| Hotline: 0983.970.780

XK gạo đầu năm sẽ khó

Chủ Nhật 30/12/2012 , 14:12 (GMT+7)

Đầu năm 2012, xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn khi lượng gạo xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ 2011.

Đầu năm 2012, xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn khi lượng gạo xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ 2011. Những tháng đầu năm 2013, tình hình xuất khẩu gạo nhiều khả năng cũng sẽ lặp lại kịch bản tương tự, thậm chí có thể còn khó khăn hơn.

“CUỘC CHIẾN” CẠNH TRANH SẼ QUYẾT LIỆT

Trên thực tế, khó khăn đã xuất hiện ngay từ 2 tháng cuối 2012 khi giá gạo xuất khẩu giảm mạnh, qua đó kéo giá lúa trong nước giảm xuống khá nhiều, dù việc thu hoạch lúa vụ thu đông ở ĐBSCL đã cơ bản kết thúc.

Ông Nguyễn Văn Tạo, nông dân ấp Lộc Hòa, xã Lộc Giang, Đức Hòa, Long An, thắc mắc: “Giá lúa khô cuối năm 2012 giảm quá nhiều so với cuối 2011. Hồi tháng 11/2011, giá lúa khô loại thường cũng như loại hạt dài đều từ 7.000 đ/kg trở lên. Sang tháng 12/2011, giá lúa có giảm nhưng cũng ở mức gần 6.500 đ/kg. Còn cuối năm 2012, giá lúa khô chỉ ở dưới mức 6.000 đ/kg. Tui nghe mấy ông thương lái nói giá lúa giảm mạnh là do các doanh nghiệp xuất khẩu đang còn nhiều gạo trong kho, mà lại khó ký được hợp đồng mới cho năm sau”.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện lượng gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu đang khá dồi dào. Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết, dự kiến xuất khẩu gạo năm 2012 sẽ đạt 7,65 triệu tấn. Khi ấy, từ nguồn gạo tồn kho của các doanh nghiệp và gạo từ vụ thu đông 2012, sẽ còn khoảng 825 ngàn tấn gạo hàng hóa được chuyển gối đầu sang quý 1/2013. Bên cạnh đó, do lũ năm 2012 ở ĐBSCL ở mức thấp nên nông dân đã tranh thủ xuống giống vụ đông xuân 2012-2013 khá sớm. Đến đầu tháng 11/2012, đã có 175 ngàn ha lúa đông xuân được xuống giống, và diện tích này sẽ được thu hoạch vào tháng 2/2013, qua đó có thêm một lượng gạo bổ sung vào chỗ gạo hàng hóa từ năm 2012 chuyển sang.

Đầu vào không lo, nhưng đầu ra xuất khẩu những tháng đầu năm 2013 được dự báo sẽ đáng lo ngại. Thực tế tình trạng này đã xuất hiện từ 2 tháng cuối năm 2012 khi thị trường thế giới khá trầm lắng, ảnh hưởng không tốt tới việc ký thêm các hợp đồng xuất khẩu gạo cuối 2012 và nhất là hợp đồng xuất khẩu đầu 2013.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Cty Gentraco cho hay thị trường gạo thế giới hiện đang khá yên ắng, vụ đông xuân 2012-2013 lại sản xuất sớm do đó sẽ thu hoạch sớm. Nếu không có đầu ra, sẽ tạo áp lực lên giá lúa của nông dân và giá gạo xuất khẩu. Ông Lê Minh Trượng, GĐ Cty Lương thực Sông Hậu nhận định giá gạo xuất khẩu sẽ giảm vào đầu 2013 vì khó khăn trong việc tìm kiếm các hợp đồng.

Theo VFA, trong 2 tháng cuối năm 2012 và những tháng đầu 2013, là thời điểm nhiều nước sản xuất và xuất khẩu gạo lớn như Pakistan, Ấn Độ, Myanmar, Campuchia và cả Thái Lan bước vào thu hoạch rộ vụ lúa mới, do đó nguồn cung gạo trên thị trường thế giới sẽ rất dồi dào. Bên cạnh đó, lượng gạo tồn kho quá lớn ở một số nước, nhất là Thái Lan, cũng đang góp phần làm cho thị trường gạo thế giới trở nên trầm lắng bởi tâm lý chờ đợi của các nhà nhập khẩu.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết Thái Lan đang là mối quan tâm chính trên thị trường lúa gạo thế giới. Hiện lượng gạo tồn kho ở nước này đã rất lớn, tới mức gần như chẳng còn kho để chứa. Do đó, Thái Lan đang giống như một “quả bom nổ chậm”. Bởi việc Thái Lan có bán phá giá để giải quyết tồn kho hay không, bán khi nào đang là mối lo của các nước xuất khẩu gạo lớn khác.

ĐẨY MẠNH XTTM CẤP QUỐC GIA

Trong khi nguồn cung rất lớn, thị trường gạo thế giới trong những tháng tới được dự báo là vẫn trong xu hướng tụt giảm do thiếu nhu cầu. Châu Phi do tồn kho đang nhiều nên sẽ chậm quay lại thị trường gạo thế giới. Các nước nhập khẩu lớn khác như Philippines, Indonesia, đã có những tuyên bố sẽ không nhập khẩu gạo trong năm nay.

Chưa rõ những lời tuyên bố này thực hư ra sao, nhưng dù sao đó cũng là áp lực không nhỏ khiến cho thị trường gạo thế giới càng thêm trì trệ. Nhu cầu yếu trong khi nguồn cung tăng mạnh, vì thế, nhiều khả năng Việt Nam sẽ bị thiếu hợp đồng xuất khẩu gạo giao hàng trong quý 1/2013. Và tình hình xuất khẩu gạo đầu 2013 cũng sẽ giống với đầu năm 2012 khi Ấn Độ trở lại thị trường và tăng cường xuất khẩu các loại gạo thông thường với giá rẻ hơn nhiều so với gạo cùng loại của Thái Lan và Việt Nam.

Theo nhận định của VFA, có thể phải tới tháng 4/2013, tình hình xuất khẩu gạo mới khởi sắc trở lại. Bởi thế, việc đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho hạt gạo Việt Nam trong năm 2013 cần phải được xúc tiến ráo riết ngay đầu năm nay thông qua nỗ lực của VFA, của từng doanh nghiệp và cả từ chương trình XTTM trọng điểm quốc gia.

Tuy nhiên, xuất khẩu gạo đầu năm cũng có những niềm hy vọng nhất định. Những hy vọng này đến từ tình hình kém khả quan về sản xuất các loại lương thực quan trọng khác ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Mỹ, việc thu hoạch ngũ cốc bị giảm tới 50% do thiên tai. Ở Úc, cũng vì thời tiết không thuận lợi mà thu hoạch ngũ cốc giảm 30%. Ukraina đã phải cấm xuất khẩu các loại hạt kể từ 15/11/2012 vì mất mùa. Nga cũng đang hạn chế việc xuất khẩu các loại hạt… Và khi các loại lương thực khác gặp khó khăn về sản lượng, thu hoạch, những nước thiếu lương thực sẽ phải nhập khẩu gạo.

Dự báo của FAO cho hay trong năm 2013, thương mại gạo toàn cầu sẽ tăng một ít so với năm 2012 và đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 37,5 triệu tấn. Theo dự báo của Bộ Nông Nghiệp Mỹ, trong năm 2013, những đối thủ chính của Việt Nam là Thái Lan sẽ xuất khẩu 8 triệu tấn gạo và Ấn Độ 7,25 triệu tấn.

Trong buổi làm việc mới đây với Bộ Công thương, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, đã đề nghị Bộ này tăng cường xúc tiến thương mại ở cấp quốc gia với mặt hàng gạo. Theo đó, nên tập trung xúc tiến thương mại cấp quốc gia ở khu vực châu Phi, mà mục tiêu cụ thể là những nước có nhu cầu nhập khẩu gạo thường xuyên. Việc xúc tiến thương mại cấp quốc gia ở những nước này phải đạt tới mục đính ký kết được những thỏa thuận thương mại gạo theo những hợp đồng cấp Chính phủ. Qua đó sẽ hạn chế được việc bán gạo theo các hợp đồng thương mại qua trung gian, tạo điều kiện ổn định thị trường và nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo. Trước mắt, cần phải đẩy mạnh việc xúc tiến nhằm sớm ký kết hợp đồng cung cấp gạo cho nước Cộng hòa Guinea để giải quyết một phần lượng gạo hàng hóa đầu 2013.

Theo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), năm 2011, Guinea đứng thứ 3 trong số 10 nước châu Phi nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam, với kim ngạch trên 78 triệu USD. Trong 11 tháng đầu năm nay, các nước châu Phi đã nhập khẩu 1,643 triệu tấn gạo Việt Nam (chiếm 23,12% tổng lượng gạo) đã xuất khẩu. Do đó, việc tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại cấp quốc gia nhằm ký các thoản thuận thương mại cấp Chính phủ ở Guinea nói riêng và các nước nhập khẩu lớn nói chung ở châu lục này đã rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh nhiều nước nhập khẩu lớn ở châu Á (thị trường chủ yếu của gạo Việt Nam khi chiếm 69,46% trong 11 tháng đầu 2012) đang nỗ lực tự túc hoặc giảm mạnh lượng gạo nhập khẩu trong những năm tới.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm