| Hotline: 0983.970.780

Thu nhập cao từ cây cao su

Thứ Tư 24/07/2013 , 09:24 (GMT+7)

Qua mười năm, cây cao su “bén rễ” trên vùng đất gò đồi Hương Bình đã mang lại đời sống ấm no cho hàng trăm hộ dân.

Từ một vùng đất trắng, sau ngày giải phóng, Hương Bình (thị xã Hương Trà, tỉnh TT- Huế) được thành lập trong cuộc di dân từ miền xuôi lên miền núi xây dựng kinh tế mới. Qua mười năm, cây cao su “bén rễ” trên vùng đất gò đồi Hương Bình đã mang lại đời sống ấm no cho hàng trăm hộ dân.

Cán bộ làm trước

Để có những cánh rừng cao su xanh ngút mắt, trải dài trên con đường liên xã như hôm nay, nói như ông Phan Hữu Tuế- Bí thư Đảng ủy xã Hương Bình là bao giọt mồ hôi của những người “dân góp” từ miền xuôi lên, trong đó đi đầu trong phong trào mang cây cao su tiểu điền từ miền xuôi lên vùng gò đồi phải kể đến những cán bộ đứng mũi chịu sào.

Mấy chục năm làm cán bộ xã, kinh qua các chức chủ nhiệm, chủ tịch rồi bí thứ xã, ông Tuế cùng với người dân Hương Bình đã sống chết với cây cao su vào những ngày đầu mới “bén rễ”.

Ông Tuế kể: “Rừng và cây cao su được trồng ở Hương Bình từ năm 1993, khi Nhà nước có chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc, sau này có thêm chương trình phát triển nông thôn, rừng trồng của WB3…Ban đầu, đưa cây cao su lên, chẳng hộ dân nào ngó ngàng tới, bởi cái thời mới lên lập nghiệp quá cơ cực, rau khoai ăn cọng vàng còn cọng xanh để dành lại. Cây cao su trồng 6-7 năm mới cho khai thác, trong thời gian đó, bà con bảo phải ăn cái gì mà sống?”.

Cán bộ cũng trăn trở cùng người dân, không còn cách nào khác, muốn dân làm thì cán bộ phải làm trước. Gần 20 ha đất vùng gò đồi được cán bộ khai hoang, ươm những mầm cao su đầu tiên. Những ngày đầu khai hoang cũng khó khăn trăm bề do không có máy móc, hạn chế về công cụ, mọi việc khai hoang đều thủ công, dựa vào sức người là chính.


Cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su của DNTN TM và DV chế biến cao su Phú Lợi

Diện tích mà mấy chục cán bộ xã khai hoang những ngày đầu tiên, sau này được “nhượng” lại cho người dân, đến những năm 1998-1999 đã bắt đầu cho khai thác những dòng mủ đầu tiên.

Ông Tuế cho biết thêm: “Điều may mắn là cây cao su rất thích ứng với đất của vùng gò đồi Hương Bình nên phát triển khá nhanh, không sâu bệnh. Thấy cán bộ trồng cây tốt, kêu dân lên triền đồi “thuyết trình” về cây cao su cho người dân nghe, chỉ một thời gian bà con đã chịu khai hoang, đưa giống cây mới vào trồng”.

Sau hơn 10 năm cây cao su cắm rễ, đến nay Hương Bình đã có hơn 1.000 ha cao su, phân bố trên 7 thôn toàn xã, trong đó có khoảng 800 ha đã đưa vào khai thác của 650 hộ dân tham gia trồng, mang lại thu nhập bình quân 60-70 triệu đồng/ha.

Thôn…ô tô

Thôn Hương Sơn là một trong những vùng đất đi đầu trong trồng cây cao su. Toàn thôn có 150 ha cao su của 73 hộ dân, trong đó đã có hơn 60% diện tích được khai thác mủ.

 Ông Nguyễn Quốc Trung- Trưởng thôn Hương Sơn phấn khởi: “Không phải nói khoác, ở Hương Sơn, bà con có ô tô, xe máy, nhà cửa đàng hoàng cũng từ cây cao su mà ra cả. Như ở Hương Sơn đã có 5 gia đình có ô tô con, còn xe máy thì…không thể đếm xuể. Phải nói rằng, đây là thứ cây tạo nên thế mạnh, làm kinh tế mũi nhọn của địa phương.

