| Hotline: 0983.970.780

“Vẫy vùng” Vực Trống!

Thứ Sáu 28/10/2011 , 10:54 (GMT+7)

Năm 2007, con đập này được đầu tư nâng cấp với tổng mức đầu tư 27,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngần ấy tiền đổ vào nhưng Vực Trống vẫn đang… trống nước vì cống không giữ được nước!

Hồ Vực Trống thuộc xã Phú Lộc, Can Lộc (Hà Tĩnh) được xây dựng từ những năm 1960 và nâng cấp vào năm 1972 với trữ lượng đạt trên 13 triệu m3 nước, phục vụ tưới tiêu cho trên 1.000 ha đất 2 lúa và cấp nước sinh hoạt cho gần 2 vạn dân cư trong vùng.  

Do đập đất lâu ngày nên thân đập bị thẩm thấu mạnh, nguy cơ vỡ đập là rất lớn; một số hạng mục khác cũng xuống cấp nghiêm trọng. Vì thế, năm 2007, con đập này được đầu tư nâng cấp với tổng mức đầu tư 27,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngần ấy tiền đổ vào nhưng Vực Trống vẫn đang… trống nước vì cống không giữ được nước!

Từ chứng bệnh “đái tháo đường”

Sau gần 1 năm thi công, đến đầu năm 2009, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Thế nhưng, kể từ khi đưa vào sử dụng đến nay, toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi Vực Trống không thể sử dụng được do hồ không tích được nước (do nước rò qua cống quá mạnh). Có mặt tại hiện trường, nơi chân công trình xảy ra sự cố, nhiều người dân trong vùng cho biết, sau 3 năm đầu tư nâng cấp đến nay công trình hồ chứa nước Vực Trống hoàn toàn vô tác dụng do mắc phải bệnh “đái tháo đường”. Lý do hệ thống cống xả nước chảy tự do triền miên suốt ngày đêm, năm này qua năm khác mà không thể đóng kín được.  

Do thi công không bảo đảm, nhiều hạng mục công trình xuống cấp

Ông Phan Công Sơn, cụm trưởng cụm Vực Trống thuộc Cty TNHH MTV thủy lợi Can Lộc nói: “Không hiểu vì sao toàn bộ hệ thống công trình đều được nâng cấp, riêng hệ thống cống cấp nước là một hạng mục rất quan trọng lại không được thay thế mà vẫn sử dụng cống cũ; từ cánh cống cũ có bề dày 25cm xuống còn 14cm, bánh xe cự theo thiết kế cũ là 27cm khi thi công rút xuống còn 10cm, dẫn đến khi lắp ráp vào rãnh phai, toàn bộ cánh cống bị hở nên nước trong lòng hồ dâng lên bao nhiêu chảy xuôi bấy nhiêu".

 Vì thế, suốt gần 3 năm trời, nước ở Vực Trống không tích được, mùa hạn hán không có nước tưới; mùa mưa bão về, nước chảy tứ tung, gây ngập úng nhiều vùng dân cư. Nhiều người dân sống trong vùng than vãn: 3 năm nay do cống hồ Vực Trống không  ngăn được nước khiến đường sá dân sinh đi lại luôn bị ngập ngụa, đi trên đường như đi giữa ruộng cấy.  Nói về việc thi công thiếu đồng bộ, ông Nguyễn Văn Hải, người dân trong vùng bức xúc: “Lẽ ra xây dựng hệ thống kênh mương chính dẫn nước phải được xây ngay từ cửa cống xả nước trở đi, đằng này họ bỏ cả đoạn dài phía trên để mặc cho nước chảy tứ tung”.

Cũng theo ông Hải, công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng gần 3 năm nay cũng như không. Hiện hệ thống kênh mương không vận hành, nhiều đoạn đã bị xuống cấp. Theo một cán bộ kỹ thuật Cụm Vực Trống cho biết, cao trình thiết kế đỉnh đập là 40m, mực nước dâng tối đa là 37m, đạt mức chứa tối đa là 13 triệu m3, thế nhưng kể từ khi bàn giao đưa vào sử dụng đến nay dung tích nước chỉ đạt bình quân 3 triệu m3. Tại hệ thống tràn xả lũ, cả hai bên cánh tường bao, phía hạ lưu cả khối bê tông tường chắn như muốn đổ ập xuống bởi các vết nứt nẻ đang chờ chực.

Nước trong hồ chỉ ở cốt thấp nhất

Ông Nguyễn Văn Đại, công nhân Cty lo lắng: “Chỉ cần một trận mưa lớn, nước từ trên nguồn đổ về, nước trong lòng hồ dâng cao, lối thoát duy nhất đổ dồn xuống tràn xả lũ (vì cống đã bị bịt bằng 130 bao tải), nguy cơ vỡ tràn là rất cao. Nếu vỡ tràn, nước lũ sẽ gây thiệt hại lớn đối với dân cư sống trong vùng".

Đến cách chữa trị bằng… tống bao tải

Trở lại vấn đề vì sao hồ không tích nước, mặc dù công trình đã đưa vào sử dụng một thời gian khá dài, biết không có hiệu quả nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng ở huyện Can Lộc vẫn bình chân như vại. Việc Nhà nước đã chi một khoản ngân sách lớn đến gần 30 tỷ đồng nhưng phía chủ đầu tư thiếu trách nhiệm đã để xảy ra lãng phí, thất thoát nguồn nước lớn từ khi đưa vào sử dụng đến nay là điều đáng trách.

Sáng kiến tấp hàng trăm bao tải cây bổi xuống làm tịt miệng cống để ngăn dòng chảy của cống, tời cống lên khắc phục của ông Nguyễn Văn Đại, công nhân Cty TNHH MTV Thủy lợi Can Lộc trước mắt sẽ ngăn được dòng chảy nhưng ẩn chứa nhiều nguy hại bởi đang trong mùa mưa bão, chỉ cần một trận lũ, nước dâng cao, trong khi cống đã bị nhét tịt bằng bao tải, nguy cơ vỡ đập là rất lớn.

Thử làm một phép tính, cống bị hở nên lưu lượng dòng chảy tiêu hao từ 750-1.000m3/s, thế thì từ khi đi vào sử dụng đến nay đã có bao nhiêu triệu triệu m3 nước bị lãng phí? Tình trạng này kéo dài mãi đến giữa tháng 10/2011, khi ông Đại xung phong cắt cây bổi đóng lại thành hàng trăm bao tải tống xuống miệng cống thì nước mới tích lại được đôi chút.

Ông Đại cho biết, chỉ sau vài ba ngày, ống cống được nút lại bằng các bao tải nên mực nước trong lòng hồ đã dâng lên được 5 triệu/13 triệu m3. Ông Đại khẳng định, chỉ cần nửa tháng sau là mực nước trong lòng hồ sẽ dâng đạt trên cốt 30m so với cao trình thiết kế 37m. Cách làm của ông Đại, ngoài mục đích tích trữ nước cũng là để chặn dòng nước ở miệng cống nhằm khắc phục tạm độ hở của cánh cửa van. 

Do nước chảy tư do dẫn đến đường sá, cầu cống bị hư hỏng

Trên thượng nguồn hồ Vực Trống chủ yếu là cây bụi nhỏ, khả năng sinh thủy rất thấp. Vì vậy, việc cống không tích được nước sẽ dẫn đến thiếu nước tưới cho toàn bộ đồng ruộng của các xã trong vùng. Nguy hiểm hơn, hiện nay chỉ cần một trận lũ nhỏ, nước trong lòng hồ dâng cao, cống không xả được vì đã bị bịt lại bằng 230 bao tải cây bổi cộng với tràn xả lũ vượt quá mức cho phép, nguy cơ vỡ đập sẽ là rất lớn. Và lúc đó, một cơn đại hồng thủy sẽ đổ lên đầu hơn 2 vạn dân cư trong vùng.

 Không biết lãnh đạo địa phương và các ngành chức năng ở Hà Tĩnh có lo lắng trăn trở gì không, điều bi hài là khi PV điện thoại trực tiếp cho ông Bùi Huy Tam - Chủ tịch UBND huyện Can Lộc thì được ông Tam trả lời: “Nhà báo có cách gì giúp huyện với?”.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm