| Hotline: 0983.970.780

Tỷ phú cao nguyên Langbiang

Thứ Tư 17/10/2012 , 09:14 (GMT+7)

Nói tới cam Canh, bưởi Diễn, người ta nghĩ ngay tới một loại trái cây đặc sản của đất Hà Thành. Ít có ai ngờ rằng, trên cao nguyên Lang Biang (Lâm Đồng) đang hiện diện một trang trại rộng 6 ha trồng cam quýt đặc sản, như cam Canh, cam Vinh, cam Mỹ, bưởi Diễn, quýt Tích Giang, quả phật thủ…

Nói tới cam Canh, bưởi Diễn, người ta nghĩ ngay tới một loại trái cây đặc sản của đất Hà Thành. Ít có ai ngờ rằng, trên cao nguyên Lang Biang (Lâm Đồng) đang hiện diện một trang trại rộng 6 ha trồng cam quýt đặc sản, như cam Canh, cam Vinh, cam Mỹ, bưởi Diễn, quýt Tích Giang, quả phật thủ…

Đó là trang trại cam của anh Nguyễn Phú Đức, ở khu Nông nghiệp công nghệ cao, xã Đạ Sa, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

ĐƯA CAM HÀ THÀNH LÊN VÙNG ĐẤT MỚI

Từ trung tâm thành phố Đà Lạt, chúng tôi phải vượt qua khoảng 20 km đường đèo dốc (hướng đi Đà Lạt - Nha Trang). Thỉnh thoảng chúng tôi phải dừng xe để hỏi thăm và được người dân chỉ đường rất tận tình: “Các chú cứ đi theo đường 723, xuống hết 3 cái dốc rồi lên 3 cái đỉnh dốc, nhìn qua tay trái là thấy cả quả đồi trồng cam, xung quanh khu vực này, chỉ có vườn cam của anh Đức thôi”. Quả thật, theo lời chỉ dẫn, chúng tôi dừng xe ngay trên đỉnh dốc, phóng tầm mắt sang tay trái, thấy những cây cam, quýt đeo trái lúc lỉu, uốn lượn, ôm quanh cả quả đồi. Vừa bước vào cổng trang trại, con chó béc giê thấy người lạ, sủa ầm ĩ, một người thanh niên vội vã chạy ra mở cổng. Qua trò chuyện được biết anh tên là Nguyễn Phú Đức, chủ trang trại cam Canh, quê anh ở mãi Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội - nơi nổi tiếng có đặc sản cam Canh, bưởi Diễn vào lập nghiệp.

Vừa bóc những múi cam ngọt lịm mời khách, anh Đức vừa kể: “Tôi học xong Trung học cơ sở, cộng thêm 3 năm đi bộ đội, sau đó về quê làm kinh tế. Lúc đầu tôi cũng làm ruộng, trồng cam trồng quýt như bao người khác, bởi quê tôi có nghề truyền thống trồng cam Canh và quýt Tích Giang. Nhưng do đất đai có hạn, cho nên “cày mãi” cũng chẳng ăn thua, quanh năm thiếu trước hụt sau, vì thế đầu năm 1998, trong một lần tình cờ vào thăm ông chú ở Đà Lạt, thấy đất đai còn khá rộng, khí hậu lý tưởng quá, quanh năm mát mẻ, vì thế tôi có ý tưởng mang cam Canh vào để trồng từ đó. Mình chỉ cần ít đất ở đây, nhưng nếu quyết tâm, có kiến thức và kỹ thuật chắc chắn sẽ làm giàu được”, anh Đức khẳng định như đinh đóng cột.


Cây cam Canh trĩu quả, phải buộc dây đỡ, của anh Đức

Để thực hiện ước mơ trồng cam Canh và làm giàu trên quê mới, anh phải mượn tiền của người chú để đặt cọc mua 1 ha đất. Sau đó, anh quay về quê bàn với vợ, gom hết tiền bạc, thậm chí bán cả đôi nhẫn cưới trong ngày thành hôn và quyết định “Nam tiến”. hành trang của họ lúc bấy giờ ngoài 2 cô con gái, một ít vốn đủ trả tiền đất, anh Đức cũng không quên mang theo một số cây giống có sẵn của nhà như: Cam Canh, bưởi Diễn, quýt Tích Giang… vào vùng đất mới để trồng thử. Sau thời gian trồng thử nghiệm, anh thấy cây cam và quýt gốc Hà thành lớn nhanh như thổi, chỉ sau một năm rưỡi đến 2 năm, cây bắt đầu cho thu trái. Những trái cam Canh đầu mùa to gần bằng vốc tay, mỏng vỏ, màu vàng ươm, ăn ngọt lịm, không thua kém gì ở ngoài Bắc. Đặc biệt lại bán được giá cao, chả thế mỗi sáng sớm, vợ anh mang cam, quýt ra chưa tới đầu chợ là họ giành nhau mua hết.

THU TIỀN TỶ GIỮA MÂY MÙ LANGBIANG

Anh Đức kể, sản phẩm cam Canh, quýt Tích Giang, đã từ lâu là một trong những loại trái cây đặc sản, không chỉ nổi tiếng trong nước, mà khách quốc tế tới Đà Lạt cũng rất ưa chuộng. Chính vì vậy, hàng hóa sản xuất ra không đủ cung cấp cho thị trường. Những năm làm ăn được, có tiền tôi lại đổ vào mua đất, đến nay tôi đã mua được 6 ha chuyên trồng các loại cam Canh, cam Vinh, phật thủ, quýt Tích Giang. Mới đây anh còn về tận Viện nghiên cứu giống cây ăn quả Trung ương, mua giống cam Mỹ về bổ sung cho trang trại của mình. Ngoài ra anh còn mua thêm 3 ha, trồng hồng giòn Đà Lạt.


Thu hoạch quýt

Ông Nguyễn Văn Toản, cán bộ Hội Nông dân huyện Lạc Dương cho biết: Thổ nhưỡng, khí hậu của Lạc Dương nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung, được thiên nhiên ưu đãi, quanh năm mát mẻ, rất phù hợp cho việc trồng các loại cây ăn trái, rau củ quả và các loại hoa. Những năm gần đây bà con nông dân đang từng bước chuyển đổi từ phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất nông nghiệp, nâng đời sống cũng như thu nhập của người dân ngày một cao hơn. Anh Nguyễn Phú Đức, là một trong những người tiên phong trong việc mang giống cam Canh lên vùng đất mới, để phát triển và làm giàu.

Ngồi nhớ lại những ngày đầu thành lập trang trại, anh Đức tâm sự: Hồi mới vào đây hai vợ chồng tôi vất vả lắm, lúc đầu chưa có nhà, phải đi ở nhờ. Bằng mọi giá phải an cư mới mong lạc nghiệp, tôi nghĩ thế nên quyết tâm xoay trước sau để dựng cho mình căn nhà. Nói căn nhà cho “hoành tráng” chứ thực ra là cái lều tranh đủ để hai vợ chồng và 2 đứa con gái ở. Có chỗ ở rồi, hai vợ chồng phải tranh thủ từng giờ, không kể ngày hay đêm, lúc nào cũng ở vườn lo cuốc đất, đào hố để hạ cây giống ngay. Hạ cây giống xong cũng là lúc hết tiền, hai vợ chồng chuyển sang nghề “buôn thúng bán mẹt”, cứ chiều chiều anh lại đạp xe cọt cà cọt kẹt vào tận nhà vườn để mua các loại rau. Tối đến hai vợ chồng hì hà hì hụi, người rửa rau, người bó lại, để sáng hôm sau cho vợ đi bán. Hôm thì gặp người có buồng chuối bán rẻ, anh chị lại mua về dấm chín, mang ra phố bán, cứ thế đắp đổi qua ngày. “Bây giờ thì khỏe rồi, mình sản xuất được hàng hóa, tươi sạch, lại là đặc sản, được nhiều người ưa chuộng, mối lái tới tận nhà lấy hàng. Sản lượng cam quýt, của trang trại rất dễ bán, chỉ nội chợ Chi Lăng, phường 9, Đà Lạt đã tiêu thụ sạch bách rồi”.

Sau nhiều năm gắn bó với nghề trồng cam Canh, anh Đức chia sẻ, trồng cam, quýt ở đất đồi dễ hơn nhiều so với đồng bằng. Vì cây ưa nước nhưng không chịu được úng, cam trồng trên đồi dễ thoát nước, rất thoáng gió, thoáng khí, cây ít bị bệnh. Điều quan trọng nhất là kỹ thuật bón phân (bón cân đối đúng liều lượng, đúng chủng loại, đúng thời điểm). Xác định được thời điểm khoanh gốc, khi thấy trên cây có lượng hoa, trái non đạt yêu cầu, ta phải khoanh gốc để hạn chế nước đưa lên, giúp cây không bị rụng hoa, rụng trái. Khi cây cam vào giai đoạn kinh doanh, nếu chăm sóc tốt năng suất đạt 20 – 25 tấn/ha/năm. Mấy năm nay giá cả thị trường rất ổn định, giá bán sỉ từ 35.000 – 40.000đ/kg.

Qua việc mở trang trại, trồng cam Canh, cam Vinh, cam Mỹ, quýt Tích Giang, phật thủ, hồng giòn Đà Lạt, một năm gia đình anh Nguyễn Phú Đức, thu nhập trên 1 tỷ đồng, chưa kể mỗi dịp tết anh bán được rất nhiều cam cảnh (cây cam trồng trong chậu) với giá 800.000 – 2.500.000đ/chậu. Kế đến là trái phật thủ, có năm thương lái ở Hà Nội vào săn phật thủ, trái đẹp họ mua từ 5 – 7 triệu/trái, cá biệt có trái lên tới cả 10 triệu đồng. Anh đã mua được đất và làm được nhà ở TP.Đà Lạt, con gái lớn của anh đã học năm thứ 3, trường Đại học Công nghệ sinh học, để sau về làm kỹ thuật của trang trại. Chưa muốn dừng ở đây, anh Đức còn mơ ước làm sao xây dựng được thương hiệu “Cam Canh Đà Lạt”, muốn đưa đặc sản cam Canh của quê hương mình đi xa hơn nữa, qua tít trời Tây.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm