| Hotline: 0983.970.780

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Thứ Sáu 19/04/2024 , 10:18 (GMT+7)

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Do các nhà máy thủy điện thực hiện xả nước phát điện theo giờ nên ảnh hưởng các công trình thủy lợi. Ảnh: Thanh Tiến.

Do các nhà máy thủy điện thực hiện xả nước phát điện theo giờ nên ảnh hưởng các công trình thủy lợi. Ảnh: Thanh Tiến.

Bỏ lúa trồng cây màu nhưng vẫn khó khăn

Trên cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ) từ đầu vụ sản xuất đông xuân đến nay xảy ra tình trạng thiếu nước tưới cục bộ. Thời điểm này, diện tích lúa trên cánh đồng đang thời kỳ làm đòng, trỗ bông, nhu cầu về nước rất cấp thiết. Nếu không đảm bảo cung ứng nước tưới có thể làm giảm năng suất, thậm chí gây mất mùa.

Gia đình chị Hoàng Thị Sách ở thôn Co Hả, xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ có gần 4 sào ruộng, trước đây thường xuyên cấy 2 vụ/năm. Tuy nhiên, những năm gần đây do tình trạng thiếu nước sản xuất nên chị Sách đã chuyển sang trồng cây màu như dưa chuột, dưa hấu, chỉ giữ lại 1 sào gieo cấy lúa nhưng thiếu nước nên năng suất bấp bênh.

Diện tích lúa 2 vụ được chị Sách chuyển sang trồng dưa hấu nhưng vẫn rất khó khăn vì thiếu nước tưới. Ảnh: Thanh Tiến.

Diện tích lúa 2 vụ được chị Sách chuyển sang trồng dưa hấu nhưng vẫn rất khó khăn vì thiếu nước tưới. Ảnh: Thanh Tiến.

Theo chị Sách, nếu có đủ nước thì mới khử độc tố trong đất, đủ độ ẩm để cây màu sinh trưởng tốt. Diện tích dưa hấu của chị đã phải gieo hạt đến lần thứ 3 nhưng vẫn vàng úa, chậm phát triển. Hàng ngày chị Sách phải dùng xô gánh nước ở khe suối tưới cho diện tích cây trồng, vất vả nhưng hiệu quả không cao.

Chung hoàn cảnh như chị Sách, gia đình ông Lường Văn Liên ở thôn Nà Đường, xã Thạch Lương có gần 5 sào ruộng. Cánh đồng của thôn nằm ở cuối tuyến của công trình thủy lợi nên thường xuyên thiếu nước tưới. Hiện nay, mặt ruộng khô hạn nứt nẻ, cây lúa chậm phát triển, có nguy cơ mất mùa.

Ông Liên giãi bày, diện tích lúa thiếu nước mà không có biện pháp nào cứu, chỉ trông chờ vào nước mưa. Phía đầu nguồn công trình thủy điện tích nước, chỉ xả phát điện theo giờ, nước tưới không mấy khi chảy về đến ruộng của gia đình ông. Khoảng hơn 5 sào trồng dưa hấu cũng trong tình trạng khô hạn chỉ có thể khắc phục bằng việc dùng xô, chậu lấy nước đọng dưới suối, vận chuyển bằng xe máy để tưới chống hạn.

Dòng suối Thia luôn trong tình trạng cạn trơ đáy. Ảnh: Thanh Tiến.

Dòng suối Thia luôn trong tình trạng cạn trơ đáy. Ảnh: Thanh Tiến.

Thủy điện xả nước theo giờ nên thiếu nước sản xuất

Vài tháng qua, tình trạng thiếu nước sản xuất trên cánh đồng Mường Lò gây khó khăn cho Công ty TNHH Tân Phú (đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi tại tỉnh Yên Bái).

Hiện nay, công ty đang quản lý vận hành công trình thủy lợi Nang Phai (thị xã Nghĩa Lộ) với chiều dài 26 km kênh dẫn, phục vụ tưới tiêu, cấp nước cho hơn 640 ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản của hơn 3.300 hộ dân thuộc các xã, phường như: Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Nghĩa Lợi, Nghĩa An, Tân An, Cầu Thia, Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ).

Công trình thủy lợi Nang Phai gồm 1 đập tràn và hệ thống kênh mương, thiết kế tự chảy 24/24, trước đây khi chưa xây dựng công trình thủy điện Noong Phai toàn bộ diện tích hơn 640 ha được tưới tiêu đảm bảo cho người dân cấy 2 vụ lúa, một số diện tích có thể trồng thêm cây màu vụ đông.

Lượng nước tưới trên hệ thống kênh mương không đáp ứng được cho sản xuất nông nghiệp do thủy điện xả nước theo giờ. Ảnh: Thanh Tiến.

Lượng nước tưới trên hệ thống kênh mương không đáp ứng được cho sản xuất nông nghiệp do thủy điện xả nước theo giờ. Ảnh: Thanh Tiến.

Thời gian qua, tình hình khô hạn, ít mưa xảy ra thường xuyên ở vùng cao, nguồn nước trên các khe suối ngày càng cạn kiệt. Tình trạng này gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và việc vận hành sản xuất của các nhà máy thủy điện. 

Hệ thống các công trình thủy điện trên dòng suối Thia tại Yên Bái được xây dựng kiểu bậc thang, các nhà máy thủy điện tích nước, duy trì hoạt động phát điện theo giờ làm ảnh hưởng đến vận hành tưới tiêu của công trình thủy điện.

Cụ thể, hiện nay, Nhà máy thủy điện Noong Phai chỉ xả nước 5 giờ/ngày (sáng từ 9h30 - 11h30, tối từ 17h- 20h) nên không đủ nước tưới để phục vụ sản xuất. Những năm gần đây, do không đảm bảo nước tưới để gieo cấy lúa nên một số hộ dân đã chuyển đổi hàng chục ha sang trồng rau màu. Tuy nhiên, một số diện tích lúa, cây màu của bà con vẫn chịu ảnh hưởng do thiếu nguồn nước, năng suất không ổn định.

Đập tích nước của nhà máy thủy điện Noong Phai. Ảnh: Thanh Tiến.

Đập tích nước của nhà máy thủy điện Noong Phai. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Đỗ Xuân Thành - Giám đốc chi nhánh Văn Chấn (Công ty TNHH Tân Phú) cho biết, do ảnh hưởng của nhà máy thủy điện nên công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Do thời gian xả nước của nhà máy quá ít, chiều dài kênh dẫn 26 km nên lượng nước chưa chảy về đến điểm cuối kênh dẫn thì đã hết thời gian xả. Hầu như toàn bộ diện tích bãi tưới cuối kênh dẫn đều trong tình trạng thiếu nước.

Công ty TNHH Tân Phú đã nạo vét, phát dọn, phân dẫn nước, thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa các van điều tiết hồ chứa để điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, hạn chế thất thoát nước. Đồng thời bố trí công nhân phân dẫn nước vào buổi tối theo khung giờ xả của nhà máy thủy điện để tận dụng tối đa nguồn nước tưới phục vụ sản xuất. Nếu không có người của công ty điều tiết tại các cửa chia nước thì người dân ở đầu kênh sẽ lấy ồ ạt dẫn tới lượng nước chảy về cuối kênh hầu như không có.

Mỗi ngày thủy điện chỉ xả nước vận hành 5 giờ nên nguồn nước không tới được các diện tích đất nông nghiệp ở phía cuối tuyến kênh mương thủy lợi. Ảnh: Thanh Tiến.

Mỗi ngày thủy điện chỉ xả nước vận hành 5 giờ nên nguồn nước không tới được các diện tích đất nông nghiệp ở phía cuối tuyến kênh mương thủy lợi. Ảnh: Thanh Tiến.

Công trình thủy điện Noong Phai được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2018 với công suất thiệt kế 21,2 MW. Công trình xây dựng đập chặn dòng suối Ngòi Thia tạo thành hồ chứa, lưu lượng phát điện đảm bảo là 3,2m3/s. Hồ chứa vận hành theo chế độ điều tiết ngày đêm với lưu lượng phát điện lớn nhất qua nhà máy là 26,88 m3/s, lưu lượng phát điện đảm bảo là 3,2 m3/s.

Cần ưu tiên nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp

Ông Bùi Văn Tuấn - Phó Giám đốc Nhà máy thủy điện Noong Phai cho biết, hiện nay đang trong mùa khô, lượng nước trên khe suối xuống thấp, nhà máy phải thực hiện điều tiết xả nước phát điện theo giờ để đảm bảo vận hành hoạt động.

Phía thượng nguồn của dòng suối Thia còn 2 nhà máy thủy điện là Trạm Tấu và Hát Lìu, các nhà máy xây dựng đập chặn suối theo kiểu bậc thang nên các công trình phía dưới cũng phụ thuộc nguồn nước trong việc vận hành xả nước của các công trình trên.

Để đảm bảo nước tưới cho lúa và cây màu của người dân ở các địa phương, nhà máy sẽ giảm công suất phát điện và kéo dài thời gian hoạt động, cắt cử công nhân phối hợp với Công ty Tân Phú điều tiết đủ nước tưới phục vụ sản xuất cho bà con.

Tỉnh Yên Bái yêu cầu các nhà máy thủy điện ưu tiên nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Ảnh: Thanh Tiến.

Tỉnh Yên Bái yêu cầu các nhà máy thủy điện ưu tiên nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Ảnh: Thanh Tiến.

Theo thông tin của Công ty TNHH Tân Phú, hiện nay tại thị xã Nghĩa Lộ có một số công trình thủy lợi bị ảnh hưởng bởi hoạt động của các nhà máy thủy điện. Cụ thể, công trình thủy lợi Nang Phai ảnh hưởng bởi nhà máy thủy điện Noong Phai; công trình thủy lợi Tà Kọn, Suối Đôi ảnh hưởng bởi thủy điện Nậm Tục; công trình thủy lợi 19/5 ảnh hưởng do nhà máy thủy điện Nậm Đông IV.

Trong chuyến kiểm tra thực tế tại công trình thủy lợi Nang Phai, ông Đinh Đăng Luận - Giám đốc Sở NN-PTNT Yên Bái đã yêu cầu các nhà máy thủy điện phải ưu tiên nước tưới cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Không được để lúa, cây màu bị khô hạn, thiếu nước làm giảm năng suất hoặc gây mất mùa cho bà con. Trong thời điểm khó khăn chung phải giảm công suất phát điện, kéo dài thời gian xả nước, phối hợp với công ty thủy nông có phương án điều tiết nước hồ chứa cung cấp cho hạ du đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, nhất là trong mùa khô.

Giám đốc sở NN-PTNT Đinh Đăng Luận (thứ hai từ bên trái) và Sở Công thương Vũ Vinh Quang (ngoài cùng bên trái) trực tiếp chỉ đạo chống hạn tại thị xã Nghĩa Lộ. Ảnh: Thanh Tiến.

Giám đốc sở NN-PTNT Đinh Đăng Luận (thứ hai từ bên trái) và Sở Công thương Vũ Vinh Quang (ngoài cùng bên trái) trực tiếp chỉ đạo chống hạn tại thị xã Nghĩa Lộ. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Vũ Vinh Quang, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Yên Bái cho biết thêm, Sở yêu cầu các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm một số nội dung như: phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi xây dựng hồ chứa và vùng hạ du xây dựng kế hoạch điều tiết, vận hành các hồ chứa thủy điện đảm bảo nguồn nước phòng, chống hạn hán cho hạ du, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm và hài hòa giữa mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng và cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, ưu tiên sử dụng nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và nhu cầu thiết yếu khác theo quy định của Luật Thủy lợi.

Xem thêm
Bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên - Huế

THỪA THIÊN - HUẾ Ông Hoàng Đăng Khoa, Phó Tổng Biên tập phụ trách được Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập báo Thừa Thiên - Huế, kể từ ngày 1/11.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

10 ngày tới sẽ có mưa, lũ lớn ở miền Trung

Dự báo tại miền Trung trong những ngày tới, tình hình mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất sẽ diễn biến phức tạp, khó lường.

Bình luận mới nhất