| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng NTM ở Thanh Hóa: Nhận diện khách quan, triển khai thực chất

Thứ Ba 20/06/2017 , 08:38 (GMT+7)

Toàn tỉnh hiện có 1 huyện, 180 xã, 367 thôn, bản cán đích NTM; đạt bình quân 14,2 tiêu chí/xã, cao hơn bình quân chung của cả nước; đây thực sự là tín hiệu rất đáng mừng...

Mặc dù đối mặt nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của cấp ủy, chính quyền các địa phương và sự ủng hộ của toàn thể nhân dân nên quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng, thực sự trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh, thu hút được toàn xã hội tham gia.
 

Vì lợi ích toàn dân

Toàn tỉnh hiện có 1 huyện, 180 xã, 367 thôn, bản cán đích NTM; đạt bình quân 14,2 tiêu chí/xã, cao hơn bình quân chung của cả nước.

13-41-47_1
Diện mạo NTM tại Thanh Hóa đã có bước chuyển mình rõ rệt

Đây thực sự là tín hiệu rất đáng mừng, tuy nhiên thành quả không đến một cách ngẫu nhiên nếu không có chiến lược bài bản, đúng đắn. Xuyên suốt những năm qua, vai trò “tham vấn” và “kiến tạo” của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa hết sức rõ nét.

Trao đổi với NNVN, Phó Chánh Văn phòng Trần Đức Năng khẳng định: “Chúng tôi luôn chủ động, bám sát mục tiêu, kế hoạch xây dựng NTM từng năm, của từng cơ sở, vùng miền để tham mưu cho UBND và BCĐ tỉnh.

Đơn vị nào còn tiềm ẩn những rủi ro, chưa đủ điều kiện thì kiên quyết đưa ra khỏi danh sách đã đăng ký. Tuyệt đối tránh bệnh thành tích, phô trương, xây dựng NTM phải hướng đến thực chất. Cách làm này hợp với lòng dân và bắt kịp với xu hướng chung của cả nước”.

Vẫn biết còn không ít vấn đề cần phải khắc phục, nhưng có thể thấy “cuộc vận động xây dựng NTM ở Thanh Hóa” đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan, từ vật chất, tinh thần đến nhận thức của người dân đều có sự chuyển biến rõ rệt.

Ông Trịnh Văn Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự tham gia của tổ chức chính trị - xã hội ở một số cơ sở chưa đạt hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu còn hạn chế; việc huy động các nguồn lực ở một số nơi đạt kết quả thấp, còn biểu hiện trông chờ vào sự hỗ trợ của cấp trên; nhiều địa phương tập trung đầu tư xây dựng cơ bản quá lớn trong khi nguồn lực eo hẹp, đây là nguyên nhân khiến tình trạng nợ xây dựng cơ bản kéo dài.

Mặt khác khoảng cách giàu nghèo của người dân cũng như tốc độ phát triển ở các miền núi và miền xuôi chênh lệch khá cao nên kết quả mang lại chưa đồng đều.

Ông Chiến cũng nhấn mạnh, một số địa phương cần chấn chỉnh ngay hiện tượng thỏa mãn, bằng lòng với những kết quả đạt được, dẫn đến việc lơ là, thiếu tập trung cho quá trình phát triển KT-XH. Để chương trình ăn sâu bén rễ, nhất thiết phải đưa kết quả vào nội dung sinh hoạt định kỳ, đồng thời tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện ở cơ sở.

13-41-47_2
Toàn dân chung tay thực hiện xây dựng NTM
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Thanh Hóa nỗ lực phấn đấu đến năm 2020 có thêm 5 huyện và 60% số xã đạt chuẩn NTM. Riêng năm 2017 có một huyện và 37 xã đạt chuẩn NTM, bình quân toàn tỉnh đạt 15 tiêu chí/xã, mỗi huyện miền núi có ít nhất 3 thôn, bản đạt chuẩn NTM; xây dựng điểm từ 3-5 thôn trở thành thôn NTM kiểu mẫu.

Với những huyện có xã đạt dưới 5 tiêu chí, Ban thường vụ Huyện ủy phải bàn bạc, nghiên cứu, đề ra các giải pháp khả thi để khắc phục, đến hết năm 2017 nếu không có chuyển biến thì Ban thường vụ Huyện ủy mà trực tiếp là những người lãnh đạo cao nhất phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
 

Mục tiêu và những giải pháp căn cơ

Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, Văn phòng Điều phối, Sở NN-PTNT đã tham mưu, đưa ra khỏi danh sách những xã khó đạt chuẩn. Đồng thời tiếp tục rà soát, kiện toàn lại Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình từ cấp huyện, cấp xã theo hướng bố trí những cán bộ thực sự có trình độ, năng lực, am hiểu về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, có tinh thần trách nhiệm cao để giúp việc cho BCĐ.

Kế tiếp làm rõ cơ chế vận hành và phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên, đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã trong xây dựng NTM.

Thực tế chỉ ra, có nhiều địa phương tỏ ra “quá quan tâm” đến việc đăng ký cán đích mà quên đi những điều kiện cần và đủ. Liên quan đến vấn đề trên, Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến kiên quyết yêu cầu các địa phương phải thực hiện xây dựng NTM đúng bản chất, dựa trên năng lực, khả năng, tránh tình trạng “trèo cao ngã đau”. Những toan tính, chính sách nào còn “trói buộc” nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần phải buông bỏ ngay.

Khó khăn chưa hẳn đã hết nhưng với sách lược bài bản và quyết tâm cao độ của toàn thể Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa, tin rằng mảnh đất địa linh nhân kiệt này sẽ đổi thay mạnh mẽ hơn nữa.

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.