các giải pháp công nghệ bảo quản phù hợp sẽ đáp ứng được thời gian vận chuyển dài.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Lý Thị Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Green Power (ấp 2, Sơn Phú, Giồng Trôm, Bến Tre) chia sẻ: “Bưởi da xanh là một trong những sản phẩm chủ lực của đơn vị. Năm ngoái, doanh nghiệp xuất được hơn 10.000 tấn. Nghiên cứu này có khả năng ứng dụng cao, giúp kéo dài thời gian bảo quản quả bưởi và có ý nghĩa rất lớn, nhất là thời gian vận chuyển bằng đường biển sang châu Âu trước đây chỉ 35 ngày nhưng bây giờ đã lên 45 ngày. Xuất sang thị trường Mỹ cũng vậy, giải pháp bảo quản này sẽ rất hiệu quả, có thể nhân rộng cho các doanh nghiệp áp dụng. Đồng thời giúp bảo quản bưởi mỗi khi chính vụ sản lượng lớn nhưng thị trường tiêu thụ chậm”.
Bưởi da xanh là một trong những sản phẩm chủ lực của Bến Tre với diện tích khoảng 9.400ha, chiếm 34% diện tích cây ăn trái toàn tỉnh. Trái cây này là một trong 8 sản phẩm của tỉnh được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý trong nước, bảo hộ xác lập quyền sở hữu công nghiệp vĩnh viễn và hiện đang đăng ký chứng nhận chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài.
Việc nghiên cứu thành công quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi tại Bến Tre đã góp phần gia tăng chất lượng, sức cạnh tranh cho loại nông sản chủ lực của địa phương này. Đồng thời, đây cũng là động lực để phát triển trái bưởi da xanh khu vực ĐBSCL.