| Hotline: 0983.970.780

Ứng phó kịp thời, bảo vệ an toàn dân vùng sạt lở nghiêm trọng ĐBSCL

Thứ Hai 15/05/2017 , 19:42 (GMT+7)

Ngày 15/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đã đến khảo sát thực tế điểm sạt lở tại tổ 14, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới - An Giang.

Đồng thời thăm hỏi, chia sẻ khó khăn với những hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở hoàn toàn xuống sông ngày 22/4 vừa qua.

18-18-17_nh-4
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi, động viên, tặng quà cho 16 hộ gia đình bị mất nhà do sạt lở

Gặp gỡ người dân và chính quyền địa phương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Qua đó, yêu cầu tỉnh An Giang tiếp tục phối hợp tốt với các Bộ, ngành chức năng nghiên cứu, hoàn thành đánh giá về hiện tượng sụt lún để có biện pháp xử lý hiệu quả. Chủ động rà soát, di dời những hộ trong vùng sạt lở đến nơi ở an toàn, không để hộ nào gặp khó khăn.

Chiều cùng ngày, tại UBND tỉnh An Giang, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT... đã có buổi làm việc với một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL về công tác phòng chống sạt lở.

Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, hiện nay tại vùng ĐBSCL có 406 điểm sạt lở, dài 891 km, trong đó có những đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm như vụ sạt lở bờ sông tại sông Vàm Nao với chiều dài 70m, làm sập 18 căn nhà, 91 căn nhà bị ảnh hưởng phải di dời, cắt đứt tuyến giao thông liên xã. Còn sạt lở bờ sông Tiền thuộc xã Bình Thành, huyện Thanh Bình - Đồng Tháp, chiều dài 600m, uy hiếp 108 hộ phải di dời khẩn cấp và 119 hộ bị ảnh hưởng; sạt lở kè Gành Hào ở Bạc Liêu.

18-18-17_nh-2
Phó Thủ tướng Trịnh Dình Dũng trực tiếp chỉ đạo khắc phục sạt lở tại hiện trường xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới - An Giang

Ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, trong những năm qua, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng ngay cả trong mùa khô, đặc biệt là sạt lở dọc các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao: năm 2010 sạt lở bờ sông nghiêm trọng đã xâm thực vào quốc lộ 91 đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, với chiều dài 150m; năm 2012 sạt lở tại phường Bình Đức - TP Long Xuyên với chiều dài 80m (điểm sạt lở cách quốc lộ 91 khoảng 40-50m), tại phường Bình Khánh - TP Long Xuyên với chiều dài 112m, tại xã Phú An, huyện Phú Tân với chiều dài 130m (điểm sạt lở cách tỉnh lộ 954 khoảng 10m); năm 2014 sạt lở tại khóm Long Thạnh, phường Long Châu, TX Tân Châu với chiều dài 100m làm ảnh hưởng rất lớn đến cơ sở hạ tầng, công trình giao thông trong khu vực.

Theo kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở đất bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang cho thấy hiện có 51 đoạn nằm trong cảnh báo sạt lở (dọc sông Tiền có 11 đoạn, sông Hậu 26 đoạn, sông Bình Di 1 đoạn, sông Châu Đốc 2 đoạn, sông Vàm Nao 2 đoạn, kênh Xáng Tân An 4 đoạn, kênh Ông Chưởng 5 đoạn, với tổng chiều dài khoảng 162.550m, gây ảnh hưởng cho 20.000 hộ dân, trong đó có hơn 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở, gây khó khăn đến đời sống, sinh hoạt sản xuất của người dân.

Tình hình sạt lở tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, trong 5 tháng đầu năm 2017 đã xảy ra 15 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, ở An Phú 6 điểm, chợ mới 3 điểm, Tân Châu 4 điểm, Phú Tân 2 điểm, với chiều dài sạt lở 1.224m, ảnh hưởng đến 170 căn nhà, có 18 căn nhà đã sụp hoàn toàn xuống sông cùng với nhiều tài sản, công trình hạ tầng khác, đã di dời khẩn cấp 136 căn, phải di dời thêm các hộ dân vùng lân cận có nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết: Kết quả khảo sát của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã sơ bộ nhận định một số nguyên nhân gây ra các vụ sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh An Giang nói chung và sạt lở tại bờ sông Vàm Nao, đoạn chảy qua ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới nói riêng là do: Các đập thượng nguồn giữ lại bùn cát nên dòng chảy hạ lưu bị đói bùn cát, để cân bằng năng lượng dư thừa buộc dòng nước phải bào xói bờ. Kết quả điều tra khảo sát, tính toán ổn định mái dốc cho thấy tại nhiều vị trí mặt cắt hệ số ổn định K < 1.000, bờ sông có nguy cơ mất ổn định cao.

18-18-17_nh-3
Ảnh: LHV

Người đứng đầu Bộ TN-MT kiến nghị và đề xuất Thủ tướng Chính phủ, trước mắt, chỉ đạo UBND tỉnh An Giang triển khai ngay việc hỗ trợ, tái định cư cho người dân khu vực sạt lở để đảm bảo sớm ổn định đời sống. Triển khai ngay một số giải pháp mềm như sử dụng các rọ đá, phên liếp, cọc tre, cọc gỗ, bao tải cát đặt tại ngay phía ngoài đường bờ, dọc theo đường bờ giúp cho đường bờ tăng khả năng chống chọi với vận tốc dòng lớn và các tác động do giao thông thủy gây ra để đảm bảo an toàn cho các khu vực có nguy cơ không để việc sạt lở lan rộng vào khu dân cư.

Kết luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nếu không ứng phó kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng về lâu dài, trong đó tác động trực tiếp là khai thác các công trình đầu nguồn đập thủy điện. "Đối với ĐBSCL nếu khai thác công trình đầu nguồn không có trách nhiệm bảo vệ, sử dụng không khôn khéo thì tình trạng sạt lở đang xảy ra ở nhiều nơi vùng ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng đặc biệt là ở An Giang, Đồng Tháp", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành cùng UBND tỉnh An Giang và Đồng Tháp sớm khắc phụ sạt lở bờ sông đồng thời có những đánh giá tổng hợp khoa học cả về tình hình, nguyên nhân từ đó đề ra giải pháp đồng bộ để đưa ra lộ trình phù hợp.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT thường xuyên kiểm tra các công trình ven sông ven biển để kịp thời bảo vệ công trình chống sạt lở, kiểm tra khai thác cát sỏi ven sông ven biển, đặc biệt là việc khai thác trái phép, không đúng quy hoạch, khai thác phải có quy hoạch và với mục đích khơi nguồn giao thông đường thủy.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

ABIC Kiên Giang chi trả gần 700 triệu đồng cho khách hàng

Cà Mau Ngày 25/4, ABIC Kiên Giang phối hợp với Agribank Cà Mau chi trả bảo hiểm Bảo an tín dụng cho gia đình 3 khách hàng không may gặp rủi ro khi lao động sản xuất.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm