| Hotline: 0983.970.780

100% xã đạt chuẩn nhưng vẫn khó đạt huyện NTM

Thứ Hai 12/06/2017 , 13:35 (GMT+7)

Đó là trường hợp của nhiều huyện trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay bởi từ khi Quyết định 558/TTg được áp dụng, mọi chuyện sẽ không còn dễ dàng như trước nữa...

16-16-45_dsc_8511
Nghề làm hương ở Hoài Đức

Trong đó Quyết định 558/TTg quy định ngoài 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) còn phải có 9 tiêu chí nữa để huyện đạt chuẩn NTM gồm: quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, y tế, văn hóa giáo dục, sản xuất, môi trường, an ninh trật tự, chỉ đạo xây dựng NTM với nhiều tiêu chí khó, đòi hỏi phải đạt hoặc % đạt cao. Huyện Hoài Đức đang vấp phải những khó khăn ấy trước ngưỡng cửa huyện NTM tưởng như đã cận kề, khi có 19/19 xã được UBND TP công nhận đạt chuẩn NTM.

Ngay từ đầu năm 2017 huyện Hoài Đức đã phối hợp với các Sở, ngành, Văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Về quy hoạch, đã điều chỉnh quy hoạch xây dựng các xã NTM phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị. Hệ thống giao thông được đầu tư một cách đồng bộ, đã hoàn thành tuyến đường 3,5km đường Lại Yên – An Khánh, nâng cấp một số tuyến đường liên xã. Tập trung xây dựng các trường mầm non đảm bảo đạt chuẩn, xây dựng thêm 12 nhà văn hóa thôn, 1 nhà văn hóa cấp xã.

Phối hợp với Sở GD- ĐT TP bố trí kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất các trường THPT, lập hồ sơ trình công nhận chuẩn quốc gia với 2 trường THPT, xây dựng cải tạo 12 nghĩa trang liệt sĩ. Chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, thu gom rác thải sinh hoạt, xử lý nước thải, chất thải các làng nghề.

Việc thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn huyện và các xã được quan tâm chỉ đạo. Giá trị sản xuất nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2017 của huyện Hoài Đức ước đạt 780 tỷ đồng. Huyện đã trồng mới được hơn 29 ha cây ăn quả và chuyển đổi 32 ha từ trồng cây ăn quả kém hiệu quả sang chuyên trồng rau.

 Để tập trung phát triển nông nghiệp, huyện đã tập trung các biện pháp như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tổ chức kê khai đăng ký đất đai được trên 7.000 thửa, hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa và cấp lần đầu cho khoảng 1.200 thửa đất theo quy định.

Đã xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung như vùng chuyên canh cây ăn quả 540 ha gồm vùng nhãn chín muộn 120 ha tại xã An Thượng, Đông La, Song Phương, vùng trồng bưởi 230 ha, trong đó riêng tại xã Cát Quế đã được cấp giấy chứng nhận nhóm liên kết sản xuất bưởi an toàn…

Giá trị thu nhập của mô hình nhãn chín muộn đạt 500 triệu đồng/ha, mô hình bưởi đường sớm cho 500 triệu đồng/ha, phật thủ đạt 600 triệu đồng – 1 tỷ đồng/ha, rau an toàn 400 triệu đồng/ha/năm. Tính chung, tổng vốn huyện này đã đầu tư cho xây dựng NTM năm 2017 là 632 tỷ đồng.

Nhất trí với những gì mà Hoài Đức đã nỗ lực trong thời gian qua, Ban chỉ đạo Xây dựng NTM thành phố đã họp đánh giá và bỏ phiếu 100% đồng ý huyện Hoài Đức đạt chuẩn NTM. Hiện hồ sơ đang được trình Chính phủ để xét duyệt.

Trong buổi làm việc mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã ghi nhận các thành quả của Hoài Đức nhưng yêu cầu địa phương vẫn cần cố gắng hơn nữa vì việc ứng dụng khoa học- kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất còn chưa cao, vấn đề bàn giao đất dịch vụ còn nhiều vướng mắc, chậm giao đất cho nhân dân.

Hoài Đức chưa phát triển được nhiều các mô hình quy mô lớn, sản phẩm sạch, đặc biệt là các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Chưa gắn kết được chặt chẽ giữa người nông dân và doanh nghiệp để cung cấp ra thị trường những sản phẩm sạch dần tiến đến xây dựng thương hiệu để xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của huyện.

Trong xây dựng NTM ở các xã cần rà soát lại các tiêu chí vệ sinh môi trường, thu nhập, giao thông… Phải gắn hương ước, quy ước của làng xã với bộ quy tắc ứng xử của người Hà Nội văn minh thanh lịch. Phải lồng ghép việc xây dựng NTM với xây dựng đô thị văn minh bởi huyện Hoài Đức đang trong quá trình chuyển sang đô thị hóa nhanh để phấn đấu đến năm 2020 sẽ thành một quận mới của Thủ đô.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.