 Bình quân mỗi hộ dân tùy theo diện tích nhiều hay ít, cho thu nhập mỗi ngày từ 500 ngàn đến 2,5 triệu đồng. Chỉ có một bộ phận nhỏ không có đất rừng, họ làm thuê cạo mủ cũng có thu nhập khá. Cây cao su không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn”.

 Ngay như gia đình ông Trung cũng có 7ha cao su, trong đó có 4ha đã cho khai thác mủ mấy năm nay. Ông Trung nhẩm tính: “Với giá mủ đông hiện nay khoảng 20 ngàn đồng/kg, mỗi ngày bình quân trừ công cán, gia đình tui thu chừng 1,5-1,7 triệu đồng. Đó là giai đoạn này giá mủ cao su xuống thấp, những năm 2010- 2011, giá cao su 35.000 đồng/kg mủ đông, nhiều hộ gia đình ở Hương Bình có ngày thu vài triệu đồng là chuyện bình thường”.

Ngoài ra, những “đại gia” cao su ở Hương Bình phải kể đến các hộ như Nguyễn Xuân Thái Khánh, Nguyễn Xuân Thành (thôn Hải Tân), Trần Đông (thôn Hương Lộc), Nguyễn Văn Chúc (thôn Bình Dương) bình quân mỗi hộ có từ 7-8 ha cao su đã cho khai thác. Ông Trần Đông cho biết: “Qua mười năm, đến nay gia đình tôi đã có 7 ha cao su cho khai thác. Nếu được giá như mọi năm, sẽ cho thu nhập bình quân 60-70 triệu đồng/ha”.

Với gần 100% số hộ dân trên địa bàn xã tham gia trồng với hơn 1.000 ha cao su, thị trường đầu ra luôn là điều bà con nông dân quan tâm. Nhằm đáp ứng nhu cầu thu mua mủ cao su trên địa bàn xã, cơ sở của DNTN Thương mại và Dịch vụ chế biến cao su Phú Lợi đã được thành lập, đóng ngay trên địa bàn xã. Hàng ngày, đến mùa khai thác, nườm nượp từng đoàn xe máy chở từng can mủ cao su của bà con mang về nhập cho cơ sở này.

Ông Võ Văn Tương- Giám đốc DNTN TM và DV chế biến cao su Phú Lợi cho biết: “Trước đây, khi chưa có cơ sở thu mua, bà con phải vận chuyển mủ nước đi bán ở địa phương khác nên vừa tốn chi phí vận chuyển lại bị thương lái ép giá. Khi cơ sở chế biến cao su Phú Lợi được lập ra, bình quân mỗi ngày thu mua hơn 10 tấn mủ, chiếm khoảng 70% lượng mủ khai thác trên toàn xã. Số mủ được thu mua ngay tại địa phương nên đảm bảo chất lượng, bà con rất phấn khởi".

Nói về thế mạnh của cây cao su, ông Phan Hữu Tuế- Bí thư Đảng ủy xã Hương Bình đánh giá: “Trong mười năm qua, thu nhập từ cây cao su đã giúp địa phương giải quyết được nhiều vấn đề trong xã hội, tăng thu nhập đáng kể cho bà con nông dân, tạo công ăn việc làm xóa đói, giảm nghèo, góp phần đưa Hương Bình trở thành địa phương thành công với thế mạnh kinh tế vùng gò đồi”.

“Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục xây dựng, phát triển cây cao su thành cây kinh tế chủ lực. Tuy nhiên, hiện cũng đang vướng khó khăn do Hương Bình có diện tích tự nhiên 7.000 ha, trong khi diện tích trồng cao su mới đã đạt 3.000 ha, còn lại là rừng tự nhiên cho nên về lâu dài không thể phát triển thêm diện tích cây cao su được nữa”- ông Phan Hữu Tuế- Bí thư Đảng ủy xã Hương Bình, trăn trở.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Mavin nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Tập đoàn Mavin vừa vinh dự nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2022-2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm