| Hotline: 0983.970.780

Vùng cao nuôi con đặc sản: [Bài 1] Lợn đen không đủ để bán

Thứ Năm 09/05/2024 , 17:37 (GMT+7)

Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Định đang phát triển mạnh nghề nuôi heo đen, giống heo bản địa còn được gọi là heo đồng bào được tiêu thụ rất mạnh.

Người dân miền núi tỉnh Bình Định đang phát triển mạnh nghề nuôi heo đồng bào. Ảnh: V.Đ.T.

Người dân miền núi tỉnh Bình Định đang phát triển mạnh nghề nuôi heo đồng bào. Ảnh: V.Đ.T.

Vật nuôi chủ lực của đồng bào miền núi

Theo anh Phạm Minh Tâm, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Dân tộc huyện An Lão (Bình Định), heo đồng bào là vật nuôi chủ lực của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi An Lão, vì đây là vật nuôi bản địa, dễ nuôi, phù hợp với tập quán của bà con.

“Giá trị của heo đồng bào luôn cao hơn các giống heo khác, nuôi 1 con heo đồng bào khoảng 9 tháng bà con bán được 4-5 triệu đồng. Một năm nuôi mấy lứa heo mỗi hộ kiếm được 40-50 triệu đồng, lấy tiền nuôi heo bà con đầu tư chăm sóc rừng trồng. Đến kỳ khai thác rừng trồng bà con cầm được số tiền lớn xây dựng được nhà cửa khang trang”, anh Tâm cho hay.

Chị Đinh Thị Phúc, cán bộ nông nghiệp xã An Trung (huyện An Lão) đưa chúng tôi đi thăm một số mô hình nuôi heo đồng bào ở thôn 8. Heo được nuôi trong chuồng đơn sơ, chuồng chủ yếu chỉ để chúng trú mưa tránh nắng, chứ không gian sinh hoạt của chúng phải là cả vườn rừng mênh mông.

Heo đồng bào không tăng trọng nhanh và to lớn như heo nuôi ở miền xuôi, nhưng giá trị của chúng rất cao, vì chất lượng thịt ngon và được thị trường ăn mạnh.

“Heo đồng bào nuôi thả rông, không cho ăn cám công nghiệp như heo nuôi ở miền xuôi. Chúng được cho ăn các loại phụ phẩm nông nghiệp nên chi phí đầu vào thấp, thịt lại chất lượng. Là giống heo bản địa, nên heo đồng bào thích ứng với thời tiết, khí hậu tại địa phương, lại có sức đề kháng cao nên chống chọi với dịch bệnh rất tốt”, chị Đinh Thị Phúc cho hay.

Theo ông Đinh Văn Rơm, người đã có thâm niên hàng chục năm nuôi heo đồng bào ở khu phố 2, thị trấn An Lão (huyện An Lão), cho biết trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua, thị trường ăn rất mạnh heo đồng bào. Trong tháng Chạp, người tiêu dùng và thương lái đến tận nhà ông Rơm đặt mua heo. Khi ấy gia đình ông Rơm đang nuôi 20 con heo đồng bào, những con heo này đã cho gia đình ông Rơm ăn cái Tết đủ đầy.

“Chăm sóc heo đồng bào bản địa khá đơn giản, chủ yếu tận dụng các loại thức ăn sẵn có như rau lang, chuối cây, mì, bắp, cám gạo. Heo đồng bào ít bị dịch bệnh, nuôi từ 7-9 tháng là có thể xuất chuồng. Thông thường, heo đạt trọng lượng khoảng 30kg là thịt ngon nhất”, ông Rơm chia sẻ.

Heo đồng bào được cấp cho người dân xã Bok Tới (huyện Hoài Ân, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Heo đồng bào được cấp cho người dân xã Bok Tới (huyện Hoài Ân, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Giá cao, tiêu thụ mạnh

Tại huyện trung du Hoài Ân (Bình Định), nghề nuôi heo đồng bào đang phát triển mạnh tại 3 xã miền núi Bok Tới, Đăk Mang và Ân Sơn.

Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, heo đồng là giống heo địa phương, thực phẩm khoái khẩu của chúng là thân cây chuối rừng, mì, cỏ, rau, củ, quả. Điều kiện sống tốt nhất của heo đồng bào là môi trường thả rông trong tự nhiên. Giá bán heo đồng bào ở Hoài Ân luôn rất cao, sức tiêu thụ mạnh, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu không lo ế.

Theo cho biết của anh Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Tổng hợp Việt Tiến, doanh nghiệp chuyên cung cấp giống heo đồng bào cho người dân các xã miền núi ở huyện Hoài Ân, tiêu chuẩn chọn heo đồng bào giống bán cho bà con phải là heo cái để phát triển đàn, heo có trọng lượng từ 12-15kg/con, có độ đồng đều cao, chuẩn heo đồng bào bản địa.

“Heo giống chúng tôi bán cho người chăn nuôi trong huyện được mua tại 3 xã miền núi là Bok Tới, Đăk Mang và Ân Sơn. Là giống heo bản địa nên người nuôi dễ chăm sóc, vì chúng đã quen với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Nếu mua heo giống ở An Lão về chưa chắc đã phù hợp, “lạ nước lạ cái” heo dễ bị sốc nước, lại lo lây lan dịch bệnh”, anh Nguyễn Văn Tiến chia sẻ.

Heo đồng bào cấp cho dân các xã miền núi tỉnh Bình Định phải đúng chuản heo bản địa. Ảnh: V.Đ.T.

Heo đồng bào cấp cho dân các xã miền núi tỉnh Bình Định phải đúng chuản heo bản địa. Ảnh: V.Đ.T.

Heo đồng bào được nuôi thả trong môi trường tự nhiên nên chậm phát triển, nhưng nhờ di chuyển nhiều nên thịt heo rất ít mỡ, săn chắc, thơm ngon, giàu dinh dưỡng, nên giá bán luôn cao gấp 3 lần so các loại heo khác, bình quân giá heo đồng bào từ 140.000đ-180.000đ/kg hơi.

Một năm nuôi mấy lứa heo, mỗi hộ đồng bào dân tộc thiểu số có thể thu được 40-50 triệu đồng, 1 nguồn thu không nhỏ của người dân miền núi.

“Lồng ghép từ các Chương trình 135 và nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Hoài Ân thường xuyên hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở 3 xã vùng cao Đắk Mang, Ân Sơn và Bok Tới heo giống để bà con phát triển chăn nuôi. Hiện, trên địa bàn huyện Hoài Ân có nhiều đại lý đi về các địa phương vùng cao mua giống gốc heo đồng bào, sau khi được ngành chức năng thẩm định, kiểm tra, xã chọn mua để cấp cho người dân”, ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, cho hay.

Xem thêm
Số người đến tiêm phòng dại tăng gần 1.000 lượt, Vĩnh Long báo động

Tỉnh Vĩnh Long ghi nhận, từ đầu năm đến nay có 8.280 lượt người bị chó, mèo cắn đến tiêm vacxin phòng bệnh dại, tăng 915 lượt so với cùng kỳ năm 2023 (7.365 lượt).

Tiết kiệm nước, dùng giống ngắn ngày đảm bảo thắng lợi vụ hè thu

QUẢNG TRỊ Theo lịch thời vụ, nông dân Quảng Trị tập trung gieo cấy vụ hè thu từ ngày 15 - 30/5, sử dụng giống ngắn ngày, chất lượng cao để đảm bảo thu hoạch trước 30/8.

Ứng dụng công nghệ, gọi tôm cá về đồng ruộng

QUẢNG BÌNH Ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không chỉ giúp giảm chi phí, lợi nhuận tăng cao mà môi trường sinh thái đồng ruộng được phục hồi.