| Hotline: 0983.970.780

Từ kẻ mót lúa chống đói đến ông "vua khoai lang"

Thứ Sáu 24/12/2010 , 10:34 (GMT+7)

Nhiều người biết đến Ba Hạo là một người đa tài. Bởi anh không chỉ là một nông dân trồng khoai lang giỏi mà còn là người say mê nghiên cứu khoa học ứng dụng...

Ngày 27/12 tới đây, tại Hà Nội sẽ diễn ra Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VIII. Trong số đại biểu xuất sắc được chọn đọc báo cáo tại Đại hội, ngành nông nghiệp đóng góp hai gương mặt là PGS.TS Nguyễn Thị Trâm (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) và ông Đỗ Quý Hạo (Ba Hạo), nông dân tỉnh Kiên Giang. NNVN xin giới thiệu về hai nhân vật tiêu biểu này.

Từ kẻ mót lúa chống đói đến ông "vua khoai lang"

Nhiều người biết đến Ba Hạo là một người đa tài. Bởi anh không chỉ là một nông dân trồng khoai lang giỏi mà còn là người say mê nghiên cứu khoa học ứng dụng, là nhà chế tạo cơ khí, nhà quản lý, nhà kinh doanh. Ở lĩnh vực nào anh cũng gặt hái được thành công.

"Muốn làm gì cũng phải học"

Tôi tìm đến trang trại khoai lang Ba Hạo (xã Mỹ Hiệp Sơn, Hòn Đất, Kiên Giang) đúng vào dịp ông đang chuẩn bị đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII tại Hà Nội. Mặc dù nằm giữa vùng rốn lũ Tứ giác Long Xuyên, mùa nước nổi vừa rút đi, xung quanh lúa Đông Xuân mới được gieo sạ xanh đất nhưng Ba Hạo vẫn có gần 16ha khoai lang chuẩn bị cho thu hoạch bán vào dịp Tết.

Ba Hạo trồng được khoai lang trong mùa nước lũ là nhờ toàn bộ khu trang trại rộng 52ha đã được đắp đê bao khép kín. Ở một góc trang trại, Ba Hạo đang hướng dẫn công nhân hàn, tiện chế tạo các loại máy móc cơ giới phục vụ sản xuất. Xung quanh trang trại có rất nhiều chiếc máy cày đã được Ba Hạo cải tiến lại thành những chiếc máy chuyên dụng để làm đất, lên luống, vùi phân, xịt thuốc, thu hoạch khoai…

Những chiếc mày cày vốn rất quen thuộc nhưng khi được Ba Hạo gắn thêm những bộ phận cơ khí tự chế trông khá lạ lẫm. Thấy tôi, Ba Hạo phủi phủi đôi tay lem luốc dầu mỡ rồi chìa ra bắt tay: “Sang bên văn phòng nói chuyện. Ở đây toàn là đe búa, ồn ào lắm”.  Con đường dẫn vào trung tâm trang trại đã được Ba Hạo cho đổ đá bụi, hai bên trồng rất nhiều cây cảnh sang trọng chẳng thua kém bộ mặt văn phòng của những Cty mà tôi đã từng đến. Trong đó có nhiều cây được gắn biển do các đoàn đến thăm, các vị giáo sư, lãnh đạo trồng tặng.

Ba Hạo tên thật là Đỗ Quý Hạo, xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng quê lúa Thái Bình. Năm 1980, trong một chuyến tình cờ đến Hòn Đất, thấy đất đai rộng mênh mông, Ba Hạo đã về đưa vợ con vào đây lập nghiệp. Ba Hạo nhớ lại: "Nghĩ hồi đó mình cũng liều, trình độ học vấn mới hết lớp 7, vừa đi bộ đội về, vốn liếng chỉ là hai bàn tay trắng. Biết làm gì để nuôi vợ con. Những ngày đầu đến Kiên Giang, tôi bắt đầu đi làm thuê và mót lúa còn sót trên ruộng để kiếm sống”.

