Hội thảo là cơ hội để tìm hiểu và tôn vinh những giá trị và đóng góp to lớn của Trường Mỹ thuật Đông Dương trong tiến trình 100 năm phát triển lịch sử sáng tạo và và giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam. Từ đó, nhận ra những giá trị có thể kế thừa, mở rộng trong bối cảnh hiện đại, để phát triển giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của thời đại.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết: "Sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương đã đặt nền móng cho một mô hình giáo dục nghệ thuật theo hướng hiện đại với hai triết lý hết sức cơ bản là liên ngành và khai phóng. Đây chính là cơ sở cốt lõi để kiến tạo nên một nền giáo dục nghệ thuật, nơi có sự hòa quyện giữa tinh thần nghệ thuật phương Đông và ảnh hưởng của mỹ thuật hiện đại phương Tây".
Liên ngành - khai phóng là một trong những định hướng then chốt đối với việc tạo dựng các triết lý giáo dục và thực hành nghệ thuật mới trong quá trình hình thành và phát triển nền nghệ thuật Việt Nam suốt một thế kỷ vừa qua.
Nhìn lại lịch sử phát triển Trường Mỹ thuật Đông Dương (1924 - 2024), ông Hiệu chia sẻ, khó có thể phủ nhận rằng một trong những nhân tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của một thế hệ các nghệ sĩ thành danh được đào tạo từ Trường Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái và nhiều tên tuổi khác chính là một tinh thần nghệ thuật sáng tạo tự do và khai phóng mang theo các giá trị xuyên thời gian.
Vượt qua những giới hạn về tư tưởng của hệ thống giáo dục thuộc địa, Trường Mỹ thuật Đông Dương đã thực sự trở thành một hình mẫu tiến bộ trong giáo dục nghệ thuật nơi đề cao nhiều triết lý mới mẻ của sự kết hợp giữa quan điểm và phương pháp sáng tạo nghệ thuật giữa phương Đông và phương Tây; giữa cách tiếp cận nghệ thuật vị nghệ thuật và vị nhân sinh; giữa cảm quan về truyền thống và thủ pháp nghệ thuật hiện đại.
Điều này có được trước hết là nhờ vào tinh thần học hỏi, cởi mở và đối thoại từ hai đại diện tiêu biểu là Victor Tardieu và Nam Sơn; những người đã tạo nên một môi trường giáo dục đề cao sự bình đẳng, tự do cũng như tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa sáng tạo nghệ thuật và đời sống xã hội. Các giảng viên người Pháp ngoài mang đến những kỹ thuật tân thời và phong cách mới từ châu Âu, còn khuyến khích sinh viên khám phá và tái hiện các giá trị truyền thống của Việt Nam thông qua lăng kính hiện đại.
Tranh lụa, sơn mài, và kiến trúc hiện đại mang dấu ấn Việt Nam là những ví dụ điển hình về cách thức mà Trường Mỹ thuật Đông Dương đã tạo ra một diện mạo mới cho nghệ thuật và văn hóa Việt Nam, đồng thời đặt nền móng cho sự hội nhập nghệ thuật Đông Dương với thế giới.
Hội thảo cũng là dịp để các nhà khoa học, các nghệ sĩ, những người thực hành nghê thuật đương đại cùng nhau chia sẻ các quan điểm, các tranh luận học thuật mang tính xây dựng về các vấn đề đương đại giữa một khung cảnh hết sức sinh động và đa dạng với nhiều loại hình của đời sống sáng tạo và giáo dục nghệ thuật hiện nay.