Các vụ cháy lớn liên tiếp xảy ra, làm cho thảm thực vật vùng này nham nhở chẳng khác nào tấm áo vá. Hơn 410 ha thông Caribe loại trên dưới 30 năm tuổi, một thời là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng nay xơ xác đến thảm hại.
Không ít diện tích rừng ở bình độ thấp, vốn là rừng đặc dụng đã thành rừng trồng của hàng trăm hộ dân. Khu vực duy nhất còn rừng tự nhiên có tài nguyên lâm sản ở tiểu khu 11, cũng bị tàn phá không thương tiếc.
Hoàn toàn khác hẳn với phía Nam, ở phía Bắc dãy Hải Vân hùng vĩ, khu vực do tỉnh Thừa Thiên- Huế quản lý, rừng tự nhiên, rừng trồng bạt ngàn từ chân lên đỉnh núi. Tại khu vực này, không hề xảy ra tình trạng rừng bị tàn phá đến nghèo kiệt như khu vực do Đà Nẵng quản lý.
Ông Nguyễn Như Tiến, cư dân phường Hòa Hiệp Bắc cho rằng là người Đà Nẵng, chắc chắn ai cũng cảm thấy chạnh lòng và xẩu hổ khi chứng kiến những cánh rừng bạt ngàn ở phía Bắc dãy Hải Vân. Suốt tuyến đường đèo ở phía Bắc không hề có trạm kiểm lâm nào, thế mà rừng vùng này an toàn tuyệt đối.
Cùng một dãy núi, cùng tầng địa chất, thổ nhưỡng, thế mà ở phía Bắc rừng tươi tốt bao nhiêu, ở phía Nam nghèo kiệt bấy nhiêu. Âu cũng do con người gây nên cả.
Thực ra, hơn chục năm trước, rừng ở phía Nam Hải Vân cũng giàu và đẹp lắm. Những cánh rừng thông Caribe với vô vàn cây thẳng tắp cao vút, nối nhau trùng điệp, như bức tranh tuyệt đẹp đã từng níu chân du khách mỗi khi qua đây. Thế mà nay, tất cả chỉ còn trong ký ức. Bên cạnh thiên tai, người dân địa phương chính là thủ phạm tàn phá rừng thông quý giá này.
Quả đúng vậy, không ai khác mà chính người dân địa phương, nói đúng hơn là người Đà Nẵng đã tàn phá rừng Nam Hải Vân đến nghèo kiệt như hiện nay. Không chỉ rừng thông, nơi hơn 30 năm trước, Nhà nước đầu tư không ít tiền của, công sức trồng mà các khu rừng tự nhiên ít ỏi cũng bị tàn phá. Lần nào ngược núi tuần tra, kiểm lâm cũng tịch thu được một vài phách gỗ.
Điều đó cho thấy công tác quản lý bảo vệ rừng tại đây không mấy hiệu quả. Trong khi, diện tích rừng không lớn chỉ hơn 3.000 ha, trong số 1.820 ha do Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu quản lý chủ yếu là đất trống đồi trọc, hạt kiểm lâm 12 cán bộ nhân viên, trang thiết bị, phương tiện, kinh phí không thiếu, thế mà rừng không khi nào bình yên. Kể cũng lạ.
Rừng thông ở Nam Hải Vân bị tàn phá
Xu thế biến rừng tự nhiên tại Nam Hải Vân thành rừng trồng ngày càng rõ nét khi người dân cố tình xâm hại diện tích rừng do nhà nước quản lý. Người ta chặt hạ những cây thông hơn 30 năm tuổi, mục đích lấy gỗ thì ít mà dành đất để trồng rừng thì nhiều.
Không loại trừ nguyên nhân các vụ cháy rừng xảy ra trong thời gian qua do người dân đốt để chiếm đất. Không ngăn chặn kịp thời và có giải pháp quyết liệt trong việc tại tạo phục hồi rừng Nam Hải Vân, chắc chắn mãi nhiều năm sau, thảm thực vật ở vùng này sẽ là nỗi buồn và xấu hổ cho người dân Đà Nẵng.
Bởi đã là rừng trồng, ắt phải đến kỳ thu hoạch, hệ quả là năm nào thảm thực vật vùng này cũng nham nhở như tấm áo vá, tương phản với tên gọi rừng cảnh quan Nam Hải Vân hiện nay.
Phục hồi rừng Nam Hải Vân đúng với rừng cảnh quan như tên gọi vốn có là vấn đề vô cùng cấp thiết. Ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết đúng ra, rừng đặc dụng là khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt, Nhà nước quản lý mà không giao cho dân.
Khắc phục tình trạng này, chỉ có thể thu hồi toàn bộ diện tích đã giao cho các hộ dân; triển khai trồng thông hoặc cây bản địa để tạo rừng bền vững lâu dài. Việc thu hồi này Đà Nẵng phải có chủ trương ngay từ bây giờ và gia hạn 4-5 năm sau khi người dân đã thu hoạch hết cây.
Đối với khu vực đất trồng đồi trọc tiếp tục trồng thông Caribe, như đã triển khai hơn 100 ha mấy năm gần đây. Còn với khu vực rừng tự nhiên, giải pháp tốt nhất là giao cho người dân khu vực Kim Liên, kể cả những người từng chặt phá rừng tại đây bảo vệ. Khi đó họ tự quản lý bảo vệ dưới sự giám sát kiểm tra của kiểm lâm.
Không thể chậm trễ hơn nữa trong việc tái tạo phục hồi rừng ở Nam Hải Vân, nếu như muốn trả lại màu xanh, tạo cảnh quan hấp dẫn cho khu vực này. Tất nhiên, để có được những cánh rừng bạt ngàn như ở phía Bắc dãy Hải Vân, quả là điều không hề đơn giản, đòi hỏi phải đầu tư nhiều kinh phí và sự nỗ lực của chính quyền, cơ quan kiểm lâm và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân vùng cận rừng… |