| Hotline: 0983.970.780

Từ Tân Trào về Hà Nội: Đôi vợ chồng dự Quốc dân Đại hội Tân Trào

Thứ Tư 19/08/2015 , 06:35 (GMT+7)

Tròn 70 năm trước, đôi vợ chồng duy nhất là đại biểu tham dự Quốc dân Đại hội tại Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), đó là ông Dương Đức Hiền và bà Thanh Thủy./ Lên chiến khu

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, trong một gia đình quan lại (cha là Tri huyện, ông nội và ông ngoại đều làm quan thời Tự Đức, bà ngoại và mẹ buôn bán giàu có ở phố Hàng Bồ và Thuốc Bắc…).

Dù “sống trên nhung lụa” nhưng Thanh Thủy đã sớm được giác ngộ cách mạng, hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên yêu nước, dưới sự lãnh đạo của Tổng hội Sinh viên Đông Dương do Dương Đức Hiền đứng đầu và là người dìu dắt, người bạn đời sau này của bà.

Chuyến “trăng mật” đặc biệt

Trong hồi ký mang tên “Tình yêu và lý tưởng”, bà Thanh Thủy kể lại: Cuối tháng 7/1945, tôi nhận được chỉ thị về cơ quan Xứ ủy nhận nhiệm vụ mới. Sau khi bàn giao công tác cho đồng chí Vũ Quốc Uy, tôi về thẳng nhà đồng chí Tiêu ở Tây Mỗ, cơ quan giao thông của Xứ ủy.

Về đây, tôi mới biết là tôi được cử vào đoàn đại biểu Đảng Dân chủ Việt Nam đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào. Đoàn gồm 8 người, trong đó có các anh chị: Dương Đức Hiền, Nguyễn Dương Hồng, Cù Huy Cận, Thanh Thủy, Vũ Công Thuyết…

Suốt đêm ngồi trên tàu, mệt quá, tôi nằm nghỉ và ngủ thiếp đi. Vừa mở mắt ra, tôi thấy ngay anh Hiền đang đứng cạnh giường, chăm chú nhìn tôi. Tôi bật ngồi dậy, ôm cổ anh khóc, khóc mãi. Anh nhẹ nhàng gỡ tay tôi ra.

Trên đường lên Tân Trào, anh Hiền chăm sóc tôi một cách hết sức chu đáo, trìu mến. Tôi rất ngượng, đã có lần tôi gắt khẽ anh: - Anh đừng làm thế, các anh ấy cười cho.

Một buổi chiều, một nhóm đại biểu chúng tôi quây quần trò chuyện, anh Trường Chinh nhìn anh Hiền và tôi, đôi mắt ánh lên nụ cười hóm hỉnh, anh nói:

- Đối với chúng ta thì đây là chuyến đi dự Quốc dân Đại hội, nhưng với “cặp” này còn là chuyến đi “trăng mật” nữa đây, có phải không bạn?

Và anh cười thoải mái, rất vui.

Từ hôm sau, cái cảm giác ngượng ngùng trong tôi đột nhiên biến hẳn. Anh Hiền vẫn tiếp tục chăm sóc tôi tỉ mỉ.

Tự nhiên tôi nhận thấy rất rõ hương vị ngọt ngào êm dịu “trăng mật” rất hạnh phúc của chúng tôi; đồng thời cũng hiểu được ý nghĩa đáng tự hào của chuyến đi dự Quốc dân Đại hội của hai vợ chồng tôi.

“Bà Tổng đốc”

Trưa ngày 16/8, chúng tôi lên tới Tân Trào.

Vừa rửa mặt xong, đã có đồng chí đến giục ăn mặc chỉnh tề ra dự lễ xuất phát của đoàn Quân giải phóng đi đánh Thái Nguyên.

Dưới bóng cây đa cổ thụ, đoàn quân đứng im phăng phắc, trật tự, oai nghiêm. Sau khi đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) đọc lệnh xuất phát, đồng chí Trần Huy Liệu thay mặt Đại hội chào mừng đơn vị giải phóng quân và chúc đơn vị đánh thắng quân Nhật ở Thái Nguyên.

Tôi được thay mặt đại biểu nữ trong Đại hội lên nói. Tôi cảm động quá, nghẹn lời, chỉ nói được mấy câu:

- Các đồng chí tiến lên, giải phóng Thái Nguyên rồi tiến thẳng về Hà Nội. Hẹn gặp nhau giữa Thủ đô hoàn toàn độc lập.

Hồi ấy, Bác ốm nhiều nhưng cũng cố gắng đến dự Đại hội. Bác mặc bộ quần áo chàm quen thuộc của các cụ già Nùng. Nhiều đại biểu không biết Bác là ai nhưng tất cả đều tôn kính gọi Bác là Ông Cụ, vị đại biểu nhiều tuổi nhất của Đại hội.

Lúc Đại hội sắp khai mạc, nhà tôi (anh Dương Đức Hiền) gọi tôi: - Em vào đây, anh giới thiệu với Ông Cụ.

Tôi đang bối rối chưa biết chào như thế nào thì Bác rất tự nhiên, hỏi ngay: - Cô công tác ở đâu?

- Dạ, thưa, cháu công tác ở Hải Phòng, Kiến An và Quảng Yên ạ.

- Ba tỉnh kia à, thế thì bằng Tổng đốc rồi còn gì!

Câu nói vui của Bác làm cả ba chúng tôi cùng cười và tôi cũng hết lúng túng.

Lễ cưới đặc biệt

Đại hội thảo luận nhiều vấn đề quan trọng: Chính sách đối nội, đối ngoại, biểu quyết lệnh Tổng khởi nghĩa và bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng (trong đó có anh Dương Đức Hiền). Vì tình hình gấp rút, Đại hội chỉ họp 2 ngày.

Hôm chia tay, chúng tôi ngồi vòng tròn trên sàn nhà. Bác lần lượt chia quà tặng mọi người. Đến lượt chúng tôi, Bác hỏi: - Cô chú đã có cháu chưa?

- Dạ, chưa ạ.

- Thế tôi tặng bánh xà phòng thơm này, mau có cháu, tắm cho bé nhé!

Mọi người cười ồ. Chúng tôi nắm chặt món quà quý, thấy tấm lòng Bác rộng mênh mông, thông cảm và thu phục tất cả mọi người.

Ngày 20/4/1946 là ngày “đặc biệt” của cuộc đời tôi.

Chúng tôi lấy nhau từ năm 1944. Hồi ấy, chúng tôi đã làm lễ cưới theo phong tục tập quán với đủ mọi lễ nghi: Đưa dâu, đón dâu, lễ tơ hồng, nhị hỷ... Nhưng chúng tôi không đăng ký kết hôn dưới chính quyền thực dân Pháp. Đúng hai năm sau ngày cưới, ngày 20/4/1946, chúng tôi mới làm lễ đăng ký kết hôn dưới chính quyền cách mạng của ta.

Chúng tôi mời Bác đến chứng kiến lễ cưới chính thức, hợp pháp của chúng tôi. Bác nhận lời và Bác đến rất đúng giờ.

Lễ đăng ký xong, Bác bảo tôi: - Cô dâu phát biểu đi chứ!

Tôi đỏ mặt, ấp úng. Bác cười, nói ngay, gỡ bí cho tôi: Cô dâu cách mạng mà cũng thẹn, không nói được à? Thế thôi vậy, tha cho.

Bà Thanh Thủy (tức Nguyễn Thị Khánh Thuận), sinh ngày 2/10/1924, và mất ngày 16/8/2003, đúng dịp kỷ niệm 58 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào (16 -17/8/1945).

Sau Đại hội Tân Trào, bà được điều về công tác ở Báo Cứu quốc, rồi tham gia sáng lập báo Tiếng gọi phụ nữ, tham gia Ban Phụ vận Trung ương Đảng, phụ trách Ban Tuyên huấn của Hội LHPN Việt Nam… Còn ông Dương Đức Hiền, nguyên Bộ trưởng Bộ Thanh niên, Phó Chủ tịch Hội Liên Việt (nay là Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), đã ra đi trước bà tròn 40 năm - năm 1963.

Hai người con của ông bà đều trở thành những cán bộ khoa học có uy tín. Đó là PGS.TS Dương Đức Hồng, nguyên Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Bách khoa Hà Nội và TS Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tư pháp (Bộ Tư pháp).

 

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Đội tuyển Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất

Ngày 6/1, Chủ tịch nước Lương Cường đã ký quyết định về việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đội tuyển bóng đá nam quốc gia.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.