| Hotline: 0983.970.780

“Thủ phủ” cao su Tây Bắc

Thứ Năm 03/01/2013 , 09:48 (GMT+7)

Trở lại Lai Châu lần này điều khiến tôi bất ngờ là sự vươn mình của Lai Châu trong cuộc chiến chống đói nghèo.

Hướng dẫn người dân cạo mủ cao su tiểu điền

Tỉnh Lai Châu nằm trung tâm của vùng Tây Bắc, mỗi lần lên Lai Châu tôi chạnh nhớ câu thơ “Cuối trời Tây Bắc có Lai Châu”, bên cạnh câu ca mới “Chưa đi chưa biết Lai Châu/ Đi rồi mới biết không đâu khổ bằng...”.

Lai Châu xa xôi ngàn dặm, Lai Châu gian khó trăm bề... Trở lại Lai Châu lần này điều khiến tôi bất ngờ là sự vươn mình của Lai Châu trong cuộc chiến chống đói nghèo. Người Lai Châu đang biến vùng đất ngào ngạt gió Lào thành “thủ phủ” cây cao su Tây Bắc...

Chủ tịch lưỡng huyện và câu chuyện cao su

Tôi biết Hà Văn Um năm 1978, khi đó tôi đang dạy học ở xã Mường Khoa, huyện Than Uyên tỉnh Hoàng Liên Sơn, còn anh là cán bộ ngành nông nghiệp cắm điểm tại xã. Bấy giờ chúng tôi mới ngoài hai mươi tuổi còn rất trẻ, đầu năm học mới có một số cô giáo trẻ được điều về trường tôi. Mấy giáo viên nam chưa vợ và cán bộ xã cắm điểm ai cũng sáng mắt cả lên, sau hơn một tháng “quan sát”, thăm dò ý tứ các cô giáo, tôi lấy thế của người hơn tuổi “phân công” Hà Văn Um yêu Nguyễn Thị Gấm. Tưởng chuyện “phân công yêu” là chuyện tào lao, bông phèng hoá ra hai người yêu nhau thật. Năm sau họ tổ chức đám cưới, tôi đi học thêm và chuyển sang nghề làm báo.

Sau khi tỉnh Hoàng Liên Sơn được tách ra thành hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái, làm nghề báo tôi lang bạt khắp nơi lâu lâu mới về Than Uyên một lần, cũng chỉ nghe Hà Văn Um sau khi rời Mường Khoa đi học đại học nông nghiệp, rồi lên chức trưởng phòng, năm 2003 tôi gặp lại anh khi đó anh đã là Chủ tịch UBND huyện Than Uyên. Xa nhau mấy chục năm, khi gặp nhau Hà Văn Um vẫn chưa quên chuyện “phân công yêu” của tôi, anh hứng khởi kể lại chuyện một thời trai trẻ.

 Năm 2004, tỉnh Lai Châu được chia ra thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu, huyện Than Uyên tách khỏi tỉnh Lào Cai nhập vào tỉnh Lai Châu mới. Năm 2005 tôi nghe tin anh được phân công anh về Phong Thổ làm chủ tịch huyện. Đang là chủ tịch huyện giàu có nhất tỉnh Lai Châu, tôi không hiểu cuộc ra đi của anh lần này có ý nghĩa gì? Hoặc là thành công hoặc là thất bại? Bởi Phong Thổ cũng mới di chuyển từ Tam Đường xuống nhường đất cho thị xã Lai Châu xây dựng mới, đó là huyện nghèo sự thách thức rất lớn đối với anh.

Huyện Than Uyên có cánh đồng Mường Than đứng tư vùng Tây Bắc, còn Phong Thổ không có lợi thế về ruộng đồng, nhưng lại có lợi thế của huyện biên giới, nơi đồi núi có độ cao và khí hậu tương đồng với nhiều vùng của huyện Kim Bình, Vân Nam (Trung Quốc), thích hợp cho phát triển các loại cây công nghiệp, như: Cao su, chuối, dứa... Như vậy, kinh tế nông nghiệp của Phong Thổ không thể phát triển bằng cây ngô, cây lúa mà phải lấy cây công nghiệp để tạo nên sức mạnh của mình. Với một huyện mới thành lập bộn bề bao nhiêu công việc từ việc xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan đến việc phát triển kinh tế của mỗi địa phương, tất cả chỉ mới định hình.

 Đầu năm 2006, hai đồng chí Bí thư TW Đảng là Trương Tấn Sang và Trương Vĩnh Trọng lên thăm và chúc Tết Lai Châu. Từ gợi ý của hai đồng chí lãnh đạo TW: Trung Quốc họ trồng được cây cao su, tại sao Lai Châu không trồng cao su nhỉ? Khi đó người ta mới nhớ ra, năm 1993 Chương trình 327 phủ xanh đất trống đồi núi trọc, phía Trung Quốc có mang sang một số giống cao su để người Lai Châu trồng thử, nếu thành công thì Lai Châu sẽ là vùng nguyên liệu cung cấp mủ cao su cho các nhà máy chế biến của Trung Quốc. Số cây cao su được trồng trên đồi nhà ông Trang Văn Tỏn, bản Huổi Luông, xã Hoang Thèn. Chẳng ngờ số cây cao su đó sống được, mặc dù ông Tỏn chẳng thèm chăm bón, cây cao su cứ vươn mình vượt lên nắng mưa, bão giông, giá rét như một loài cây hoang dại.

Hai đồng chí Bí thư TW Đảng đến tận nơi, leo lên đồi, sờ vào tận gốc những cây cao su to bằng cả người ôm chưa kín gốc. Không còn nghi ngờ nữa, cây cao su sống và phát triển được trên đất Lai Châu. Huyện Phong Thổ nhận nhiệm vụ trồng thử nghiệm cây cao su. Mặc dù vậy, Hà Văn Um vẫn chưa thật tin cây cao su có thể sống và phát triển được trên đất Lai Châu. Bởi những cây cao su trên đồi nhà ông Tỏn chỉ gần hai chục cây, nếu mở rộng diện tích ra sẽ thế nào? Rồi giống cao su nữa, giống nào cho mủ? Nghĩ đến rụng cả tóc.

Ngay cả người lãnh đạo cao nhất Huyện uỷ Phong Thổ khi đó cũng chưa thật tin lắm vào cây cao su. Hà Văn Um phải khăn gói 6 lần sang Trung Quốc để tìm hiểu về cây cao su, anh đến các nông trang trồng cao su, Viện Nghiên cứu cao su của tỉnh Vân Nam, Sở Khoa học, các cơ sở chế biến mủ cao su, rồi lên tận Síp-xoỏng-bản-nà nơi người ta trồng cao su trên độ cao 1.000 m... Với tất cả cứ liệu khoa học khảo sát trên đất Trung Quốc giáp gianh với Lai Châu, khi về anh mới thật tin cây cao su có thể sống được trên mảnh đất Phong Thổ.

Năm 2006 Phong Thổ quyết định nhập hai giống cao su Vân Nghiên 77-2, Vân Nghiên 77-4 vào trồng thử nghiệm 100 ha trên đất hai xã Hoang Thèn và Ma Ly Pho. Đợt hai nhập tiếp trồng 40 ha, cây chết nhiều quá, năm 2007 Phong Thổ không nhập giống cao su Trung Quốc mà đưa giống cao su: GT1, Lai Hoa, Ian... từ miền Nam ra trồng 260 ha trên diện tích 429 ha quy hoạch tiểu điền. Số này chết quá nhiều do vận chuyển, càng khiến người ta không tin vào cây cao su trên đất Lai Châu. Hà Văn Um phải trấn an mọi người rằng: Là kỹ sư nông nghiệp, tôi cam đoan rằng cây cao su sống và phát triển tốt trên đất Lai Châu. Chúng ta phải tìm ra nguyên nhân vì sao cây cao su chết, đã đến lúc mọi người phải ăn và ngủ cùng với cây cao su...

Giấc mơ cao su đại điền

Mọi sóng gió rồi cũng đã qua, những cây cao su chết đã được trồng dặm lại, diện tích cao su tiểu điền bắt đầu xanh tốt, đã đến lúc người Lai Châu ước mơ cao su đại điền. Năm 2007 tỉnh Lai Châu mời Tập đoàn Cao su Việt Nam lên Lai Châu phát triển cao su trên vùng đất Tây Bắc. Từ những cây cao su cổ thụ được trồng từ năm 1993, từ diện tích của các hộ trồng cao su tiểu điền và bên kia biên giới là những rừng cao su bạt ngàn đã khiến Tập đoàn Cao su Việt Nam quyết tâm đầu tư vào vùng núi phía Bắc 200.000 ha cao su mà trọng điểm là Lai Châu.

Nay đảm nhiệm chức Phó giám đốc Thường trực Sở NN-PTNT Lai Châu, Hà Văn Um dẫn tôi tới đội cao su Hoang Thèn đóng chân trên đất Phong Thổ, anh cho hay: Nơi đây là một trong hai xã đầu tiên trồng cao su tiểu điền từ năm 2006, đến nay nhiều hộ đã bắt đầu khai thác mủ bán cho các nhà máy của Trung Quốc. Niềm tin của người dân về cây vàng trắng trên đất Lai Châu không còn nghi ngờ gì nữa...

Cty Cổ phần cao su Lai Châu I, Lai Châu II được thành lập đặt trên đất Phong Thổ và Sìn Hồ, năm 2008 chương trình phát triển cao su đại điền bắt đầu được triển khai. Mặc dù nhiều người còn băn khoăn về hiệu quả của cây cao su, nhưng với sự cam kết của Tập đoàn Cao su Việt Nam cũng như của tỉnh Lai Châu, phong trào góp đất trồng cao su của người dân trong vùng quy hoạch đã diễn ra suôn sẻ. Đó là phương án ăn chia cho người góp đất được hưởng mười phần trăm sản phẩm, người góp đất được nhận vào làm công nhân của công ty. Mặc dù là tỉnh nghèo, nhưng Lai Châu đã hỗ trợ giống cây trồng, phân bón, tiền khai hoang cho ba năm đầu để những hộ góp đất vào công ty cao su có thu nhập đảm bảo cuộc sống, yên tâm với cây cao su.

Theo quy hoạch Lai Châu có 35 xã tham gia trồng cao su, tính từ 2008 đến nay đã có 17 xã đã trồng cao su đại điền, không cần giở sổ kỹ sư Nguyễn Văn Biển, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp đọc vanh vách diện tích cao su của từng xã: Ma Quai trồng cao su từ năm 2008 đến nay đã trồng được 870 ha, Nậm Cuổi trồng 2009 được 1.182 ha, Căm Co trồng 1.195 ha, Chăn Nưa 2.027 ha, Nậm Tăm 900 ha, Loong Hẻo hơn 300 ha... tổng diện tích cao su đại điền tính đến ngày 30/11/2012 đã là 9.500 ha, nếu tính cả diện tích cao su tiểu điền do các hộ dân trồng từ năm 2006 thì tổng diện tích cao su của Lai Châu gần 10.000 ha.

Một vùng cao su ngút ngàn chạy dọc sông Nậm Na và sông Đà, đã tạo ra cho Lai Châu một sắc diện mới. Cho đến lúc này không ai còn nghi ngờ Lai Châu chính là “thủ phủ” của cây cao su khu vực Tây Bắc. Mặc dù những mùa đông khủng khiếp năm 2008, 2010 đã đốn ngã hàng ngàn ha cao su của các tỉnh: Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai...còn cây cao su của Lai Châu thì vẫn cứ xanh ngằn ngặt, như thách thức băng giá, gió Lào của vùng biên viễn.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm