| Hotline: 0983.970.780

Trúng mùa, vẫn lo

Thứ Năm 21/03/2013 , 09:56 (GMT+7)

Vụ lúa ĐX ở Nam bộ lại trúng mùa. Niềm vui của nông dân sẽ được nhân đôi nếu khâu tiêu thụ thuận lợi.

Ngày 19/3, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám chủ trì hội nghị sơ kết SX lúa ĐX 2012-2013, triển khai kế hoạch vụ HT, TĐ và mùa 2013 ở miền Đông Nam bộ (ĐNB) và vùng ĐBSCL.

Vụ lúa ĐX ở Nam bộ lại trúng mùa. Niềm vui của nông dân sẽ được nhân đôi nếu khâu tiêu thụ thuận lợi. Các vụ lúa còn lại trong năm, các nhà khoa học, cán bộ nông nghiệp khuyến cáo thời tiết diễn biến cực đoan: Khô hạn, thiếu nước ngọt, mặn xâm nhập, dấu hiệu sâu bệnh tăng... là những thách thức.

Trúng mùa, giữ được giá

PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận xét: Đến nay phần lớn diện tích lúa ĐX ở Nam bộ thu hoạch vào giai đoạn cuối. Hơn 75% diện tích đã trúng mùa. Toàn vùng gieo sạ được 1.661.055 ha, đạt 100,45% kế hoạch, ước năng suất đạt 68,12 tạ/ha, sản lượng đạt trên 11,3 triệu tấn. Như vậy sản lượng không giảm mà còn tăng 85.000 tấn so với kế hoạch.

Tuy nhiên, đây là vụ lúa xuất hiện nhiều yếu tố khó khăn. Từ đầu vụ, các cơ quan chuyên môn dự báo: Tình hình lũ năm 2012 không cao, thời gian lũ ngắn, lượng phù sa ít. Thời tiết diễn biến phức tạp, khô hạn cục bộ ảnh hưởng đến các tỉnh Đông Nam bộ, ở các tỉnh hạ lưu ĐBSCL xuống giống trễ sẽ bị mặn xâm nhập và khô hạn cuối vụ.

Bên cạnh đó, việc cung ứng lúa giống cho vụ ĐX thiếu hụt do tùy thuộc vào khả năng nguồn cung; vật tư nông nghiệp thường biến động vào đầu vụ xuống giống. Do đó, sau chuyến đi khảo sát thực địa, Cục Trồng trọt đề ra các giải pháp phối hợp cùng các địa phương kịp thời khuyến cáo nông dân có biện pháp thích ứng chăm sóc lúa ĐX, kịp thời phòng trừ sâu bệnh và xâm nhập mặn cuối vụ; đặc biệt lúa trong giai đoạn từ trước, trong và sau Tết cho đến khi thu hoạch.

Kết quả lúa ĐX trúng mùa khẳng định chủ trương đầu tư thúc đẩy phát triển SXNN đúng hướng do Bộ NN-PTNT phát động thông qua các chương trình “cánh đồng mẫu lớn” (CĐML), nông dân “ghi chép sổ tay SX lúa VietGAP”, thực hiện theo chương trình "1 phải 5 giảm" và đang nối tiếp chương trình "1 phải, 6 giảm”.

Riêng ở ĐBSCL nông dân bắt đầu chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống lúa chất lượng cao, lúa thơm để nâng cao phẩm chất, giá trị lúa gạo. Do đó, vào đầu vụ thu hoạch lúa ĐX giá lúa tuy có giảm nhưng nhờ thực hiện chính sách tạm trữ của Chính phủ kịp thời, lưu thông lúa gạo tốt, nông dân bán lúa vẫn đảm bảo có lãi trên 30%.

Trở ngại tái diễn

Theo Cục Trồng trọt, năm 2013 các tỉnh Nam bộ có kế hoạch gieo sạ 4.662.768 ha, giảm 27.662 ha, dự kiến sản lượng đạt 26.932.185 tấn, tăng 180.699 tấn so với năm 2012. Trong đó, các vụ lúa còn lại trong năm như vụ HT hơn 1,8 triệu ha (ĐBSCL hơn 1,6 triệu ha), tăng 23 ha so với HT 2012; vụ mùa 372.580 ha, tăng 4.408 ha so với vụ mùa 2012; vụ TĐ 803.000 ha, tăng thêm 21.988 ha vụ TĐ 2012.

Từ lâu vùng ĐBSCL được thiên nhiên ưu đãi mưa thuận, gió hòa. Đất trồng lúa tươi tốt nhờ phù sa và nguồn nước sông Cửu Long dồi dào. Nhưng trong mấy năm gần đây thời tiết, khí hậu biến đổi bất thường. Một số địa phương gặp khó khăn khi bố trí lịch thời vụ. Tình trạng lúa ĐX vào giai đoạn cuối vụ bị khô hạn, mặn xâm nhập sâu vào đất liền tái diễn hàng năm đã ảnh hưởng năng suất và vườn cây ở các tỉnh ven biển.

Thực trạng này tiếp tục xảy ra với mức độ sau mỗi năm càng gay gắt hơn. Theo Trung tâm BVTV phía Nam, đến 15/3 Nam bộ có 300.000 ha lúa HT đã xuống giống. Thời vụ rơi vào mùa mưa nắng xen kẽ, tình trạng khô hạn, mặn xâm nhập đã gây thiệt hại ở một số vùng ven biển.

Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN- PTNT) xác nhận: Xâm nhập mặn sâu vào nội đồng đã xuất hiện sớm hơn khoảng một tháng so với trung bình nhiều năm (TBNN). Hiện mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng 40 - 50 km. Một số nơi ở Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh xâm nhập mặn tới 50 - 60 km với độ mặn dao động từ 3 - 4‰.

Do mặn xâm nhập sâu đã gây ra thiếu nước ngọt trong một số thời đoạn của vụ ĐX. Diện tích cây trồng thiếu nước cao nhất là 21.455 ha. Trong đó, Tiền Giang 20.917 ha, Bến Tre 308 ha, Sóc Trăng 230 ha và tại Bến Tre mặn gây mất trắng 308 ha lúa.

Biện pháp đối phó

Để tiếp tục sát cánh cùng nông dân chăm sóc vụ lúa HT và các vụ lúa tiếp theo trong năm, Tổng cục Thủy lợi đề ra giải pháp phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn bằng một số biện pháp như: Đóng cống ngăn mặn trữ nước ngọt kịp thời; đắp đập thời vụ trữ nước, củng cố bờ bao ngăn mặn; nạo vét một số trục kênh chính, trữ nước trên hệ thống kênh rạch nội đồng; sửa chữa các cống, bọng, điều tiết nước... nhằm tăng khả năng trữ nước ngọt, giữ kín nước, đảm bảo cấp nước sinh hoạt và phục phục vụ SX.

+ Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Vụ lúa ĐX vượt qua nhiều khó khăn trước diễn biến thời tiết bất thường vẫn trúng mùa. Chính sách tạm trữ triển khai kịp thời, giá lúa được nâng lên đáp ứng mong mỏi của nông dân. SX lúa ở Nam bộ đang theo hướng tăng cường cơ giới hóa, tổ chức SX theo chuỗi giá trị trong CĐML có nhiều ưu điểm và đang được các địa phương phát huy, mở rộng.

Tuy nhiên trong điều kiện SX lúa và tiêu thụ chưa được tốt, các địa phương cần tổ chức được khâu sấy lúa tốt hơn, tạo điều kiện cho nông dân có thể tạm trữ đến khi giá có lợi nhất để bán.

Song song đó theo dõi, giám sát mặn thường xuyên, vận hành hợp lý các công trình đảm bảo tiêu thoát, ngăn mặn và đưa nước ngọt về và chủ động trữ nước, lấy nước trong điều kiện cho phép.

TS Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam cho rằng: Vụ lúa HT tình hình sâu bệnh vẫn còn đe dọa. Qua theo dõi vụ lúa ĐX, nông dân còn lạm dụng thuốc trong xử lý giống, sử dụng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm; bón phân thừa phân đạm; diện tích sâu cuốn lá nhỏ bộc phát. Phun xịt thuốc không đúng lúc, không hiệu quả, thiên địch không còn, rầy nâu bộc phát. Bệnh đạo ôn, đạo ôn cổ bông tăng.

Vì vậy, vụ lúa HT cần lưu ý áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh theo khuyến cáo của cơ quan BVTV địa phương, nhất là trong tình hình dự báo lúa HT 2013 gặp khô hạn cuối vụ; bọ trĩ, bù lạch tấn công khi thiếu nước.

Tại hội nghị, một số ý kiến của cán bộ nông nghiệp các địa phương đặt lại vấn đề SX lúa hướng tới bền vững, cần có giải pháp, chính sách mở rộng CĐML và chủ động trong khâu tiêu thụ lúa hàng hóa. Cục Trồng trọt đề xuất biện pháp đồng loạt cày ải phơi đất kết hợp san phẳng mặt ruộng sử dụng laser sau mỗi vụ ĐX; không gieo sạ sớm, tuân thủ lịch thời vụ phù hợp với lịch gieo sạ của vùng; DN và nông dân tiếp tục liên kết phát triển CĐML, tồn trữ lúa, điều chỉnh cung cầu, tiếp cận được vốn ngân hàng hỗ trợ lãi suất và không còn cơ chế hỗ trợ thu mua tạm trữ.

+ Đến 18/3, ĐBSCL thu hoạch được 1.150.000/1.545.000 ha lúa ĐX, chiếm 75% diện tích xuống giống (giảm 30.000 ha do tỉnh Long An điều chỉnh lúa ĐX sớm sang vụ TĐ); tiến độ thu hoạch lúa nhanh hơn cùng kỳ 250.000 ha; năng suất bình quân đạt 6,8 tấn/ha, tương đương năm 2012; sản lượng ước đạt 10,6 triệu tấn. Giá thành lúa ĐX bình quân khoảng 3.600 đồng/kg. Dự kiến đến giữa tháng 4/2013 lúa ĐX thu hoạch dứt điểm.

Mô hình CĐML trong vụ ĐX 2012-2013 tại Nam bộ có hơn 76.000 ha. Quy mô từ 50 - 100 ha đến 400 - 500 ha/mô hình. Ở ĐBSCL có nhiều CĐML phổ biến 150 - 200 ha/mô hình.

+ Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4, dòng chảy ở hạ lưu sông Mê Kông tiếp tục giảm và ở mức TBNN cùng thời kỳ; mực nước triều vùng cửa sông Nam bộ sẽ xuống thấp dần và xuống mức thấp nhất vào tháng 6/2013. Tình hình khô hạn ở ĐBSCL còn tiếp tục xảy ra và có xu hướng mở rộng. Mặn tiếp tục xâm nhập sâu vào nội đồng và có khả năng kéo dài tới đầu tháng 5/2013. Trên sông Cửu Long, độ mặn 4‰ xâm nhập sâu từ 45 - 65 km.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Tỷ lệ tiêm vacxin phòng dại cho chó, mèo trung bình chỉ đạt 58%

Nhiều nơi không bố trí được cán bộ thú y để tiêm vacxin phòng chống dịch bệnh động vật nói chung, bệnh dại nói riêng.      

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm