| Hotline: 0983.970.780

100% số xã của tỉnh Thái Bình đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ Hai 06/01/2020 , 09:18 (GMT+7)

Thái Bình cũng là một trong 8 tỉnh trên phạm vi toàn quốc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp xã, được Chính phủ biểu dương.

23-10-01_thi-binh-03
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Trần Quốc Vượng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Bằng công nhận huyện Tiền Hải đạt chuẩn NTM năm 2019

Có thể nói, những thành tích xây dựng NTM của Thái Bình trong 10 năm qua là sự cố gắng lớn lao, với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.

Đến nay, đã có 4 huyện của tỉnh Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Tiền Hải. Các huyện còn lại đã hoàn thành 9/9 tiêu chí và được đoàn thẩm định của tỉnh đánh giá, hoàn thành hồ sơ để đề nghị Trung ương thẩm định.

Ông Vũ Công Bình, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình chia sẻ, xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, tạo ra sự chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường. Trong sản xuất nông nghiệp đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung với cùng loại sản phẩm.

Trước đây nhiều đoạn đường trên địa bàn xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy còn nhiều cỏ dại mọc um tùm. Tuy nhiên, sau khi thực hiện chủ trương của Huyện ủy về hành lang giao thông, tạo cảnh quan môi trường, đến nay các tuyến đường của thôn Kim Bàng đã được người dân dọn sạch cỏ dại để trồng thay thế bằng các loại hoa lan tím, chiều tím, mười giờ và cây bóng mát.

Bà Đào Thị Tám, Trưởng thôn Kim Bàng chia sẻ, tất cả các tuyến đường trục thôn với tổng chiều dài hơn 6km, đến nay đã được giải tỏa hành lang hoàn toàn, và trồng các loại hoa như chiều tím, lan tím và mười giờ.

Qua thời gian triển khai thực hiện từ giữa tháng 6 đến tháng 10/2019, toàn xã đã huy động được hơn 3.500 ngày công và tổ chức trồng được hơn 40km đường hoa cây xanh trên địa bàn.

“Chúng tôi phân công cho các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội phụ trách các tuyến đường, còn tuyến đường trong khu dân cư thì phân cho các thôn giao cho các hộ dân, gần nhà ai thì các hộ phụ trách đoạn đó. Còn đoạn nào không có khu dân cư thì các đoàn thể chịu trách nhiệm”, bà Tám nói.

23-10-01_thi-binh-01
Nụ cười rạng rỡ của người nông dân xã Đông Á, huyện Đông Hưng.

Về Thái Xuyên những ngày này, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những con đường hoa rực rỡ đủ sắc màu, trải dài từ khu dân cư tới cánh đồng lúa, nhất là vào khoảng từ 9 - 10 giờ sáng. Những con đường hoa đang làm cho các xã NTM ở Thái Bình thêm bừng sáng, đồng thời góp phần thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường.

Theo ông Vũ Công Bình, một trong những bài học kinh nghiệm quý báu mà địa phương rút ra được sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đó là xác định người dân là chủ thể - người trực tiếp làm, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện và hưởng lợi kết quả.

Việc huy động sự đóng góp phải do chính nhân dân địa phương đó bàn bạc dân chủ, tự nguyện đóng góp và tổ chức thực hiện, tránh sự bàn bạc thiếu dân chủ, dẫn đến việc huy động vượt quá điều kiện kinh tế của người dân.

Cách đây ít ngày, xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) vừa vinh dự đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt được thành quả trên, cả hệ thống chính trị từ xã đến cơ sở đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân góp công sức để hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới. Tổng vốn huy động đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2019 đạt 142 tỷ đồng, trong đó, nhân dân và con em xa quê hỗ trợ, đóng góp 76 tỷ đồng.

Bước sang năm 2020, tỉnh Thái Bình kiên trì thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Các cấp, ngành phải chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ người chủ sang tư duy của người quản lý để từ đó nâng cao trách nhiệm, phối hợp, hỗ trợ hiệu quả cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án ở địa phương.

Nhờ phát huy nội lực, không trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Trung ương, tỉnh Thái Bình tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn mới, tạo nên bộ mặt mới của nhiều xã, thôn khang trang, sạch đẹp.

Hệ thống bờ vùng, bờ thửa, kênh mương, đường giao thông nội đồng, giao thông nông thôn... được xây dựng theo đúng bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Bình, đến tháng 12/2019, xã Thụy Phúc, huyện Thái thụy đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 7 xã đã hoàn thành 11/11 tiêu chí nông thôn mới nâng cao gồm Hồng Minh, Hồng An (huyện Hưng Hà), Đông Lâm, Tây Giang (huyện Tiền Hải), Bình Định, Vũ Tây (huyện Kiến Xương), Thụy Chính (huyện Thái Thụy). Bên cạnh đó, 8 xã phấn đấu đến năm 2020 đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Sáng ngày 28/12/2019, đoàn công tác liên ngành trung ương do ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) Trung ương làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm định hồ sơ, khảo sát thực tế, đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM năm 2019 tại huyện Vũ Thư.

Ông Nguyễn Minh Tiến vui mừng bởi trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Vũ Thư đã huy động được 1.756,2 tỷ đồng và không còn nợ xây dựng cơ bản. Năm 2019, thu nhập bình quân của người dân trong huyện đạt 47,184 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,26%.

Nhờ đó diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng lên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Ông Vũ Công Bình, chia sẻ: “Chúng tôi được biết có địa phương vì chạy theo thành tích mà dồn nguồn lực đầu tư để làm điểm một vài xã, một vài huyện. Họ mong muốn sớm có thành tích xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới.

23-10-01_thi-binh-02
Những miền quê nông thôn Thái Bình đang ngày càng khởi sắc.

Tuy nhiên, tỉnh Thái Bình không chạy theo thành tích mà rót nguồn lực đồng đều cho các địa phương xây dựng nông thôn mới trên diện rộng. Do đó, rất nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới cùng thời điểm”.

  • Tags:
Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phát triển sản phẩm OCOP từ nông sản chủ lực

Đắk Lắk đã tập trung vào phát triển các sản phẩm chủ lực đặc sản của địa phương như: cà phê, bơ, sầu riêng, ca cao, mắc ca…để xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.