TS Vũ Minh Tiến, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn |
Theo ông Tiến, mức lương họ nhận được chưa tương xứng với sức lao động bỏ ra. Cần có cơ chế bảo đảm việc làm và an sinh xã hội xứng đáng cho họ.
Ông đánh giá thế nào về mức thu nhập cũng như đời sống, an sinh xã hội của người công nhân tại các KCN, KCX hiện nay?
Theo dõi từ 3 đến 5 năm trở lại đây, cho thấy mức lương công nhân đã tăng so với trước, trung bình khoảng 5 – 7 triệu đồng, thậm chí có nơi lên tới 8 – 9 triệu đồng. Theo tôi mức này nghe có vẻ cao nhưng vẫn chưa tương xứng với sức lao động của người công nhân.
Bởi lẽ, lương tăng nhưng giờ làm cũng tăng, người công nhân không chỉ lao động 48 tiếng/tuần mà tới 60 đến 72 tiếng. Chưa kể giá cả thị trường leo thang, người công nhân còn phải đi làm thêm trang trải cho cuộc sống thường nhật. Mức lương như vậy mới tạm đáp ứng được nhu cầu cơ bản mà thôi.
Mức sống cơ bản ở đây là về điều kiện ăn, ở, đi lại chứ chưa nói tới các nhu cầu khác như vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng. Ví dụ như có đám cưới, đám hỏi của người thân, các gia đình công nhân có khi chỉ dám đi một người để giảm “chi phí”. Nhóm công nhân trẻ tuổi chưa lập gia đình thì rơi vào tình trạng không dám ăn, không dám tiêu và không dám... yêu vì sợ không trang trải nổi.
Đối với công nhân, tiền tiết kiệm gửi về đã khó chứ tiền đi “chơi” lại càng xa vời. Nhiều công nhân quanh Hà Nội như Mê Linh, Đông Anh, Chương Mỹ,.. có khi đã làm việc nhiều năm nhưng cũng chưa được đặt chân vào nội thành một lần. Cả ngày quanh quẩn trong KCN, họ đi từ sáng sớm đến tối muộn mới về, thời gian đọc báo nghe đài còn hiếm, chứ làm gì có thời gian đi đâu.
Ngoài những nội dung nêu trên, ông đánh giá người công nhân còn gặp phải những khó khăn gì?
Hầu hết các KCN, KCX hiện nay đều vận hành với cường độ lớn. Tuổi nghề của người công nhân ngắn, chỉ rơi vào khoảng 5 đến 10 năm tùy ngành, nghề. Sau khi sức khỏe dần bị suy giảm, không đáp ứng được yêu cầu công việc, những đối tượng lao động lớn tuổi dần bị đào thải. Dễ thấy ở ngay trên bảng thông tin tuyển dụng của các đơn vị, ví dụ như chỉ tuyển người dưới 25 tuổi.
Chúng ta cần đặt câu hỏi: “Vậy những lao động từ 35 đến 40 tuổi sẽ đi đâu, xoay xở với cuộc sống thế nào?” Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về các chế độ chính sách bảo vệ, đảm bảo việc làm đối với người công nhân.
Ngoài ra, phải kể đến việc những đứa trẻ sinh ra là con em công nhân thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ. Điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng tại các KCN chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của trẻ em. Tình trạng thiếu nhà trẻ, sân chơi hoặc có thì cũng là của tư nhân với chi phí cao, chất lượng không đảm bảo.
Nhiều gia đình chọn giải pháp nhờ ông, bà lên trông, cách này vừa tốn công vừa tốn của mà lại bất tiện. Đặc biệt là đối với các đôi vợ chồng trẻ, sống trong nhà trọ vốn chỉ 10 – 15m2, có thêm bố, mẹ vợ hoặc chồng lên khiến không gian riêng tư càng bị thu hẹp. Vợ chồng không được gần gũi lâu ngày dễ rạn nứt tình cảm, rơi vào tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.
Nếu gửi con về quê sống xa sự quan tâm, chăm sóc của bố, mẹ cũng dễ rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn tình cảm, thiếu nhận thức. Dần dà những đứa trẻ này có thể học theo những thói hư, tật xấu...
