| Hotline: 0983.970.780

Ưu tiên tích tụ hay tập trung đất đai?

Thứ Ba 30/05/2017 , 07:01 (GMT+7)

Ngày 29/5, tại TP HCM, đã diễn ra buổi Tọa đàm “Tích tụ ruộng đất, được và mất?”, do Tạp chí Nông thôn Việt tổ chức. 

Nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm đã tập trung phân tích, làm rõ 2 khái miệm tích tụ ruộng đất và tập trung ruộng đất, nên ưu tiên cho hình thức tích tụ nào …

Theo nhiều đại biểu tham dự buổi tọa đàm, trước hết phải làm rõ 2 khái niệm tích tụ đất đai và tập trung đất đai, bởi hiện nay vẫn đang có sự nhầm lẫn về 2 khái niệm này.

16-31-47_tich-tu-hy-tp-trung
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, cho biết, tích tụ ruộng đất là quá trình mua đất để sở hữu đất đai ở quy mô lớn hơn, còn tập trung ruộng đất là liên kết nhiều mảnh ruộng của nhiều chủ sở hữu khác nhau lại thành mô hình cánh đồng lớn.

Phân biệt rõ tích tụ và tập trung đất đai là để có những chính sách phù hợp hơn với từng loại hình tập trung ruộng đất để sản xuất lớn. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho hay, tích tụ hay tập trung thì hệ quả sở hữu đất sẽ khác nhau. Quan điểm của TS Thiên là với tích tụ, nhà nước chỉ cần thừa nhận và để nó diễn biến một cách tự nhiên. Còn với tập trung, cần có những chính sách khuyến khích để đẩy nhanh quá trình tập trung đất đai ở các địa phương, đồng thời có những chế tài đảm bảo quyền lợi của DN lẫn nông dân.

TS Trần Du Lịch cũng cho rằng nên khuyến khích tập trung đất đai, vì phần nhiều nông dân vẫn chưa muốn mất đi quyền sở hữu với mảnh đất của mình. Ở các nước Bắc Âu, 70% diện tích của các trang trại cỡ lớn là đất thuê lại của các hộ nông dân, và những hộ này trở thành người làm công trên mảnh đất của mình. Như vậy, các hộ nông dân ấy vẫn có thu nhập hàng ngày, về già không lao động được nữa thì có tiền bảo hiểm và tiền cho thuê đất để sinh sống. Theo TS Trần Du Lịch, để khuyến khích tập trung đất đai, có thể áp dụng chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho phần đất mà DN thuê của nông dân. Còn với tích tụ đất đai, nên để nó diễn biến một cách tự nhiên, và nhà nước cần công nhận sự tích tụ ấy.

Còn theo ông Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Hội đồng Lý luận TƯ, hiện đang có 4 hình thức tích tụ hay tập trung đất đai là nông dân cho DN thuê đất, nông dân góp vốn với DN bằng mảnh đất của mình, Nhà nước thu hồi đất của nông dân rồi cho DN thuê và nông dân bán đất cho DN. Trong đó, hình thức nông dân cho DN thuê đất được nhiều hộ nông dân ủng hộ nhất, bởi họ vẫn muốn giữ quyền sở hữu mảnh đất của mình.

PGS.TS Võ Trí Hào (ĐH Kinh tế TP.HCM) lại nhấn mạnh tới tích tụ hơn tập trung. Bởi tập trung là quan hệ bằng hợp đồng, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, hạn chế như để co được một trang trại với diện tích lớn, chủ đầu tư phải đi đàm phánvới rất nhiều nông dân; nguy cơ phá vỡ hợp đồng từ phía nông dân cho thuê đất; nếu xây dựng thương hiệu nông sản trên vùng đất thuê ấy thì thương hiệu đó sẽ thuộc về ai …

Dầu vậy, phần lớn các ý kiến đều thống nhất cần phải sớm gỡ bỏ rào cản hạn điền, tuyệt đối tránh tích tụ đất đai bằng các quyết định hành chính …

+ TS Trần Du Lịch: Để tích tụ được đất đai cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chúng ta phải chấp nhận một bộ phận nông dân không còn đất và bộ phận này sẽ bổ sung vào lực lượng lao động. Đóng góp của nông thôn cho quá trình công nghiệp hóa không chỉ ở đất đai mà còn ở lực lượng lao động. Mặt khác ngay ở nhiều vùng nông thôn hiện nay cũng không còn lao động nông nghiệp do người dân đã tự ra khỏi ruộng đồng, đi làm ở thành phố hay các khu công nghiệp. Vì thế, lực lượng lao động được bổ sung này là rất cần thiết.

+ Ông Nguyễn Văn Thiệp, Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc (Long An): Nới rộng hạn điền, tích tụ, tập trung đất đai chưa phải là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với đa số nông dân, nhưng lại là điều cần thiết để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp. Bởi phải có DN thì mới tổ chức được sản xuất lớn, chuyển giao KHKT, tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giải quyết tốt đầu ra… Khi ấy, nông dân mới có thể khấm khá lên được.

Nhưng trong các luật và quy định hiện hành, có một rào cản lớn đối với DN tham gia tích tụ đất đai là DN chưa có quyền chuyển nhượng đất lúa. Chưa có quyền này thì làm sao DN có thể tích tụ đất đai để tổ chức sản xuất lớn khi mà nguồn đất công không còn?

+ Ông Lâm Đạo Huy, Chủ tịch HĐQT Minh Hưng Group: Để tích tụ đất đai, chúng ta không nên quá lo lắng về việc một bộ phận nông dân sẽ phải mất đất. Bởi nông dân thích ứng rất nhanh với tình hình, điều kiện mới. Như với những hộ nông dân mà chúng tôi đã thỏa thuận lấy đất của họ để xây dựng nhà máy tại huyện Tân Phước (Tiền Giang). Toàn bộ những người đang ở độ tuổi lao động thuộc các hộ ấy đều đã vào làm công nhân trong nhà máy với thu nhập tốt hơn nhiều so với khi họ vẫn làm ruộng. Với những người không còn tuổi lao động, họ đã dùng tiền đền bù để xây phòng trọ, mở tiệm tạp hóa, quán ăn … phục vụ nhu cầu của công nhân nhà máy.

Hiện nay, lao động ở nông thôn rất thiếu. Năm nay, Minh Hưng muốn tuyển thêm 1.500 công nhân nhưng đến giờ tuyển được chưa tới 400 người. Vì vậy, nông dân sau khi giao đất cho DN không khó để kiếm được việc làm mới.

 

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất