| Hotline: 0983.970.780

10 năm Hà Tĩnh thực hiện Nghị quyết 26: Cú hích Nông thôn mới

Thứ Ba 31/07/2018 , 08:48 (GMT+7)

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết (NQ) 26 về “tam nông”, 7 năm qua Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) trở thành Chương trình trọng tâm được cả hệ thống chính trị tỉnh Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo thực hiện.

Hơn 50% số xã đạt chuẩn

Những ngày đầu phát động xây dựng NTM, từ chính quyền cơ sở đến người dân đều rất lạ lẫm với với khái niệm này. BCĐ cấp tỉnh thì không nói nhưng cấp huyện, xã để tìm được một cán bộ thực sự hiểu 19 tiêu chí NTM thì đúng là “của hiếm”. Nói như vậy để thấy, cán bộ không nắm được Chương trình thì không thể chỉ đạo người dân thực hiện.

12-39-27_nh2
KDC NTM kiểu mẫu xã Hương Trà (huyện Hương Khê)

Năm 2012 – 2013, phong trào xây dựng NTM được đẩy lên thành cao trào, ngày thứ bảy, chủ nhật trở thành “ngày NTM”. Các cán bộ sau khi thấm nhuần bộ 19 tiêu chí được phân công xuống cơ sở cùng ăn, cùng ở, cùng làm NTM với người dân.

“Mưa dầm thấm lâu”, khoảng 2 năm sau ý thức tự giác tham gia xây dựng NTM của người dân được nâng lên rõ rệt, nhà nhà hiến đất làm NTM, người người góp tiền, góp sức xây dựng đường GTNT, nhà văn hóa thôn...

Theo lãnh đạo Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh, cuối năm 2010 triển khai chương trình, điểm xuất phát của địa phương rất thấp, bình quân mỗi xã chỉ đạt 3,5 tiêu chí/xã; không có xã đạt trên 10 tiêu chí; có đến 183 xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó có 20 xã không đạt tiêu chí nào; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 8,46 triệu đồng/người/năm.

Tuy nhiên, đến thời điểm cuối năm 2017 mức độ đạt chuẩn các tiêu chí đều tăng lên, bình quân đạt 15,1 tiêu chí/xã, tăng 11,6 tiêu chí so cuối năm 2010 (bình quân cả nước là 14,25 tiêu chí/xã); có 115 xã đạt chuẩn, chiếm 50,2% (cả nước 36,84%); không còn xã dưới 10 tiêu chí; có 2 xã cơ bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là Tượng Sơn (Thạch Hà) và Tùng Ảnh (Đức Thọ) trong tổng số 18 xã phấn đấu xây dựng xã NTM kiểu mẫu; tỷ lệ hộ nghèo còn 8,56%; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 39,3 triệu đồng.

“Đây là kết quả bước đầu rất đáng mừng và điều quan trọng là kết quả này được BCĐ Trung ương và người dân ghi nhận, đánh giá cao. Thực lòng mà nói, nếu không xây dựng NTM thì Hà Tĩnh không thể có hệ thống điện, đường, trường, trạm kiên cố, hiện đại như bây giờ; đặc biệt là công tác tổ chức lại sản xuất chuyển từ manh mún, nhỏ lẻ sang hàng hóa tập trung quy mô lớn”, vị này chia sẻ.

Xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên là một trong những xã đạt chuẩn top đầu của tỉnh. Mặc dù đây là địa phương giàu truyền thống cách mạng nhưng những năm 2011 – 2012 khi chính quyền phát động xây dựng NTM, đại bộ phận người dân cho rằng đây là việc của nhà nước chứ không phải trách nhiệm của bà con.

Đứng trước khó khăn đó, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, cán bộ, đảng viên được vận động tiên phong đi đầu đóng góp tiền, hiến đất, hiến tài sản...t hực hiện các tiêu chí để làm gương cho nhân dân trong thôn, xóm.

Kết quả thu được là một, hai gia đình hiến đất, phá bỏ hàng rào sau một thời gian ngắn đã lên đến hàng trăm, hàng nghìn hộ; con em đi làm ăn xa cũng tự nguyện đóng góp hàng trăm, hàng tỷ đồng cho quyê hương xây dựng các công trình phúc lợi...

12-39-27_nh5
Đường giao thông được bê tông, nhựa hóa khang trang nhờ NTM
Hiện Cẩm Bình là một trong những xã điển hình của Hà Tĩnh tổ chức sản xuất bài bản, quy mô, mang lại giá trị kinh tế cao. Riêng cây lúa hầu hết diện tích canh tác theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, một đến hai giống lúa; thu nhập bình quân vườn hộ đạt trên dưới 50 triệu đồng/năm, cá biệt có những vườn đạt 150 – 170 triệu đồng/năm.

Bây giờ, với người dân xây dựng NTM từ “yêu cầu” đã trở thành “nhu cầu”, từ “hy vọng” đã trở thành “khát vọng”, từ nhận thức “phải làm” nay “muốn được làm”. Điều quan trọng hơn, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, Cẩm Bình không chỉ dừng lại ở đó mà tiếp tục nâng cấp chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.
 