Theo ông những hệ quả mà trẻ em sinh ra trong các gia đình công nhân có thể gặp phải, là gì?
Chúng tôi đang nghiên cứu đề tài về “thế hệ di cư thứ 2”, hiểu nôm na là những gia đình có bố mẹ xuất thân từ các vùng nông thôn di cư lên thành phố làm công nhân. Sau nhiều năm bám trụ tại các KCN, KCX nhưng không thể tích lũy tài sản, mua nhà, có hộ khẩu thành phố và tiếp tục sinh ra thế hệ thứ 2.
Thế hệ này lại tiếp tục “thừa hưởng” cuộc sống chật vật mà bố mẹ để lại và có khi vẫn đi làm công việc lao động phổ thông thuần túy chứ không thoát ra được. Sinh ra nhưng lại không có điều kiện và các đặc điểm như trẻ em gốc thành thị, cũng có sự khác biệt với các bạn đồng trang lứa tại nông thôn.
Những đứa trẻ thuộc “thế hệ di cư thứ 2” buộc phải “tồn tại” được ở thành phố. Không giống thế hệ bố mẹ, có thể dịch chuyển kiểu “quả lắc”, nếu không làm ăn được thành phố thì trở về nông thôn và ngược lại.
Vậy theo ông, giải pháp nào để giải quyết được những vấn đề nêu trên?
Tôi cho rằng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị tổ chức, cơ quan chức năng mới có thể thay đổi đời sống công nhân. Cần có các chế độ chính sách, quy định pháp luật, chế tài hướng đến mục tiêu xây dựng, bảo vệ quyền lợi cụ thể của người công nhân. Trong đó, vị trí của công đoàn là rất quan trọng, đóng vai trò trung gian và phát huy nhiệm vụ là tiếng nói của công nhân. Hình như công đoàn tại các cơ quan “có cũng như không”. Không giữ được vai trò bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của người lao động nói chung và công nhân nói riêng?
Theo tôi, nên có cách nhìn nhận khách quan. Cần sự tổ chức, phối hợp của các đơn vị khác để hoạt động công đoàn đạt hiệu quả. Tôi nói ví dụ như liên hệ với chính quyền cấp huyện để đề cập vấn đề bảo hiểm cho công nhân. Nếu chỉ lo cho một người thì đơn giản, nhưng có doanh nghiệp là 1.000 người, có bao nhiêu trong chế độ thai sản và các chế độ khác…
Lực lượng mỏng, khối lượng công việc dày, nếu không có sự đồng bộ, giúp sức của các đơn vị khác, chỉ dựa vào công đoàn chắc chắn không giải quyết được vấn đề ách tắc trong việc phát triển đời sống công nhân.
Ngoài ra, bản thân mỗi người công nhân phải tự nâng cao trình độ văn hóa, nhận thức của mình, sử dụng internet có hiệu quả. Không nên có tâm lý phụ thuộc mà phải tự trang bị tri thức để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bản thân.
Xin cảm ơn ông!
Vấn đề an sinh xã hội đặc biệt là trẻ em trong các gia đình công nhân đang báo động. Năm 2011, TLĐ Lao động VN tiến hành cuộc khảo sát trong 10 tỉnh có KCN, KCX, chỉ có 16,9% số KCN, KCX có nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân, trong đó, công lập chiếm 39,9%, tư thục là 60,1% và phần đông đều là tự phát, nhiều KCN khởi công lại “quên” quy hoạch nhà trẻ. Ngoài ra, báo cáo của Ban Nữ công của TLĐ về thực trạng nhà trẻ mẫu giáo trong các KCN cho thấy, có hơn 10 triệu lượt nhân khẩu đang làm việc trong các KCN, trong đó gần 70% là lao động nữ, đa phần đang trong thời kỳ sinh đẻ, nuôi con, từ 18 - 40 tuổi chiếm 97,9%. Tỷ lệ công nhân có con trong độ tuổi mầm non chiếm gần 60%, độ tuổi dưới 3 tuổi chiếm 58,6%. Do đó, vấn đề nhà trẻ mẫu giáo tại các KCN đang đặt ra nhiều bức xúc. |