Nhờ những năm tháng đi làm thuê, Ba Hạo đã học lỏm được nghề trồng dưa hấu và tích góp được ít vốn mua ruộng, sản xuất theo mô hình một vụ lúa một vụ dưa. Tuy đã thoát kiếp làm thuê nhưng gia đình vẫn thiếu trước, hụt sau. Sản xuất thì vụ trúng, vụ thất hàng hóa làm ra nhiều khi không bán được. Nhiều đêm nằm suy nghĩ tìm lối thoát nghèo, Ba Hạo nghiệm ra một điều: "Muốn làm cái gì thì cũng phải học". Mình có quần quật suốt ngày trên đồng ruộng, châm lấm tay bùn, cần cù tiết kiệm nhưng lại thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất và kinh doanh thì khó mà vươn lên được.

Ban ngày đi làm, đêm về đốt đèn dầu Ba Hạo lấy các sách Toán, Hóa, Sinh phổ thông ra tự học. Sau đó, ông tiếp tục tìm kiếm các loại sách về kỹ thuật nông nghiệp để học hỏi, có tiền thì đến nhà sách mua, không tiền thì vào thư viện ngồi đọc. Chính nhờ những ngày lang thang tìm sách đọc mà Ba Hạo đã có duyên nợ với cây khoai lang.
Vậy là Ba Hạo quyết tâm tìm cách học hỏi kiến thức. Ba Hạo cho biết: “Đọc xong quyển sách kỹ thuật thâm canh khoai lang của giáo sư Lộc, tôi thấy rất mê. Nhưng cũng thấy băn khoăn không biết có làm được không vì vùng đất này bị nhiễm phèn nặng, ít ai trồng khoai lang”. Nghĩ vậy, nhưng Ba Hạo vẫn liều trồng thử nghiệm trên diện tích 1ha. Và ngay vụ đầu tiên cây khoai lang đã cho kết quả bất ngờ, lợi nhuận cáo gấp 2-3 lần trồng lúa. Vậy là đã có hướng đi, Ba Hạo lại tìm thêm nhiều sách vở để đọc và sưu tầm thêm các giống khoai mới. Trong đó có khoai Nhật, khoai bí đường xanh, khoai mật, khoai lang nghệ... được ông trồng thành công trên vùng đất nhiễm phèn.

Thấy tự học chưa đủ, Bạ Hạo bàn với vợ mướn người làm, để mình có nhiều thời gian đi học. Cả chục năm trời, người ta thấy ông hết ngồi ở giảng đường ĐH Cần Thơ lại qua ĐH An Giang, có khi lên tận ĐH Nông Lâm ở TPHCM để làm sinh viên dự thính. Qua đó, Ba Hạo đã học hỏi thêm được nhiều kiến thức kỹ thuật chuyên canh khoai lẫn kiến thức quản lý, kinh doanh. Có kiến thức rồi, Ba Hạo bắt tay vào trồng khoai lang theo hướng chuyên nghiệp.

 Ông mạnh dạn thuê đất mở rộng diện tích và mở hẳn một phòng thí nghiệm ở giữa đồng để nghiên cứu về các loại sâu, bệnh hại khoai lang. Khi bí thì lại mang mẫu bệnh lên các trường nhờ các giáo sư trợ giúp. Ông còn học được cách dùng chất Pheromone để dẫn dụ bọ hà bò lên lá khoai lang rồi phun thuốc diệt đạt hiệu quả cao. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà ruộng khoai của Ba Hạo năng suất ngày càng cao.

Thành công Ba Hạo tự tin bỏ ra mỗi năm hàng ngàn giạ lúa thuê hẳn 50ha đất (7tấn lúa/ha/năm) để xây dựng trang trại chuyên canh khoai lang, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 2.500 tấn khoai các loại. Hiện trang trại đang từng bước thực hiện lộ trình Global GAP. Ông còn lập hẳn trang web khoailangbahao.com để quảng bá và bán sản phẩm ra nước ngoài.

Không dừng lại ở đó, ông còn đầu tư mở xưởng cơ khí vừa sửa chữa vừa chế tạo ra nhiều loại máy chuyên dụng phục vụ trồng khoai lang, giúp tăng năng suất lao động. Trong đó, đáng chú ý như máy lên luống tự động kết hợp bón phân, công suất 7ha/ngày tương đương với 200 lao động làm thủ công. Máy thu hoạch khoai có thể thay thế cho 40 lao động mà lại giảm được hao hụt (gãy khoai) so với bới thủ công. Ngoài ra, còn có máy phun thuốc, máy làm cỏ kết hợp bón phân, máy đào mương…

Ấp ủ du lịch khoai lang

Từ hai bàn tay trắng, bây giờ Ba Hạo đã được nhiều người biết đến với cái tên “vua khoai lang” miền Tây. Không chỉ sản xuất, ông còn mạnh dạn đưa những củ khoai lang vốn là thực phẩm của người nghèo ăn cho đỡ đói lúc giáp hạt thành mặt hàng xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Thành công đã có nhưng vốn là con người ham học hỏi, Ba Hạo không chịu bằng lòng với những gì mình đã đạt được.

Nói về chiến lược phát triển trong thời gian tới, Ba Hạo bật mí: “Mình đang theo đuổi chiến lược đại dương xanh”. Đó là: “Tìm khoảng trống trong thị trường, vô hiệu hóa cạnh tranh, biến đối thủ thành đối tác”. Ba Hạo cắt nghĩa: “Trong sản xuất mình muốn đạt hiệu quả cao thì phải biết đưa ra những chiêu độc. Chẳng hạn mùa nước nổi, không ai trồng được khoai lang mà mình trồng được thì mới dễ tiêu thụ, lại bán được giá cao. Lúc này không ai cạnh tranh nên không sợ bị đụng hàng dội chợ”.

Muốn làm được như vậy thì cần phải có vốn lớn, làm trang trại khép kín, trồng được cả khoai trong mùa nghịch. “Khi mình thụ hoạch khoai thì cũng là lúc người ta trồng, mình vừa bán được củ, vừa bán dây làm giống. Khi người ta thu hoạch thì mình thu mua lại củ để xuất khẩu”, vậy là đối thủ đã thành đối tác- Ba Hạo nói.

Ba Hạo còn đang ấp ủ ý định thành lập mô hình du lịch nông nghiệp tại trang trại với tên gọi “Vương quốc khoai lang”. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cánh đồng sản xuất khoai lang, khu lưu giữ khoai lang giống với hàng trăm loại được sưu tập khắp nơi trên thế giới, được nghiên cứu về sâu bệnh khoai lang và lái thử nghiệm các loại máy canh tác khoai lang tự chế có một không hai. Tối được ngủ trong những ở những ngôi nhà lá kiểu Nam bộ, thưởng thức các món ăn dân dã chế biến từ khoai lang.

Du khách cũng có thể tự mình trồng khoai, hái rau, chế biến món ăn theo sở thích của mình. Tuy nhiên, Ba Hạo cũng còn trăn trở do đường từ kênh xáng đi ngang qua khu trang trại chưa được chính quyền đầu tư làm. Điện lưới quốc gia cũng chưa có, mọi thứ vẫn còn phải nhờ vào máy điện.

Chia tay Ba Hạo, chúng tôi chạy xe chậm chậm trên con đê quanh trang trại để thăm quan một vòng. Trời xế chiều, gió vi vu thổi, mùi thơm từ cánh đồng khoai bay lên. Côn trùng rả rích gọi nhau. Tôi dừng hẳn xe lại ở một góc trang trại, hít mạnh một hơi thở thật sâu. Không khí tự nhiên làm cho con người có cảm giác sảng khoái lạ thường, khác hẳn với cái mát mẻ nhưng ngột ngạt trong các phòng điều hoà hiện đại. Ở góc trang trại bên kia, xưởng cơ khí của Ba Hạo đã lên đèn.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm