| Hotline: 0983.970.780

Vùng cao chăn nuôi bài bản

Thứ Năm 09/05/2024 , 08:33 (GMT+7)

LÀO CAI Tập trung chăn nuôi trang trại, gia trại bài bản, chủ động về nguồn con giống... giúp huyện vùng cao Bảo Thắng phát triển chăn nuôi bền vững.

Chăn nuôi gia cầm ở huyện Bảo Thắng, Lào Cai hiện nay được áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật bài bản. Ảnh: HĐ.

Chăn nuôi gia cầm ở huyện Bảo Thắng, Lào Cai hiện nay được áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật bài bản. Ảnh: HĐ.

Ăn uống tự động

Trang trại nuôi gà của ông Phạm Văn Quyết, thôn Cốc Sâm 4, xã Phong Niên (Bảo Thắng, Lào Cai) rộng hơn 4ha luôn có tiếng nhạc du dương, thư thái giống không gian trong những quán cà phê.

Với 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Quyết có những bí quyết riêng chăm sóc đàn gà hàng chục nghìn con của gia đình. Trang trại của ông hiện cung cấp ra thị trường hơn 60.000 con gà thịt.

Ông Phạm Văn Quyết cho biết, cho gà nghe nhạc sẽ giúp gà giảm căng thẳng, không cắn, mổ nhau, gây xấu mã, xáo trộn đầu đàn. Đây là một trong những kỹ thuật chăn nuôi ông đã học hỏi được và đang ứng dụng vào trang trại của gia đình. Các công nghệ, kỹ thuật của ông được tích lũy, tham khảo từ những trang trại khác trên cả nước.

Ngoài việc cho gà nghe nhạc, ông Quyết còn đầu tư hệ thống cho ăn, uống nước tự động, hệ thống quạt gió, tạo không gian thoải mái để gà phát triển… Toàn bộ hệ thống lắp đặt tại 4 chuồng nuôi của trang trại có kinh phí đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Công nghệ chăn nuôi thông minh này giúp gia đình ông giảm nhân công, hạn chế hao hụt thức ăn chăn nuôi mà gà lại nhanh, ít dịch bệnh.

Ngày trước, ông Quyết phải vác từng bao cám đổ từng máng ăn cho gà, nhưng nay chỉ cần ở nhà ấn nút điều khiển là thức ăn, nước uống sẽ được chia đều các máng. Đầu tư hệ thống công nghệ cho ăn, uống tự động góp phần giúp ông giảm nhân công. Gà được cho ăn đúng giờ nhanh lớn, kích thước, mẫu mã đồng đều và đẹp hơn.

"Trước đây, nuôi theo cách thông thường 1 vạn gà tôi phải tốn 1 nhân công, nhưng bây giờ 3 vạn gà chỉ mất 1 nhân công. Sử dụng máy móc trong chăn nuôi còn giúp hạn chế sự tiếp súc của đàn vật nuôi, giảm lây lan dịch bệnh", ông Phạm Văn Quyết chia sẻ.

Tương tự, tại các trang trại chăn nuôi khác trên địa bàn huyện, nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư hệ thống máy cho ăn tự động, hệ thống quạt gió, gắn camera giám sát, theo dõi vật nuôi, ứng dụng chăn nuôi an toàn sinh học… Việc đưa công nghệ chăn nuôi tiên tiến vào sản xuất góp phần không nhỏ trong việc phát triển ngành chăn nuôi của huyện Bảo Thắng.

Huyện Bảo Thắng đang phát triển mạnh chăn nuôi gia cầm, nhất là các giống gà lai có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, hiệu quả kinh tế cao, chất lượng thịt thơm ngon. Bên cạnh đó, phát triển các giống gà địa phương để đáp ứng phân khúc tiêu dùng cao và phục vụ du lịch.

Ông Phạm Văn Quyết, thôn Cốc Sâm 4, xã Phong Niên (Bảo Thắng, Lào Cai) chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà áp dụng cho ăn, uống tự động. Ảnh: HĐ.

Ông Phạm Văn Quyết, thôn Cốc Sâm 4, xã Phong Niên (Bảo Thắng, Lào Cai) chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà áp dụng cho ăn, uống tự động. Ảnh: HĐ.

Chủ động con giống

Ông Nguyễn Vũ Toàn, thôn Cố Hải, xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng mạnh dạn đầu tư sản xuất gà giống kết hợp chăn nuôi gà thương phẩm cho thu nhập ổn định, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Từ năm 2019, ông Nguyễn Vũ Toàn bắt đầu nuôi gà theo hướng trang trại, ban đầu ông nhập gà giống ở dưới xuôi về nuôi. Tuy nhiên, quá trình vận chuyển xa và thay đổi môi trường sống gà dễ bị chết nên ông quyết tâm đi học để tự sản xuất giống tại địa phương. Sau 5 năm, trang trại sản xuất giống gà và chăn nuôi gà thương phẩm của ông tạo nguồn thu nhập khá cao và ổn định.

“Tại Lào Cai, bà con nông dân chăn nuôi gà chủ yếu lấy gà giống ở miền xuôi, gà giống mang về nuôi không được đảm bảo, với điều kiện diện tích sẵn có, nguồn lao động dồi dào nên tôi có suy nghĩ sản xuất tại chỗ phục vụ gia đình và bà con địa phương”, ông Nguyễn Vũ Toàn nói.

Học hỏi, đầu tư sản xuất giống, ban đầu gặp rất nhiều khó khăn và thất bại, nhưng với sự quyết tâm của bản thân và động viên của gia đình đến nay trang trại còn tạo việc làm cho 6 lao động ở địa phương.

Sản xuất con giống ngay tại địa phương giúp Lào Cai giảm giá thành trong chăn nuôi. Ảnh: HĐ.

Sản xuất con giống ngay tại địa phương giúp Lào Cai giảm giá thành trong chăn nuôi. Ảnh: HĐ.

Với hệ thống trang trại được đầu tư bài bản từ khâu ấp trứng, các điều kiện, kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn, với 5 lò ấp trứng tự động, bình quân mỗi tháng, trang trại chăn nuôi gia cầm của gia đình ông xuất bán hàng vạn con giống. Ngoài ra, còn lai tạo giữa giống gà Đông Tảo của Việt Nam với gà Lương Phượng (Trung Quốc).

Ông Nguyễn Vũ Toàn cho hay, hiện chúng tôi có 6.000 gà bố mẹ. Với số lượng gà mái đang đẻ xuất ra thị trường khoảng 7-8 vạn con giống mỗi năm cho Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ,...

Ông Nguyễn Văn Duy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng cho biết: "Ông Nguyễn Vũ Toàn là nông dân mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm và luôn tìm cách áp dụng những tiến bộ mới về khoa học kỹ thuật vào thực tế để sản xuất.

Mô hình trang trại của anh là điển hình trong việc phát triển mô hình chăn nuôi gia cầm hiệu quả tại địa phương. Từ mô hình trang trại gà này, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để nhân rộng, từ đó xây dựng thêm nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn”.

Huyện Bảo Thắng dần hình thành các trang trại chăn nuôi tập trung, quy củ. Ảnh: HĐ.

Huyện Bảo Thắng dần hình thành các trang trại chăn nuôi tập trung, quy củ. Ảnh: HĐ.

Khuyến khích chăn nuôi tập trung

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai, huyện Bảo Thắng đã có những chuyển biến đáng kể trong phát triển chăn nuôi, dịch chuyển mạnh từ quy mô nhỏ, lẻ sang trang trại, gia trại, ứng dụng công nghệ cao và chủ động về nguồn giống sản xuất tại chỗ, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Qua đó, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phòng, chống dịch bệnh và giữ gìn vệ sinh môi trường đồng thời nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi trên địa bàn.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Bảo Thắng, chỉ tính riêng tổng đàn gia cầm của huyện đạt gần 2 triệu con, sản lượng gần 6.000 tấn, tập trung ở các xã Xuân Quang, Trì Quang, Phong Niên, Sơn Hải... Các sản phẩm gia cầm phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh với giá bán tương đối ổn định.

Chăn nuôi tại Bảo Thắng đã phát triển thành vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung cùng với đó sản xuất quy mô hộ gia đình giảm dần. Toàn huyện hiện có hơn 200 trang trại quy mô vừa và nhỏ, 7 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm, 1 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thủy sản.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại được đổi mới về công tác quản lý, được đầu tư lớn hơn về quy mô, đa dạng hơn về sản phẩm; các tiến bộ khoa học, thiết bị, máy móc đã được đưa vào sản xuất.

Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT Bảo Thắng cho biết, đối với chăn nuôi hiện nay người dân đã vận dụng khoa học kỹ thuật từ khâu cho ăn, chăm sóc để giảm chi phí, giảm công lao động so với trước đây.

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm để phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, xây dựng các cơ cở chăn nuôi công nghiệp. Đặc biệt, thu hút đầu tư để xây dựng các cơ sở chăn nuôi lớn đảm bảo đúng định hướng của tỉnh và huyện. 

"Việc khuyến khích trang trại, gia trại đẩy mạnh sản xuất con giống tại chỗ, nhất là giống gia cầm giúp giảm chi phí đầu vào, hạn chế tối đa nguồn lây lan dịch bệnh do nhập con giống từ bên ngoài, đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững", Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT Bảo Thắng nhấn mạnh.

Xem thêm
Malaysia, Indonesia là hai nước cạnh tranh trực tiếp xuất khẩu với tổ yến Việt Nam

Nâng cao chất lượng tổ yến xuất khẩu là giải pháp cạnh tranh quan trọng cho ngành yến Việt Nam trên thị trường Trung Quốc.

Vùng tâm lũ Phú Thọ quyết tâm lấy vụ đông bù vụ mùa

PHÚ THỌ Tỉnh Phú Thọ sẽ chỉ đạo và hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích lúa bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ sang trồng cây vụ đông để bù đắp thiệt hại.

Mô phỏng là công cụ độc đáo để trải nghiệm thực hành ảo

Vĩnh Long Mô phỏng là một trong những công cụ độc đáo hiện nay để hỗ trợ việc giảng dạy và học tập các khái niệm khoa học phức tạp thông qua trải nghiệm thực hành ảo.