Ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Cà Mau cho biết: Đến cuối tháng 5/2024, nông dân vùng sản xuất lúa 2 vụ tỉnh Cà Mau mới xuống giống được hơn 3.000ha vụ hè thu, rất chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân do mưa ít và mưa rải rác, không đồng đều. Những hộ sạ khô phải gieo lại do giống bị chết vì thiếu nước.
Theo ông Thức, vụ lúa hè thu năm 2024 tỉnh Cà Mau lên kế hoạch gieo sạ khoảng 37.000ha, chủ yếu tập trung tại huyện Trần Văn Thời gần 29.000ha, còn lại là U Minh hơn 4.000ha, Thới Bình hơn 600ha và TP Cà Mau 3.000ha.
Lịch gieo sạ đến ngày 15/6 sẽ kết thúc, tuy nhiên do diễn biến thời tiết hết sức phức tạp, nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến kế hoạch xuống giống của bà con nông dân. Đặc biệt đối với những hộ sạ khô, ngoài nắng nóng, thiếu nước còn bị ốc bươu vàng phá hoại.
Ông Đào Thanh Tùng ở ấp Tân Thuộc, xã An Xuyên, TP Cà Mau cho biết: Sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân 2023 – 2024, ông tiếp tục cày ải phơi đất, khi mưa xuống bừa cho tơi đất rồi tiến hành gieo sạ với diện tích hơn 1,5ha. Vụ lúa hè thu năm nay ông Tùng sử dụng giống lúa OM18 và gieo sạ khô, tuy nhiên nắng nóng kéo dài đã làm thiệt hại gần như hoàn toàn diện tích gieo sạ trước đó.
Ông Cao Văn Lơ, nông dân xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời cho biết, vụ lúa hè thu này gia đình gieo sạ 1,2ha giống lúa Đài thơm 8. Năm nay lịch thời vụ của ngành chuyên môn đưa ra sớm hơn mọi năm nên gia đình chậm xuống giống và đã tránh được rủi ro.
Hiện nay, nhiều nông dân trong tỉnh Cà Mau rất ngại xuống giống lúa vụ hè thu vì sợ nắng nóng tiếp tục kéo dài và lo lắng ốc bươu vàng phá hoại. Do vậy, bà con nông dân cần lưu ý theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết, thông báo chỉ đạo của chính quyền địa phương, ngành chức năng để xuống giống đúng tiến độ và có hiệu quả.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, ngành nông nghiệp đã tăng cường thông tin dự báo tình hình thời tiết, thủy văn, xâm nhập mặn kịp thời đến người dân để chủ động gieo sạ và chăm sóc vụ lúa hè thu năm 2024. Đồng thời khuyến cáo và triển khai các giải pháp kỹ thuật cho bà con nông dân như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", tưới ngập - khô xen kẽ, công nghệ sinh thái... Cùng với đó, khuyến cáo nông dân các biện pháp phòng chống một số sinh vật gây hại trên lúa như rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, đạo ôn...
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Cà Mau, cơ cấu giống lúa được khuyến cáo sử dụng cho vụ hè thu năm nay gồm các giống thuộc nhóm chất lượng cao như OM18, OM5451, OM6162, Camau1, Hương Châu 6… chiếm 70 – 75% diện tích. Nhóm giống lúa thơm đặc sản như ST24, ST25, RVT, Lộc Trời 28, Đài thơm 8… bố trí sản xuất 10 – 15% diện tích. Nhóm giống lúa chất lượng trung bình như OM576 (Hầm trâu, siêu Hầm trâu), OM2517… bố trí sản xuất khoảng 10% diện tích.
Ngoài ra, có thể sử dụng một số giống lúa triển vọng như OM429, OM3673… với diện tích nhỏ để đánh giá năng suất, chất lượng, tính thích nghi nhằm lựa chọn để sản xuất đại trà trong thời gian tới.