Ngày 17/8/2023, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) nhận được thông tin từ ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện về việc trâu bò tại thôn Cuôi, xã Hướng Lập chết không rõ nguyên nhân.
Cùng ngày, Trạm Chăn nuôi và Thú y kết hợp với Phòng NN-PTNT huyện Hướng Hóa cử cán bộ vào kiểm tra, nắm tình hình và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch ban đầu.
Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra thực tế đoàn chỉ ghi nhận 1 con bò của gia đình ông Hồ Văn Lai có triệu chứng sốt, bỏ ăn, chân đi khập khiễng, sưng ung ở bắp thịt và có tiếng kêu lạo xạo khi bóp…Theo lời ông Lai, đàn gia súc của ông chưa được tiêm phòng các loại vacxin. Trước đó, một con bò của gia đình cũng có những triệu chứng tương tự rồi chết.
Nắm tình hình tại thôn Cuôi, lực lượng chức năng ghi nhận có 13 con trâu, bò đã chết kể từ ngày 15/7/2023. Một số hộ có giết mổ thấy thịt đen, xốp có bọt khí, mùi tanh.
Qua kiểm tra các triệu chứng lâm sàng và điều tra tình hình dịch tễ ở địa phương, bước đầu đoàn kiểm tra nhận định, có thể trâu, bò bị bệnh ung khí thán, nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Nguyên nhân, do đàn trâu, bò trên địa bàn xã chưa được tiêm phòng vacxin ung khí thán, tụ huyết trùng, lở mồm long móng.
Trước thực tế trên, Phòng NN-PTNT huyện Hướng Hóa chỉ đạo UBND xã Hướng Lập phân công cán bộ nông nghiệp, khuyến nông xã thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh để xử lý kịp thời.
Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hướng Hóa cấp và hướng dẫn tiêu độc, khử trùng cho các hộ dân tại thôn Cuôi. Toàn bộ số trâu, bò của xã Hướng Lập đã được tiêm phòng các loại vacxin. Vấn đề vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc có dấu hiệu dịch bệnh khi chưa có sự cho phép của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng bị nghiêm cấm triệt để.
Ông Lê Hồng Minh, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y Hướng Hóa cho biết, xã Hướng Lập hiện chưa có nhân viên thú y. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thông tin dịch bệnh đàn gia súc đến với Trạm muộn.
“Khi chúng tôi đến kiểm tra người dân cho biết có 13 con trâu, bò bị chết có các triệu chứng của bệnh ung khí thán. Người dân cho biết không buôn bán, vận chuyển nhưng khi hỏi để tìm nơi chôn xác trâu, bò không có. Có thể người dân đã mổ thịt bán. Chúng tôi chỉ tuyên truyền vận động người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh còn việc xử lý việc buôn bán vận chuyển trâu bò bị bệnh là của chính quyền”, ông Minh cho hay.
Ông Minh cũng cho biết thêm, thông tin về trâu, bò chết ông không trực tiếp nghe từ chính quyền xã Hướng Lập mà chính ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa thông báo. Sau khi đoàn công tác của UBND huyện Hướng Hóa vào trực tiếp nắm tình hình UBND xã Hướng Lập mới có văn bản báo cáo cụ thể.
“Ông Thuận đi tiếp xúc cử tri tại Hướng Lập nghe bà con phản ánh nên thông tin cho chúng tôi. Đúng là không có nhân viên thú y xã bà con không biết báo cho ai. Cũng vì thế mà chúng tôi biết được thông tin đã quá muộn, thiệt hại cho bà con là rất lớn. Rất may, sau khi phát hiện dịch bệnh, nhờ quyết liệt triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch nên bệnh không lây lan”, ông Minh chia sẻ.
Giải thích về việc báo cáo dịch bệnh chậm gây thiệt hại lớn cho người dân, bà Hồ Thị Ven, Chủ tịch UBND xã Hướng Lập phân bua, thôn Cuôi cách trung tâm xã gần 20km. Địa bàn này không có sóng điện thoại, thời điểm xẩy ra dịch bệnh, các đập tràn trên đường vào thôn bị cô lập nên người dân không báo cáo được với UBND xã.
Liên quan đến công tác tiêm phòng vacxin tại thôn Cuôi, bà Ven cho biết, đa phần người dân chăn thả gia súc trong rừng nên việc tiêm phòng hết sức khó khăn. Số gia súc bị chết, dù không tìm thấy hố chôn nhưng người dân cho biết đã chôn trên rừng nên cũng không có cơ sở để nói họ mổ thịt trâu bò bệnh để bán.
Thiếu nhân viên thú y cấp xã
Theo thông tin từ Phòng NN-PTNT huyện Hướng Hóa, toàn huyện còn 9 xã chưa tuyển được nhân viên thú y. Người có kinh nghiệm lâu năm không đủ giấy tờ, bằng cấp (trung cấp), người có đủ điều kiện lại bỏ đi làm tại các trại chăn nuôi với mức thu nhập cao. Điều này gây rất nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.