Tiêu chí 20 – Sáng tạo của riêng Hà Tĩnh

Từ những ngày đầu phát động chương trình, Hà Tĩnh xác định xây dựng NTM có điểm khởi động nhưng không có điểm kết thúc nên để ngăn chặn tình trạng một số xã “rơi chuẩn”, tỉnh ban hành thêm tiêu chí 20 (Khu dân cư (KDC) NTM kiểu mẫu, vườn mẫu).

Sau 5 năm thực hiện tiêu chí này có thể khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, có tính lan tỏa nhanh, đạt kết quả tích cực; đặc biệt là được Trung ương ghi nhận, đánh giá là điểm sáng, yêu cầu các địa phương khác học tập kinh nghiệm của Hà Tĩnh.

Ông Trần Huy Oánh, Chánh văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh chia sẻ, căn cứ vào đề xuất của Văn phòng điều phối NTM tỉnh, năm 2013 UBND tỉnh đã cho xây dựng thí điểm 5 KDC NTM kiểu mẫu, 240 vườn mẫu đại diện cho 3 vùng sinh thái. Sau khi sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm, tiêu chí này bắt đầu được triển khai đồng loạt trong toàn tỉnh.

Kết quả đến nay có 1.780/1.802 thôn triển khai xây dựng KDC NTM kiểu mẫu; trong đó 230 thôn đã đạt chuẩn. So với KDC trước đây, KDC NTM kiểu mẫu có hạ tầng thiết yếu đồng bộ, tạo ra diện mạo mới cho cộng đồng nông thôn; nhà ở dân cư được chỉnh trang, sắp xếp lại hợp lý hơn; vườn hộ được quy hoạch, cải tạo, phát huy hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường; các giá trị văn hóa truyền thống được khôi phục, phát huy; giáo dục, y tế được quan tâm cao hơn; nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường nâng lên rõ rệt; bước đầu hình thành cộng đồng NTM văn minh theo hướng hiện đại.

12-39-27_nh3
Vườn hộ không chỉ đẹp mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nhiều địa phương hình thành, kết nối tour tuyến du lịch trải nghiệm NTM, trở thành điểm tham quan, học tập kinh nghiệm cho các địa phương trong và ngoài tỉnh như: Nam Trà – xã Hương Trà (Hương Khê), Hà Thanh – xã Tượng Sơn (Thạch Hà), Châu Nội – xã Tùng Ảnh (Đức Thọ), Yên Mỹ - xã Cẩm Yên (Cẩm Xuyên), Phong Giang – xã Tiên Điền (Nghi Xuân), Sơn Bình – xã Thượng Lộc (Can Lộc), Tân An – xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên)...

Đối với vườn mẫu đã có trên 8.200 vườn xây dựng vườn mẫu, trong đó 2.300 vườn đạt chuẩn. So với “vườn xưa”, vườn mẫu giờ được xây dựng và phát triển theo quy hoạch; xác định rõ sản phẩm chủ lực, tạo sản phẩm hàng hóa, tiến tới hình thành mỗi làng một sản phẩm; ứng dụng nhanh các tiến bộ KH- CN vào sản xuất; hiệu quả kinh tế vườn cao hơn (doanh thu gấp 7 lần so với trước); góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan sạch đẹp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng, để xây dựng NTM thành công thì quan điểm, chủ trương đưa ra phải đúng đắn, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, kiên trì. Bởi, xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của tất cả các tổ chức, đơn vị và là trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội, phát huy cao vai trò chủ thể của người dân; vừa “diện” vừa “điểm”, 2 năm đầu là “điểm và diện”, về sau là “diện và điểm”; thực hiện theo phương châm “nâng đầu, đỡ cuối, tất cả cùng tiến bộ và phát triển”.

Riêng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải xác định rõ “tỉnh định hướng, huyện chỉ đạo, xã thực hiện”; làm từ trong mỗi hộ gia đình, đến cộng đồng, thôn xóm để người dân chủ động, tự giác thực hiện, tránh tư tưởng ỷ lại, phát huy cao vai trò chủ thể trong quá trình thực hiện, xác định rõ trước hết làm NTM là làm cho chính mình, nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Làm được như vậy phong trào mới đi vào thực chất, có chiều sâu, bền vững.

Theo ông Sơn, từ nay đến năm 2020 Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình này, phấn đấu đạt bình quân 16,5 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 15 tiêu chí; ít nhất có 60% số xã đạt chuẩn; 20% số xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu/tổng số xã đã đạt chuẩn NTM; 2 - 3 huyện đạt chuẩn NTM và ít nhất 30% số thôn đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Từ năm 2011 đến cuối năm 2017, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM đạt 100.226 tỷ đồng, trong đó, vốn trực tiếp cho Chương trình 5.185 tỷ đồng; vốn lồng ghép 6.814 tỷ; vốn tín dụng 80.534 tỷ; vốn DN góp 2.127 tỷ đồng; dân đóng góp 4.702 tỷ và vốn huy động từ nguồn khác hơn 861 tỷ đồng.

Ngoài ra có 111 đơn vị được UBND tỉnh giao, chấp thuận đỡ đầu cho 173 xã; các huyện, TX, TP kêu gọi được 745 tổ chức, cá nhân tài trợ thực hiện Chương trình với tổng kinh phí đỡ đầu tài trợ hơn 1.253 tỷ đồng.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.